Kỳ 2: Đồng USD từ kỷ nguyên tiêu chuẩn vàng sang kỷ nguyên tiêu chuẩn dầu mỏ
Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trong khi Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Henry Kissinger - Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Richard Nixon đề xuất 2 sáng kiến chiến lược lớn. Một là, Việt Nam hóa chiến tranh, từng bước đưa Mỹ rút khỏi 'vũng lầy' cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hai là, từ bỏ bản vị vàng và chuyển sang bản vị dầu mỏ của USD. Để chuyển sang bản vị dầu mỏ của USD, nhiều cuộc đàm phán giữa Mỹ với Arab Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới - được tiến hành và đi tới ký một hiệp định cực kỳ quan trọng trong năm 1973.
Theo điều kiện của hiệp định này, Mỹ vừa sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trước hết là bảo vệ các mỏ dầu của Arab Saudi, vừa cung cấp vũ khí và trang bị cho quốc gia này để chống lại nguy cơ chiến tranh xâm lược từ Israel và các nước khác. Đổi lại, Arab Saudi phải thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD và không được xuất khẩu dầu mỏ qua bất kỳ đồng tiền nào khác. Ngoài ra, Arab Saudi phải gửi số USD thu được từ xuất khẩu dầu mỏ vào ngân hàng dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ.
Nhận xét về điều kiện của hiệp định này, một trong những đại diện trong đoàn đàm phán của Arab Saudi đã phải thốt lên kinh ngạc: “lẽ nào điều kiện hiệp định chỉ đơn giản có thế? Phải chăng người Mỹ sẽ đưa quân đội tới bảo vệ các mỏ dầu của chúng tôi, cung cấp vũ khí cho chúng tôi và bảo đảm an ninh cho chúng tôi chỉ vì chúng tôi thanh toán các hợp đồng dầu mỏ bằng USD?”. Phía Arab Saudi không hiểu được thâm ý sâu xa của người Mỹ, bởi bằng hiệp định lịch sử đó, Mỹ đã giải quyết được một vấn đề kinh tế có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng là bảo đảm giá trị của USD bằng dầu mỏ. Kể từ đó, USD còn được gọi là “USD dầu mỏ” hoặc “Petrodollar”. Sau khi Arab Saudi chấp nhận điều kiện này, Mỹ đã tạo ra nhu cầu sử dụng USD lớn chưa từng có trong lịch sử, giúp họ thoát khỏi suy thoái do tác động của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Mỹ trong nhiều thập niên sau đó.
Đến năm 1974, hệ thống Petrodollar hoạt động hết công suất ở Arab Saudi. Đến năm 1975, tất cả các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều ký hợp đồng với Mỹ tương tự như Arab Saudi và đồng ý thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD và đem phần lớn số tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ để mua ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Việc chuyển từ USD được bảo đảm bằng vàng sang đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ đã gia tăng đột biến nhu cầu USD cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Cũng chính vì thế, Mỹ có quyền hiện diện quân sự tại nhiều nước trên thế giới mà ở đó có khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, như Benin, Iraq, Kuwait, Qatar, Arab Saudi, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Israel, Jordan, Yemen...
Lợi thế có một không hai của Mỹ liên quan đến Petrodollar
Ban đầu, hiệp định giữa Mỹ và Arab Saudi được coi như là một biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ nhu cầu sử dụng USD suy giảm trên thị trường thế giới. Nhưng từ năm 1973, hiệp định này trở thành một trong những quyết định kinh tế và địa - chính trị có hiệu quả và quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, tạo ra ưu thế chưa từng có, có ý nghĩa then chốt và sống còn lâu dài đối với Mỹ và cũng là nguồn gốc dẫn tới hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Petrodollar đem lại lợi thế vô cùng lớn đối với nền kinh tế Mỹ, không chỉ tạo ra thị trường nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ các nước đang cần USD. Theo nhận xét của John Perkins - tác giả của cuốn sách “Sát thủ kinh tế: lịch sử gây sốc về cách thức Hoa Kỳ quản trị thế giới” - cơ chế sử dụng Petrodollar được bảo đảm bằng dầu mỏ đã tạo điều kiện cơ bản để tiếp tục duy trì vị thế độc quyền của hệ thống tài chính Mỹ trong nền kinh tế thế giới.
