Kỳ 2: Để Tổ quốc trường tồn
Đêm Trường Sa, giữa rì rầm sóng nước, tiếng chuông chùa vọng giữa thinh không khiến lòng ta càng ấm hơn. Hồn cốt cha ông hiển hiện qua từng thớ đất, ngọn sóng. Tổ quốc thiêng liêng cũng vì thế mà trường tồn qua bao thế hệ nơi đầu sóng.
Kỳ 2: Để Tổ quốc trường tồn
Hồn Việt giữa đại dương
Những ngày ở Trường Sa, với tôi, cảm giác thật khó tả. Đứng giữa đảo xa lộng gió, nhìn ngắm những mái chùa Việt cong vút, tận tay sờ vào các bản sao những tấm bản đồ, châu bản triều Nguyễn chứng minh về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa, lòng tôi xúc động lạ kỳ. Trong nhà truyền thống của đảo Nam Yết, hình ảnh về bãi cọc bảo vệ đảo, những chiếc thuyền gỗ đơn sơ thuở xa xưa đều thấm đẫm hình hài nước Việt. Thấy tôi đứng khá lâu bên mô hình doi cát trong nhà truyền thống, Trung tá Nguyễn Văn Khương - Chính trị viên đảo Nam Yết trầm ngâm kể: “Những ngày đầu tiên ra công tác tại đảo, tôi cũng bị cuốn vào các hiện vật trong nhà truyền thống. Mỗi hình ảnh, hiện vật đều là chứng tích của cha ông thời đi mở cõi. Giữa nơi đảo xa, ngắm nhìn những hình ảnh ấy như hun đúc thêm sự can trường cho người lính. Tự thân mỗi quân nhân như ý niệm sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với vận mệnh đất nước”.
Ở Trường Sa, hồn cốt của người Việt còn được hằn in qua những mái chùa rêu phong, nằm nép mình bên màu xanh của các cây bàng vuông, phong ba, bão táp. Có một điều khá đặc biệt, tất cả các chùa ngoài đảo đều hướng mặt ra Biển Đông. Các chùa: Trường Sa, Song Tử Tây, Sơn Linh (đảo Sơn Ca), Nam Huyên (đảo Nam Yết)… từ lâu đã trở thành địa chỉ thiêng liêng của quân dân huyện đảo, là biểu hiện sinh động của văn hóa quê hương và tình thương giống nòi. Ở đó, còn là điểm hẹn văn hóa thuần khiết, tinh tế của triệu triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước. Khi đặt chân đến Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca... mỗi người sẽ tìm thấy trong tim mình điểm tựa linh thiêng. Tiếng chuông chùa ở đảo ngân lên, chúng ta đều cảm nhận được sự yên bình nơi đầu sóng ngọn gió. Đó như là một biểu tượng của khát vọng hòa bình. Đại đức Thích Nhuận Đạt - Trụ trì chùa Song Tử Tây chia sẻ: “Ngư dân mỗi khi có dịp vào đảo đều dành thời gian vào chùa lễ Phật cầu an. Sự hiện diện của các chùa ở Trường Sa chắc hẳn đã giúp ngư dân an lòng hơn trong những ngày lênh đênh trên biển. Mỗi ngày, trên đảo đều ngân lên 2 lần chuông để nhắc người dân luôn hướng về nguồn cội dân tộc”.
Những tượng đài bất tử
Trên các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay, bên cạnh những tấm lòng kiên trung của các chiến sĩ hải quân, còn hiển hiện những tượng đài của bao lớp tiền nhân. Đó là tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn oai nghiêm hướng ra biển; hay gương mặt nhân từ, đức độ từ bức tượng bán thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại công viên trên đảo Sơn Ca. Ở Trường Sa Lớn, nhà tưởng niệm Bác Hồ uy nghiêm, như vẳng đâu đây lời Người vọng về nhắc nhở truyền thống oai hùng giữ đảo. Các công trình này đã khẳng định giá trị về văn hóa, trí tuệ Việt Nam. Hơn thế nữa, các công trình còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị của hòa bình; nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đóng quân tại huyện đảo Trường Sa.
Hôm vừa đặt chân lên đảo Sơn Ca, chúng tôi đã được Thượng tá Hoàng Đức Chiến - Chính trị viên của đảo đưa ra công viên Đại tướng Võ Nguyễn Giáp để thắp hương. Thượng tá Hoàng Đức Chiến cho biết, công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng đã góp phần quan trọng để đảo Sơn Ca ngày càng khang trang, bề thế hơn. Điều đó còn mang ý nghĩa to lớn là tưởng nhớ, tri ân và vinh danh vị tướng huyền thoại của dân tộc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới. Sự hiện diện hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống của đơn vị, đảo Sơn Ca thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... cho cán bộ, chiến sĩ tại công viên. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, các hoạt động này còn giúp cán bộ, chiến sĩ “thấm” và “ngấm” sâu sắc hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc; củng cố niềm tin, vững vàng ý chí để chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nằm lại nơi đầu sóng
Trường Sa hôm nay đã không còn tiếng súng, nhưng trong hành trình giữ nước, vẫn có những người rất trẻ nằm lại nơi đầu sóng. Ở đảo Nam Yết, tôi không khỏi xúc động khi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ nơi đây. Những chiến sĩ nằm xuống hầu hết ở độ tuổi còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất nằm ở nghĩa trang này là binh nhất Nguyễn Vũ Hoàng Phương (sinh ngày 23-4-1995, quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Nhập ngũ tháng 9-2013 thì đến tháng 2-2014, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở đảo Nam Yết, anh đã mãi mãi ra đi khi mới 19 tuổi xuân. Tại đây còn có 2 liệt sĩ hy sinh cùng một ngày, đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990, quê Hưng Yên) và liệt sĩ Lại Huy Công (sinh năm 1980, quê Thái Bình).
Ngồi lại bên nghĩa trang, Trung tá Đào Văn Kha - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết kể cho chúng tôi câu chuyện xúc động về hai liệt sĩ: Ngày 2-2-2012, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, hai anh gặp cơn giông bất ngờ ập đến. Sóng dữ va đập liên tiếp vào mạn xuồng, từng đợt sóng bạc đầu đánh trùm lên, anh Cường bị sóng dữ đánh ngã khỏi xuồng. Thấy vậy, anh Công đã không ngần ngại hiểm nguy, lao xuống biển cứu đồng đội. Đều là những người bơi lặn giỏi trong tổ tuần tra nhưng với sự hung dữ của sóng gió đại dương, cả hai đã hy sinh. Cũng trong thời điểm ấy, vợ anh Lại Huy Công ở quê nhà Thái Bình vừa sinh cô con gái. Anh đã mãi ra đi mà chưa được nhìn thấy mặt con mình.
Tại nghĩa trang liệt sĩ đảo Nam Yết, những thành viên trong đoàn công tác đã đứng thật lâu bên mỗi nấm mộ. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng có cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng. Những phút tĩnh lặng để tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa thật xúc động. Nén hương thơm thành kính tưởng nhớ các anh, những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến trọn đời mình vì sự trường tồn của Tổ quốc! Có ai đó trong đoàn đã khóc, những giọt nước mắt tưởng nhớ xen lẫn niềm tự hào về những người đã ngã xuống ở Trường Sa thiêng liêng. Cái giá cho độc lập tự do được đổi bằng máu xương của tiền nhân để Tổ quốc mãi mãi trường tồn.
Đình Lâm