Kỳ 2: 'Đọ' hiệu quả khách sạn hạng sang Hà Nội: Thất vọng nhất Intercontinental

Các khách sạn hạng sang ở Hà Nội như Metropole, Intercontinental, Hilton, Daewoo, Melia,… đều có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Thế nhưng, hiệu quả kinh doanh của chúng không đồng đều, thất vọng nhất là Intercontinental Hanoi Westlake.

Khách sạn Melia Hà Nội được cho là kinh doanh hiệu quả nhất.

Hiệu quả nhất: Melia và Metropole

Rất khó để so sánh trong công trình nào đẹp nhất, ấn tượng nhất trong danh sách kể trên vì mỗi khách sạn mang một vẻ đẹp riêng biệt, sở hữu lợi thế ít nơi nào có được. Melia, Metropole, Hilton tọa lạc tại những phố lớn, sầm uất. Sheraton, Intercontinental quyến rũ nhờ cảnh quan ven hồ.

Bằng mắt thường khó phân biệt, đánh giá được nơi nào hấp dẫn hơn nhưng các dữ liệu tài chính cho thấy phố sầm uất vẫn mang lại nhiều lợi thế. Bằng chứng là Melia Hà Nội và Sofitel Legend Metropole Hanoi dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận.

Trong dòng khách sạn hạng sang, nếu Metropole đứng số 1 về lợi nhuận thì Melia lại dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận.

Cụ thể, trong năm 2010, SAS-CTAMAD, đơn vị sở hữu Melia Hà Nội đạt 21,7 triệu USD doanh thu và 10,7 triệu USD (209 tỷ đồng) lợi nhuận trước thuế. Các con số này được cải thiện lên 20,6 triệu USD và 10,3 triệu USD (217 tỷ đồng) trong năm 2011.

Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tại SAS-CTAMAD trong năm 2010 và 2011 là 49,3% và 50%. Đây là tỷ lệ rất cao, cao vượt trội so với các đơn vị kể trên.

Melia là một trong các nguyên nhân giúp HEM đạt được thành tích tốt trong kinh doanh. Trong năm 2019, cổ tức mà HEM nhận từ SAS-CTAMAD lên đến 64,4 tỷ đồng, chiếm 76% lợi nhuận của HEM.

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tại Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Thống nhất Metropole “chỉ” đạt 27%. Nhưng cũng cần phân biết, chỉ tiêu tại Melia là lợi nhuận trước thuế, còn tại Metropole là lợi nhuận sau thuế. Vì vậy, nếu đầy đủ dữ liệu, có lẽ Melia cũng không vượt xa Metropole về tỷ lệ này như thế.

Xét về giá trị tuyệt đối, ông chủ Metropole đã vượt qua Melia Hà Nội để đạt lợi nhuận dao động từ 270 tỷ đồng tới 290 tỷ đồng.

Lợi nhuận cao nên Sofitel Legend Metropole Hanoi trả cổ tức cho cổ đông khá đều đặn và hào phóng. Trong năm 2019, Hanoitourist nhận 87,2 tỷ đồng tiền cổ tức, lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Thống nhất Metropole.

Lãi nhưng chưa tích cực

Hilton HaNoi Opera rất “đắt khách” lưu trú và tổ chức sự kiện. Doanh thu khách sạn này tương đối lớn nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn.

Cụ thể, từ các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, chủ sở hữ Hilton HaNoi Opera đạt doanh thu 254 tỷ đồng; 276,5 tỷ đồng; 284,2 tỷ đồng và 315,8 tỷ đồng. Doanh thu cao nhưng lợi nhuận của công ty chỉ đạt 13,2 tỷ đồng; 25,8 tỷ đồng; 32,7 tỷ đồng; 48,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu giai đoạn 2016-2019 tại Hilton HaNoi Opera là 5,2%, 9,33%, 11,5% và 15,5%.

Hilton HaNoi Opera thường xuyên có lãi nhưng lãi tại khách sạn này vẫn chưa tích cực vì còn khiêm tốn.

Trong khi đó, phần lợi nhuận của Daewoo Hà Nội vẫn chưa “trọn vẹn niềm vui”. Trong năm 2019, cổ tức mà Hanel được chia từ Công ty cổ phần Daeha là 48 tỷ đồng, tăng so với 24 tỷ đồng của năm 2018. Daewoo Hà Nội trả cổ tức nghĩa là công ty có lãi.

Nhưng trước đó, Daewoo Hà Nội thua lỗ triền miên. Năm 2013, Hanel cho biết trong năm công ty phải ghi nhận giảm doanh thu hoạt động tài chính – phần cổ tức, lợi nhuận được chia từ Daeha với giá trị gần 37,6 tỷ đồng. Đó là do Daeha lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2009 nên không được chia lợi nhuận cho các bên góp vốn.

Thất vọng nhất: Intercontinental

Intercontinental Hanoi Westlake đặc sắc vì toàn bộ công trình đều nằm trên mặt nước Hồ Tây lãng mạn. Đây đã thành điểm dừng chân của rất nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Thế nhưng, đáng tiếc, tỷ lệ lấp đầy tại khách sạn này thua kém đối thủ nên Công ty Nghi Tàm thường xuyên thua lỗ.

KS Intercontinental nhiều năm kinh doanh thua lỗ do tỷ lệ lấp đầy thấp.

Trước đây, Công ty nghiên cứu VIRAC công bố Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm đã bị âm vốn chủ sở hữu lên đến 875 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Trong năm 2014 và 2015, Nghi Tàm đạt doanh thu 345,5 tỷ đồng và 378,4 tỷ đồng nhưng lại lỗ tới 41,7 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng. Nghĩa là trong các năm trước đó, công ty đã thua lỗ nặng.

Sau này, lợi nhuận Intercontinental Hanoi Westlake không được tiết lộ nhưng doanh thu năm 2016, 2017 và 2018 chưa cải thiện nhiều, lần lượt đạt khoảng 337,2 tỷ đồng, 410 tỷ đồng và 429 tỷ đồng.

Vì công ty liên doanh âm vốn chủ sở hữu, trong năm 2017, Thăng Long GTC lần đầu tiên trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này với số tiền lên đến 109 tỷ đồng. Tới năm 2018, 2019, Thăng Long GTC lại trích thêm 139 tỷ đồng và 151 tỷ đồng để trích lập. Công ty không tiết lộ chính xác đã chi bao nhiêu cho Intercontinental Hanoi Westlake nhưng chắc chắn khách sạn này vẫn ngốn khá nhiều tiền của Thăng Long GTC.

Bảo Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-2-do-hieu-qua-khach-san-hang-sang-ha-noi-that-vong-nhat-intercontinental-post122868.html