Kỳ 2: 'Chặn cung, giảm cầu' ma túy từ sớm, từ xa
Với mục tiêu cao nhất bảo đảm tuyệt đối bình yên cho người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Công an tỉnh Điện Biên đã và đang huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là tại các xã biên giới triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đấu tranh từ sớm, từ xa đối với tội phạm ma túy.
Lấy phòng ngừa là trọng tâm
Tại Điện Biên, trong 29 xã biên giới thuộc 4 huyện gồm: Điện Điên, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ, mỗi huyện chọn 2 xã biên giới để triển khai mô hình "Xã biên giới sạch về ma túy". Trước khi thực hiện kế hoạch, trong tổng số 29 xã biên giới có 21 xã trọng điểm phức tạp về ma túy. Thống kê, trên địa bàn các xã biên giới có tổng số khoảng 1.492 người nghiện ma túy, do đó tình hình tội phạm về ma túy tại các xã biên giới luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Với 8 tiêu chí cụ thể, Công an tỉnh Điện Biên đã vạch ra lộ trình thực hiện qua các giai đoạn, sau đó duy trì kết quả làm sạch ma túy tại 8 xã biên giới và tiến tới tiếp tục triển khai lan tỏa tại các địa bàn khác. Bám sát vào kế hoạch, chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an các xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng mô hình. Cùng với đó, tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền mang tính chiều sâu, bền vững.
Trên cơ sở tham mưu của Công an huyện, Công an xã, Đảng ủy các xã đã ban hành nghị quyết về xây dựng "Xã biên giới sạch về ma túy". Những mô hình, kế hoạch, biện pháp được xây dựng dựa trên tình hình, đặc thù ở từng địa bàn, đảm bảo sát thực tế, đem lại hiệu quả cao.
Đại tá Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, ngoài xã Mường Pồn, các xã như Hua Thanh thành lập 10 đội tự quản với tổng số 59 thành viên, lắp đặt 10 hòm thư tố giác tội phạm tại 10 bản. Xã Mường Mươn và Ma Thì Hồ của huyện Mường Chà đã thành lập 86 mô hình "Tự quản về an ninh trật tự tại cơ sở". Xã Phìn Hồ xây dựng 8 mô hình "Bản an toàn, không tệ nạn ma túy" với 40 thành viên đại diện cho 788 hộ gia đình. Xã Chà Nưa xây dựng 6 mô hình "Bản an toàn, không có tệ nạn ma túy" với 30 thành viên đại diện cho 649 hộ gia đình. Các xã khác cũng thành lập nhiều mô hình, tổ tự quản, lắp đặt hòm thư tố giác tội phạm, bồi đắp thêm bền chặt những kênh thông tin, kết nối, chỉ đạo của chính quyền các cấp xuống tới từng người dân bản, tạo ra thế trận lòng dân, thế trận nhân dân trong phòng, chống ma túy.
Nhận diện rõ những tồn tại, nguyên nhân có thể là mầm mống nảy sinh tội phạm ma túy, trong đó trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc hạn chế, kinh tế - xã hội ở các xã biên giới còn nhiều khó khăn, người dân dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Công an các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các xã biên giới. Việc phát triển kinh tế - xã hội được xem là đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa của đồng bào.
Đơn cử như huyện Mường Nhé đã quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bằng các hình thức giúp những hộ gia đình vay vốn hạn mức 40 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vật nuôi, giống cây trồng cho các hộ gia đình của hai xã. Huyện Mường Chà đã hỗ trợ 2 xã Mường Mươn và Ma Thì Hồ xây dựng 10 nhà đại đoàn kết và 1 nhà văn hóa Mường Mươn; đồng thời mở đường vào các bản Pú Chả, Huổi Nhạ, Kết Tinh góp phần giúp cho người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng trong đó có Công an các xã đã giúp dân sửa chữa đường mương nước phục vụ tưới tiêu phát triển nông nghiệp của địa phương. Hỗ trợ 96 téc đựng nước và dây dẫn cho 96 hộ dân, 281 trường hợp trên địa bàn nhận được tiền bảo trợ xã hội.
Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ cho biết, xã Phìn Hồ đã hỗ trợ 128 phần quà giúp các hộ nghèo trên địa bàn. Xã Chà Nưa hỗ trợ xây 1 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, triển khai dự án nước sinh hoạt cho 4 hộ gia đình, tạo điều kiện vay vốn chính sách cho các hộ để phát triển kinh tế. Việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là các xã biên giới sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa của người dân, qua đó cũng giúp công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả cao. Còn tại huyện Điện Biên đã thực hiện dự án nước sạch sinh hoạt phân tán cho các hộ dân trên địa bàn xã cũng như các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân nghèo có điều kiện vay vốn để đầu tư, sản xuất thoát nghèo và phát triển kinh tế. Ở những nơi phóng viên đến ghi nhận, bà con dân bản đều dành tình cảm, biết ơn Đảng, chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong phòng, chống đấu tranh với ma túy.
