Kỳ 2: Đường về nhà còn xa...
Nỗ lực bảo hộ và đưa công dân về nước của Chính phủ Việt Nam trong hơn một năm qua đã giúp khoảng 103.000 công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên...
>>>Kỳ 1: Mắc kẹt hay là sự lựa chọn?
(baophutho.vn) - Nỗ lực bảo hộ và đưa công dân về nước của Chính phủ Việt Nam trong hơn một năm qua đã giúp khoảng 103.000 công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hồi hương an toàn trên gần 400 chuyến bay. Những chuyến bay “giải cứu” vẫn lặng lẽ khởi hành nhưng vẫn còn hàng ngàn người Việt Nam trên khắp thế giới không thể về nước vì dịch bệnh COVID-19.
Nhật Bản là một trong những thị trường hàng đầu thu hút lao động Việt Nam. Tính đến tháng 10/2020, có khoảng 450.000 lao động Việt Nam đang sống và làm việc tại Nhật. Do tác động của đại dịch COVID-19, có rất nhiều lao động bị mất việc làm và không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Họ muốn về nước cũng không thể do chi phí quá cao, nên chỉ còn cách tìm những công việc thời vụ, theo giờ, cùng chi tiêu dè sẻn để đợi tình hình khả quan hơn, sẽ có một công việc ổn định, tiết kiệm tiền mua vé máy bay về nước.
Mặc dù công ty của anh Hà Bình An, 31 tuổi, sinh sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản không phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, nhưng cuộc sống của anh cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Làm trong lĩnh vực bất động sản phục vụ nhu cầu của cho người Việt sang làm việc là du học tại Nhật, khi dịch bệnh bùng phát, thị trường lao động gần như đóng băng, nhu cầu về nhà ở cũng bị sụt giảm. Mặt khác, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, lệnh cách ly, phong tỏa từng khu vực khiến cuộc sống của anh phải thay đổi để thích ứng.
Anh An chia sẻ: “Mình đã có công việc ổn định, nên không bị tác động quá nhiều. Nhưng những bạn du học sinh ở đây thực sự rất khó khăn. Ngoài chi phí học hành, một tuần các bạn ấy chỉ có tối đa 28 tiếng để đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Đề cập đến việc có nên trở về nước tránh dịch khi nhà trường cho nghỉ hè, nghỉ để học online hoặc người lao động không có việc làm nữa. Anh An cho biết không ai lựa chọn phương án đó. Anh phân tích: Khi chưa có dịch bệnh COVID-19, giá vé máy bay khứ hồi từ Nhật về Việt Nam khoảng 12 triệu. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các chuyến bay bị hoãn hủy, cộng thêm chi phí cách ly sau khi nhập cảnh, số tiền đó đã lên đến gần 70 triệu đồng. Với người đi làm, thu nhập bình quân khoảng 20 Man/ tháng (tương đương 40 triệu đồng), thì cũng phải mất ít nhất 3 tháng để có đủ số tiền mua vé. Còn đối với du học sinh, thu nhập chỉ bằng một nửa, thì khoảng thời gian trên sẽ phải tới nửa năm. Cũng có nhiều gia đình gửi tiền sang để mua vé về. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, đó là không phải lúc nào cũng có sẵn chuyến bay thương mại hoặc “giải cứu” như vậy, phải đăng ký trước cả tháng, đợi xét duyệt, đến khi có vé trên tay rồi, vẫn phải nghĩ đến trường hợp bị hoãn, hủy chuyến do tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Cùng chung quan điểm với anh An, chị Nguyễn Thùy Linh, 26 tuổi, du học sinh tại Đại học Turin, Ý cho biết: “Gần 40 triệu cho một tấm vé từ Châu Âu về Việt Nam. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là lý do du học sinh chúng tôi không lựa chọn về nước thời điểm này”. Giải thích cho điều này, chị Linh cho biết, ở Châu Âu chỉ có Pháp và Đức là hai nước có chuyến bay thẳng về Việt Nam, số tiền 40 triệu mà chị nói ở trên thực tế là cho tấm vé từ hai quốc gia này về nước. Tuy nhiên, để đi từ Ý hay quốc gia khác đến Pháp và Đức, ngoài chi phí xét nghiệm, đi lại khá cao, còn có một vấn đề hoàn toàn khác.
Thời gian đầu, khi định nghĩa về vi rút Corona mới xuất hiện, cùng những thông tin chưa rõ ràng, du học sinh và gia đình tại Việt Nam rất hoang mang và lo sợ. Các du học sinh gần như tháo chạy khỏi Châu Âu, các chuyến bay quá tải, hỗn loạn. Điều này dẫn đến nguy cơ không những không mua được vé mà còn bị lây nhiễm COVID-19. Một khi đã mắc bệnh, khả năng được tiếp nhận điều trị y tế, gần như là con số 0. Chị Linh chia sẻ, nếu bạn là một người trẻ, bị nghi nhiễm hoặc thật sự đã nhiễm bệnh, bạn sẽ được yêu cầu tự cách ly tại nhà, không có sự giám sát của bất kỳ nhân viên y tế nào. Nếu bệnh chuyển nặng, bạn sẽ tự bắt xe đến bệnh viện và chờ y, bác sĩ khám chữa. Vì hệ thống y tế không thể đáp ứng được với 200-300 nghìn ca nhiễm một ngày, nên việc bạn có được chữa trị hay không cũng không chắc chắn. Chỉ có một điều chắc chắn, nếu chẳng may bệnh chuyển biến tiêu cực, 99% bạn sẽ chết.
Đây cũng là những tâm tư từ chị Vũ Phương Dung, 24 tuổi, du học sinh tại Đại học Gachon, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Trước khi đại dịch bùng phát, một năm, chị về thăm nhà hai lần. Nhưng đã hơn một năm nay, chị chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại. Việc học chưa hoàn thành cùng nguy cơ lây nhiễm khi di chuyển quá cao khiến chị và gia đình lo ngại.
Thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn của người Việt, nhất là những công dân Phú Thọ ở nơi đất khách, quê người, công tác bảo hộ công dân trong dịch bệnh luôn được tỉnh chú trọng triển khai dù gặp không ít thách thức. Ông Dư Văn Quảng - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ khẳng định: “Kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, công tác bảo hộ công dân trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Sở Ngoại vụ đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước và các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện tốt công tác nắm tình hình công dân của tỉnh ở nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ nhằm bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, đồng thời tìm các biện pháp đưa những công dân có nhu cầu, những người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước”.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202106/ky-2-duong-ve-nha-con-xa-177909