Kỳ 110: Hàng quán cà phê trong quá trình phát triển ngành thời trang
Trong tiến trình phát triển của ngành thời trang, hàng quán cà phê đã tạo nên không gian kết nối, thúc đẩy tư duy thẩm mỹ và sáng tạo nên những chuẩn mực mới mang tinh thần thời đại.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê hàng đầu thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon bậc nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Thời trang – Biểu tượng của lối sống và tinh thần thời đại
Song hành cùng tiến trình phát triển của nhân loại, thời trang từ thời nguyên thủy đến ngày nay không chỉ phản ánh trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật may mặc, mà còn biểu đạt cho sự tiến bộ về văn hóa, tư tưởng, cấu trúc xã hội và phong cách sống của từng thời kỳ.
Thuở sơ khai, thời trang đã xuất hiện như một phương tiện sinh tồn, đồng thời cho thấy những biểu hiện đầu tiên của con người về cái đẹp. Đặc biệt, trang phục trở thành dấu hiệu phân tầng xã hội từ việc xác định người thủ lĩnh bộ lạc thời sơ khai, đến sự phân biệt các giai cấp quý tộc và thường dân trong xã hội cổ đại, phong kiến. Đồng thời, không chỉ gắn liền với thể chế, thời trang cũng được sáng tạo theo lễ nghi, tôn giáo, theo không gian, thời gian, mục đích sử dụng khác nhau.

Thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 14 - 17) đánh dấu sự chuyển tiếp từ thời trung cổ sang thời hiện đại với những khám phá mới của con người về giá trị nghệ thuật, văn học và khoa học. Giai đoạn này, chứng kiến sự trỗi dậy của tư tưởng nhân văn – đặt giá trị con người vào trung tâm, thời trang không còn chỉ là sự xa hoa bên ngoài mà là sự giao thoa của trí tuệ và sáng tạo nghệ thuật. Đây là tiền đề để bước từ thế kỷ 18, thời trang chuyển mình sang vẻ thanh lịch, trang nhã, phản ánh một xã hội đề cao tri thức và những giá trị cá nhân, khát khao hướng đến đời sống có ý nghĩa.
Với những tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, ngành thời trang bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, phổ biến với tinh thần đại chúng. Giai đoạn này cũng bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ tinh thần tự do cá nhân của con người, mở đầu cho thời đại của những cách tân trong tư tưởng và “cuộc cách mạng tâm hồn” tìm lại bản chất con người và vai trò của con người trong thế giới quan ở thế kỷ 20. Theo đó, các sản phẩm thời trang bắt đầu phản ánh những khao khát và ý thức cá nhân cao độ, có chức năng như biểu tượng văn hóa, gieo mầm cho một cuộc chuyển đổi hệ giá trị mới, lối sống mới.

Những phong trào, phong cách thời trang mới nhanh chóng xuất hiện như một phương tiện thể hiện khát khao tự do, không chỉ phản ánh thời đại mà còn góp phần “tạo ra thời đại”. Từ phong trào “hippie” những năm 1960 và 1970 với tinh thần phóng khoáng, phá cách, đến phong cách “streetwear” phản ánh văn hóa đường phố, gắn với thế hệ trẻ đô thị, cho thấy thời trang mang tính tuyên ngôn cá nhân rõ rệt.
Hàng quán cà phê – Không gian thúc đẩy tư duy thẩm mỹ và lối sống đương thời
Thế kỷ 17 - 18, hàng quán cà phê hiện diện khắp châu Âu, và nhanh chóng trở thành không gian văn hóa khác biệt với môi trường đô thị của nó. Không chỉ là nơi để thưởng thức một tách cà phê, hàng quán cà phê được xem là biểu tượng mạnh mẽ nhất về sự sống động văn hóa với môi trường đô thị của nó. Với sự cởi mở đón nhận tất cả mọi đối tượng, tự do tranh luận những ý tưởng mới tạo nên không gian sáng tạo, hàng quán cà phê hình thành và phổ biến các hình thức nghệ thuật mới, góp phần thúc đẩy tư duy thẩm mỹ của thời đại và sự đổi mới.
Thế kỷ 19, hàng quán cà phê đã trở thành nơi khởi xuất, hình thành và phát triển của Chủ nghĩa Hiện đại, Phục hưng Harlem hay các xu hướng văn hóa, nghệ thuật đậm chất đương đại. Bên cạnh đó, trang phục, phong thái của người đi cà phê đương thời, và các màn trình diễn thời trang tại hàng quán cà phê đã nuôi dưỡng tinh thần khai phóng, góp phần hình thành phong cách sống.

