Kỳ 2: Cần'tiếp sức' cho giáo viên vùng khó Lai Châu
Có những người gác lại mái ấm, hy sinh hạnh phúc riêng tư, để vượt rừng, cắm bản gieo chữ. Họ đang tiếp sức cho trẻ em vùng khó, vùng xa có cơ hội vươn lên. Nhưng để có thể gắn bó cống hiến cho vùng khó chính bản thân họ, những giáo viên cắm bản cũng cần được 'tiếp sức'.

Giáo viên cắm bản đang tiếp sức cho trẻ em vùng khó, ngược lại họ cũng cần được tiếp sức.
Thời điểm năm 2020, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tủa Sín Chải có 13 điểm trường trên 11 bản (có những bản nhiều cụm dân cư, các cụm dân cư lại ở cách xa nhau nên phải mở lớp tại cụm dân cư); Trường mầm non có 12 điểm trường. Khi đó, Tủa Sín Chải có 9/11 bản chưa có điện, chưa có đường và chưa có cả sóng điện thoại.
Đến nay, ở cả hai cấp học này, mùa khô vẫn còn hai điểm trường chưa thể đi xe máy vào bản, còn mùa mưa thì phần lớn các điểm bản vẫn không thể đi xe máy vào được.
Điểm trường xa nhất cũng phải đi xe máy vòng mất hơn 40km sau đó phải đi bộ hơn 20km mới đến điểm trường; hoặc tính theo đường rừng đi bộ phải mất quá nửa ngày. May mắn là hiện tại các bản đều đã có điện và sóng điện thoại.

Đường đến điểm trường của giáo viên cắm bản ở Tủa Sín Chải.
Với những bản xa, khó khăn, các điểm trường vẫn phải duy trì, nhất là đối với trẻ mầm non và cấp tiểu học ở lớp 1, lớp 2. Bởi ở lứa tuổi này, các em còn quá nhỏ chưa thể rời xa bố mẹ, chưa thể tự bảo đảm khâu vệ sinh cá nhân đơn thuần. Hơn nữa hầu hết các điểm bản đều xa trung tâm xã và khó khăn về giao thông đi lại.
Thầy Dương Công Thảnh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tủa Sín Chải cho biết, đơn vị luôn quan tâm bố trí hợp lý giáo viên cắm bản, nhất là các bản đặc biệt khó khăn. Các năm trường đều họp, lắng nghe ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của giáo viên, nhất là trong sắp xếp và chọn giáo viên đi cắm bản sao cho thực sự hài hòa.

Một cô giáo của Trường mầm non Tủa Sín Chải đi bộ vào điểm trường.
"Trước tiên chúng tôi ưu tiên những giáo viên người địa phương có nhà gần với điểm trường, kế tiếp chọn giáo viên nam trên tinh thần xung phong. Số điểm bản còn lại chúng tôi sẽ cử quay vòng nhằm bảo đảm tính công bằng. Với giáo viên nữ đang có thai hay nuôi con nhỏ, những người không may bị đau ốm sẽ ưu tiên dạy ở trung tâm. Về chế độ chính sách, tất cả các giáo viên cắm bản, dù bản khó hay bản thuận lợi đều hưởng chính sách giống nhau theo quy định. Nhà trường cũng rất chia sẻ, nhưng chính sách hiện hành là vậy, chưa thể bù đắp được những vất vả, hy sinh thầm lặng của giáo viên" - thầy Dương Công Thảnh cho biết.
Thực tế tại các điểm trường khó khăn cho thấy, những giải pháp để luân chuyển hài hòa giữa giáo viên cắm bản cũng chỉ là tình thế, trong khi đó những giáo viên bậc mầm non ở địa bàn khó khăn vừa có số điểm trường nhiều như Tủa Sín Chải lại là giáo viên nữ, việc bố trí càng khó khăn hơn.

Ở bậc tiểu học giáo viên cắm bản được bố trí hài hòa hơn vì nhà trường có các thầy giáo.
Đơn cử như Trường mầm non Tủa Sín Chải hiện có 12 điểm trường với 16 lớp, trong đó vì thiếu giáo viên nên có đến tám lớp chỉ có một cô giáo đứng lớp. Một cô phải chăm sóc từ 27 đến trên 30 cháu.
Ngoài việc dạy, dỗ còn phải nấu bữa trưa cho các cháu ăn, ngủ... mà học sinh ở điểm bản phần lớn là lớp ghép ở các lứa tuổi khác nhau; hoặc ít nhất cũng là lớp ghép từ 2 đến 3 tuổi, từ 4 đến 5 tuổi, đó là gánh nặng quá sức.
Huyện Sìn Hồ hiện còn thiếu 126 giáo viên các cấp. Dù tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, số lượng hồ sơ nộp rất ít. Nhiều người e ngại vì 18/22 xã của huyện là đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại gian nan, cơ hội phát triển nghề nghiệp bị hạn chế.
Theo ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng. Đường giao thông đến các bản phải đi lại thuận tiện bằng ô-tô, hoặc ít nhất cũng đi được xe máy thuận tiện bốn mùa; trường lớp phải kiên cố, có nhà công vụ, công trình nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ giáo viên. Quan trọng hơn, cần có chính sách thu hút đủ mạnh và đủ dài để giữ chân giáo viên ở các điểm bản vùng sâu.

Ở bậc mầm non giáo viên cắm bản là nữ nên vất vả hơn, thậm chí do thiếu giáo viên nên có những điểm trường một cô phải chăm hơn 30 cháu ở các độ tuổi.
Ông Mạc Quang Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Để giúp giáo viên vùng khó, ở các điểm bản yên tâm công tác, bám trường bám lớp, ngoài việc tiếp tục nâng chế độ đãi ngộ, cần có quy định rõ về nhân viên nuôi dưỡng, để giáo viên chuyên tâm giảng dạy.
Khi tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp (tỉnh-xã), việc điều động, luân chuyển giáo viên trong toàn tỉnh sẽ linh hoạt hơn, góp phần giải bài toán chỗ thừa, chỗ thiếu. Ngoài ra, cũng cần có chính sách ưu tiên trong xóa bản trắng về giao thông đến bản; đầu tư đồng bộ cơ sở trường lớp, nhà công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nuôi ăn bán trú nhất là ở các bản đặc biệt khó khăn.
"Giữ chân được giáo viên vùng khó khăn không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành. Chỉ khi người cắm bản yên tâm với nghề, trẻ em vùng sâu mới có cơ hội đến trường đầy đủ và chất lượng...", ông Dũng nói thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-2-cantiep-suc-cho-giao-vien-vung-kho-lai-chau-post880916.html