Kỳ 2: Cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước

Tiến tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020) - Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo Long An xin giới thiệu tư liệu về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến lớn lao của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc...

Nguyễn Hữu Thọ là người có tinh thần yêu nước, gắn bó trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiếp thu truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc, đặc biệt là những tấm gương kiên trung, sáng ngời của các sĩ phu yêu nước chống Pháp từ nửa sau thế kỷ XIX ở Nam bộ, như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân,... Nguyễn Hữu Thọ đã noi gương họ tham gia đấu tranh cho dân tộc. Ông tự nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.

Hơn mười năm sống trên đất Pháp, năm 1933, khi Nguyễn Hữu Thọ trở về nước tập sự tại Văn phòng luật sư Đuycơnay cũng là thời điểm phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh chống thực dân Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ yêu nước bị bắt bớ, bị giết hại và tù đày. Được trực tiếp chứng kiến nhiều phiên tòa đại hình ở Sài Gòn, với các bản tuyên án vô cùng tàn bạo, ông dần dần nhận thấy sách vở và luật pháp của chính quyền thực dân chỉ là trò hề mị dân, thực chất những tên chánh án tại các phiên tòa chính là những tên đao phủ mà phạm nhân là những lương dân vô tội và những người yêu nước.

Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí của người luật sư trẻ. Những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ đã giúp ông cảm nhận được lý tưởng và lòng yêu nước dũng cảm của những người cộng sản, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân ở thuộc địa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thực sự mở ra cho Nguyễn Hữu Thọ con đường đi theo để đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, uy tín, ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chất xúc tác đã khơi dậy, dẫn dắt những trí thức yêu nước như Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng.

Có thể nói rằng, từ khi về nước (năm 1933) đến khi rời Vĩnh Long lên Sài Gòn (năm 1947), bắt đầu tham gia cách mạng là quá trình đi từ yêu nước đến hoạt động cứu nước của Nguyễn Hữu Thọ. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người trí thức - luật sư Nguyễn Hữu Thọ - có tác động mạnh mẽ của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì tự do, độc lập dân tộc.

(còn tiếp)

Kỳ 3: Đồng chí NGUYỄN HỮU THỌ - Người đảng viên cộng sản kiên định, nhà lãnh đạo có uy tín lớn

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/ky-2-cong-hien-cua-dong-chi-nguyen-huu-tho-doi-voi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-va-dat-nuoc-a98303.html