Tại các “salon de café” ở Paris, Vienna, hay London…, giới trí thức, quý tộc thường vừa tụ họp vừa thưởng thức cà phê trong những bộ trang phục sang trọng với áo choàng nhung, nón lông, găng tay da… Những địa điểm như Café Procope (1686, Paris) trở thành điểm hẹn của những nhà tư tưởng lớn Voltaire và Rousseau; hay Caffè Florian (1720, Venice) là nơi gặp mặt của giới quý tộc và trí thức nổi tiếng như nhà soạn kịch Carlo Goldoni, nhà văn Goethe và Casanova... Theo đó, “Respectable People”- những người đáng kính, đã trở thành cách gọi chung cho những khách hàng của quán cà phê thời kỳ bấy giờ.
Cuối thế kỷ 20, tại Toronto (Yorkville), các quán cà phê đã trở thành điểm hẹn sôi động của cộng đồng hippie. Các buổi đọc thơ, biểu diễn âm nhạc sống, triển lãm nghệ thuật và trình diễn thời trang phá cách như quần ống loe, áo tua rua… thường xuyên được tổ chức nơi đây phản ánh khát vọng tự do và cá tính của giới trẻ thời bấy giờ.
Đặc biệt, mang đậm hơi thở của cuộc sống, chứa chan những khát khao, hoài vọng của đời người, hàng quán cà phê trở thành chất xúc tác, nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp thời trang hiện đại.
Tại Tuần lễ Thời trang Paris năm 2015, Chanel đã khiến giới mộ điệu ấn tượng khi biến sàn “catwalk” Grand Palais tráng lệ thành một quán cà phê kiểu Paris mang tên “Brasserie Gabrielle”. Trong những thiết kế vải tweed mềm mại, các người mẫu ngồi xuống bàn, tạo dáng như những vị khách tại quán cà phê. Những tên tuổi đình đám trong làng thời trang như Cara Delevingne và Kendall Jenner trò chuyện bên quầy bar, trong khi Joan Smalls chờ thưởng thức ly espresso, tạo nên một khung cảnh thời thượng, sống động, thể hiện sự giao thoa đầy cảm hứng giữa thời trang và cà phê.

Ngày nay, các thương hiệu lớn như ELLE, Dior, Prada, Dolce & Gabbana… cũng mở các hàng quán cà phê mang đậm dấu ấn thiết kế đặc trưng của thương hiệu hiện diện tại nhiều quốc gia Pháp, Mỹ, Ý, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… để truyền tải phong cách thời trang đến các tín đồ có gu nghệ thuật thông qua trải nghiệm cà phê.
Suốt tiến trình phát triển, thời trang không chỉ hiện thân của thẩm mỹ mà còn đại diện cho tinh thần đổi mới không ngừng, cũng như phản ánh khát vọng thời đại. Trong hành trình đó, hàng quán cà phê đã song hành cùng thời trang thúc đẩy sự sáng tạo và chuyển tải những giá trị văn hóa, tinh thần thời trang đến với cộng đồng, góp phần hình thành phong cách sống hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao

Đón đọc kỳ sau: Coco Chanel và tinh thần cách tân thời trang đương đại