Đấu tranh trấn áp mạnh "cung - cầu" ma túy
Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch xây dựng "Xã biên giới sạch về ma túy" đó là, phải lấy phòng ngừa là chính, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân ở các xã biên giới trong phòng, chống ma túy. Cùng với đó, kết hợp triển khai quyết liệt việc "chặn cung, giảm cầu", tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo lập "vành đai biên giới" sạch ma túy, vững chắc để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy, quyết tâm không để khu vực biên giới tỉnh Điện Biên trở thành địa bàn trung chuyển ma túy.
Trên cơ sở tổng hòa những biện pháp phòng, chống tội phạm ma túy mang tính chất chiều sâu, nhiều tầng, tuyến, lớp, các đơn vị đã triển khai những biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả đối với đối tượng bán lẻ, điểm phức tạp về ma túy. Cùng với đó, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, bắt giữ, trấn áp, bóc gỡ những đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên quan đến địa bàn các xã biên giới.
Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động và phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức những đợt cao điểm trấn công trấn áp tội phạm ma túy tại các xã biên giới, trong đó ưu tiên lực lượng, phương tiện, biện pháp để đấu tranh, triệt xóa hoặc vô hiệu hóa các tụ điểm bán lẻ, tụ điểm phức tạp về ma túy. Lực lượng Công an đã bắt 30 vụ, bắt 30 đối tượng, trong đó Công an xã Mường Pồn triệt xóa được 1 điểm. Công an 8 xã biên giới thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các xã biên giới không để phát sinh điểm mới gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự.
Thượng tá Đỗ Ngọc Minh vui mừng cho biết, từ khi triển khai xây dựng mô hình "Xã biên giới sạch về ma túy", nhiều chuyên án lớn đấu tranh với tội phạm ma túy đã được Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên trực tiếp triển khai hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả. Một trong những chuyên án đấu tranh phòng, chống ma túy mang tính phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cao phải kể tới đó là chuyên án được Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cùng với Công an huyện Mường Nhé, Đồn Biên phòng Leng Su Sin và Công an các xã Nậm Vì, Chung Chải, Mường Nhé, Leng Su Sìn thực hiện. Đêm 21/4/2023, trong màn đêm yên ắng của núi rừng, 3 đối tượng gồm Lầu A Dủa (SN 1986, trú tại bản Cây Số, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé), Vàng A Chứ (SN 2000) và Vàng A Khua (SN 1997) đều trú tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé mang theo 21 bánh heroin và 1,47kg thuốc phiện đã bị ban chuyên án vây bắt thành công.
Trước đó một ngày, tại bản Phú Múa, xã Mường Mươn, Công an xã Mường Mươn đã phối hợp với Công an huyện Mường Chà và Đồn Biên phòng Mường Mươn phá thành công chuyên án, bắt quả tang đối tượng Lò Văn Việt (SN 1997, tại Pa Ham, huyện Mường Chà) khi y đang vận chuyển trái phép 2,898g heroin và 1.400 viên ma túy tổng hợp.
Đại tá Ngô Thanh Bình đánh giá, việc triển khai xây dựng mô hình "Xã biên giới sạch về ma túy" đã được cấp ủy, chính quyền và nhất là nhân dân trên địa bàn hết sức ủng hộ, giúp đỡ. Với sự chung tay góp sức hỗ trợ lực lượng Công an của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, qua 6 tháng triển khai đã đạt được kết quả quan trọng.
Cụ thể, đã làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo môi trường lành mạnh, an toàn tại các xã biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân khu vực biên giới, tạo nên tiền đề vững chắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Có 5/8 chỉ tiêu đã được Công an các xã đạt, cụ thể 100% các xã được tiến hành rà soát, xác định chính xác cấp độ trọng điểm về ma túy để tiến hành các biện pháp chuyển hóa, làm sạch. Các xã cũng thực hiện được ưu tiên triển khai những biện pháp tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy và tham mưu những chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa bàn, trong đó tuyên truyền tập trung ít nhất mỗi tháng/lần tại các thôn, bản; duy trì có hiệu quả các mô hình tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống ma túy. Hiện nay, trên địa bàn 8 xã đã không còn tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên, các trường hợp mãn hạn tù trở về địa phương đều được chính quyền, Công an cơ sở quan tâm, giáo dục, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, không xảy ra tái phạm tội. Những đối tượng sau cai, nghi nghiện đều được giúp đỡ, quản lý chặt chẽ, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra vi phạm.
"Chúng tôi tiến hành rà soát, lập danh sách, đánh giá và phân loại chính xác các nhóm trong diện tái hòa nhập cộng đồng tại từng địa bàn xã biên giới, nhất là những người đã chấp hành xong án phạt tù liên quan đến ma túy, người sống ở môi trường phức tạp về an ninh trật tự, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vi phạm pháp luật…, trên cơ sở đó có biện pháp cụ thể, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tái phạm tội. Việc Công an và chính quyền các cấp tăng cường quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời các nhu cầu pháp lý chính đáng của những người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn đã giúp họ yên tâm ổn định cuộc sống, chăm lo làm ăn, tránh xa ma túy, góp phần bảo đảm an ninh an toàn nơi họ đang sinh sống"- Đại tá Ngô Thanh Bình cho biết.
(Còn nữa)