Petrodollar kích thích các nước xuất khẩu hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ. Từ năm 1973, gần như tất cả các hợp đồng mua bán dầu mỏ trên thế giới đều được ký kết thông qua đồng USD. Khi một nước nào đó không có đủ USD, họ phải có chiến lược tích lũy đồng tiền này, nếu không sẽ không thể mua xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Cách thức đơn giản nhất để có được USD là thông qua thị trường tiền tệ. Nhưng xét về mặt dài hạn, quyết định này phải trả giá đắt. Do đó, nhiều nước áp dụng chiến lược xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giá rẻ sang Mỹ để thu về số lượng USD cần thiết cho việc nhập khẩu dầu mỏ trên thị trường thế giới. Điều này giải thích chiến lược xuất khẩu của các nước Đông Á trong những năm 80. Ví dụ, Nhật Bản là một quốc đảo hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, cần phải nhập khẩu khối lượng lớn nguyên liệu và năng lượng, trước hết là dầu mỏ, nên họ rất cần USD. Để đáp ứng nhu cầu này, Nhật Bản phải thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, chất lượng cao sang Mỹ để thu về USD. Trung Quốc kể từ khi cải cách mở cửa đã trở thành “công xưởng của thế giới” và xuất khẩu ồ ạt hàng hóa giá rẻ chất lượng cao sang Mỹ để thu về USD. Chính vì thế, Trung Quốc là quốc gia có lượng USD dự trữ lớn nhất thế giới, ước tính trên 3.000 tỷ USD.
Nhu cầu USD gia tăng vượt bậc trên thị trường thế giới. Vì sao nhu cầu ngày càng tăng đối với USD trên thị trường thế giới lại là một ưu thế của Mỹ? Xét về nhiều phương diện, USD cũng giống như một thứ hàng hóa bình thường, do đó, khi nhu cầu càng cao thì người sản xuất càng có lợi. Nếu người tiêu dùng USD chỉ là các công dân Mỹ thì số lượng USD do Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát hành chỉ hạn chế bởi nhu cầu tiêu dùng trong một xã hội tiêu thụ ở Mỹ tuy rất lớn nhưng không phải là vô hạn. Còn nếu bằng cách này hoặc cách khác tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với USD trên phạm vi toàn cầu, Mỹ có khả năng không giới hạn trong việc phát hành USD ra toàn thế giới.
Sau khi thuyết phục được tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ sử dụng USD để thanh toán các hợp đồng, Mỹ đã tạo ra một cơ chế tin cậy để không ngừng gia tăng nhu cầu đối với USD trên phạm vi toàn cầu. Một khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ thì Petrodollar sẽ đem lại siêu lợi nhuận cho Mỹ, đồng thời duy trì nhu cầu đối với USD. Do đó, các máy in tiền của Mỹ không ngừng hoạt động hết công suất trong suốt hàng thế kỷ và nhờ thế Mỹ tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo trong nền kinh tế thế giới mà họ đã bị mất đi sau khi chấm dứt kỷ nguyên USD được bảo đảm bằng vàng. Cũng từ đây Mỹ có khả năng sử dụng Petrodollar để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và chạy đua vũ trang. Chính vì vậy, việc duy trì nhu cầu USD trên thị trường thế giới là điều kiện quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Mỹ.
Gia tăng nhu cầu ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống Petrodollar là lợi nhuận thu được của các nước xuất khẩu dầu mỏ phải được gửi vào các ngân hàng Mỹ dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Cơ chế mang tính hệ thống này về sau được gọi là “tái chế Petrodollar” theo cách gọi của Henry Kissinger. Từ đó, tạo điều kiện cho Mỹ không ngừng tăng ngân sách chi tiêu công. Tuy nhiên, quá trình này trái với quy luật kinh tế và sẽ không thể duy trì sức sống, làm sai lệch nhu cầu thực về trái phiếu của chính phủ. Do đó, dẫn tới nhiều rối loạn trong hoạt động kinh tế và rút cuộc sẽ tự sụp đổ.
Mỹ được quyền mua dầu mỏ bằng chính đồng tiền do mình tự phát hành theo ý muốn. Nhiều nền kinh tế phát triển cao như Mỹ đều phải sử dụng năng lượng từ dầu mỏ để xây dựng phần lớn hệ thống kết cấu hạ tầng của họ. Giống như nhiều nước khác, hằng năm Mỹ tiêu dùng khối lượng dầu mỏ lớn hơn nhiều so với khả năng có thể tự sản xuất. Do đó, họ cũng nhập khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, khác với các nước trên thế giới là phải dùng tiền của mình mua USD để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu dầu mỏ, chỉ có Mỹ có quyền tự in và sử dụng USD để mua dầu mỏ. Do đó, việc duy trì Petrodollar là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.