Kỳ 2: Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và hành trình tìm lại cảnh 'trên bến, dưới thuyền'
Được xem là tuyến thủy lộ quan trọng thứ nhì sau sông Sài Gòn, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (TH - BN) được ví như 'con đường tơ lụa' giữa Sài Gòn xưa và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trải qua biến thiên lịch sử, tuyến đường này từng có giai đoạn bị lấn chiếm, ô nhiễm, hoang phế. Thế nhưng, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, con kênh đã được lột xác và khôi phục lại vị thế 'trên bến, dưới thuyền'.
Tấp nập "trên bến, dưới thuyền"
Cũng như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh TH - BN có 2 đoạn. Đoạn thứ nhất là rạch Bến Nghé, dài khoảng 3,2km, bắt đầu từ ngã ba sông Sài Gòn ở bến Bạch Đằng đến nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tẻ. Đoạn này là địa giới hành chính tự nhiên giữa Q1 và Q4.
Về tên gọi Bến Nghé, có giả thuyết cho rằng, tên này có nguồn gốc từ tiếng Khmer "kompong krabei", trong đó "kompong" là vũng, bến, còn "krabei" là trâu, nghé. Một giả thuyết khác lý giải, bến sông này xưa kia có nhiều cá sấu, tiếng kêu phát ra như tiếng trâu con nên người xưa gọi như vậy.
Đoạn thứ hai gọi là kênh Tàu Hủ, bắt đầu từ rạch Bến Nghé đến ngã tư sông Rạch Cát. Theo Vương Hồng Sển, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão 1819), vua hạ lệnh cho đào kinh Tàu Hủ. Phó Tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng) được phong làm khâm sai, hiệp với ông Tổng Thanh tra Gia Định điều khiển 11.460 dân công, chia làm ba tốp đào kinh. Kinh được khởi công ngày 23 tháng Giêng, đến ngày 23 tháng tư năm 1819 thì hoàn thành. Kinh dài 5.472m, rộng tầm 37m, sâu cỡ 17,8m, mỗi bên có chừa bờ đất rộng khoảng 20m thông với đường sứ rộng khoảng 15m tạo thành tuyến giao thương thủy lộ độc đáo từ Tây sang Đông. Đào rồi, vua Gia Long đặt tên kinh là An Thông Hà.

Rạch Bến Nghé xưa

Kênh Tàu Hủ xưa
Đối với cái tên Tàu Hủ, có ý kiến cho rằng con kênh này ngày xưa có tên Cổ Hủ hay Củ Hủ vì chỗ phình ra, chỗ thắt lại giống như cổ hủ heo, cổ hủ dừa... Theo học giả Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, đoạn phố đi ngang rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, cách người Triều Châu phát âm từ Thổ Khố (khu nhà gạch), sau đọc trại đi là Tàu Hủ. Còn một cách giải thích khác đó là, khi dòng kênh bị lấp, người ta nhìn dòng nước đen, trên mặt nổi lềnh bềnh những món phụ gia làm họ liên tưởng đến tương, chao, tàu hủ nên gọi như vậy.
Thời Pháp thuộc, kênh TH - BN được người Pháp gọi là Arroyo Chinois (tức kênh người Tàu). Người Pháp cho nạo vét kênh Tàu Hủ thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895.
Với vị trí đặc biệt, kênh TH - BN trở thành tuyến đường thủy vận tiện lợi bậc nhất nối Sài Gòn với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, bởi tuyến đường này đã gần mà ít nguy hiểm vì khỏi đi đường biển vào cửa Cần Giờ. Người ta kể rằng, thương lái từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương, Đồng Nai và cả Biển Hồ Campuchia chở nông sản giong theo kênh Tàu Hủ lên Sài Gòn buôn bán rồi nhập các mặt hàng gia dụng, trà, vải, thuốc men, hương liệu, giấy má... phân phối khắp nơi.
Tận dụng vị thế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ", người dân hai bên bờ kênh đã lập các làng nghề, cửa hiệu, nhà máy, kho lẫm chứa đầy gạo, đường, sáp ong, lụa là, da trâu, da bò, cá khô, đậu phộng... nằm san sát nhau. Việc làm ăn buôn bán phát đạt đã tạo nên những con phố sầm uất. Dưới kênh, ghe tàu của thương lái qua lại không ngớt đã hình thành hàng loạt thương bến cập hông như: bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông... Trên bờ, dân phu tất bật bốc vác trái cây, gạo lúa, gốm sứ... lên kho xuống tàu hoặc dùng xe ngựa, xe bò kéo về Chợ Lớn, Chợ Bình Tây... để phân phối khắp cả nước và xuất ra nước ngoài. Hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa náo nhiệt suốt ngày đêm tạo nên cảnh "trên bến, dưới thuyền" nhộn nhịp.
Sự phát triển "thần tốc" của kênh TH - BN đã thu hút người dân tứ xứ đến chiếm đất dựng nhà tràn lan. Nghiên cứu của Viện Kinh tế TPHCM năm 1998 cho biết: "Dọc hai bên bờ có nhiều nhà cửa lấn chiếm mỗi bên 10 - 15m. Nhiều ghe thuyền, các chợ đầu mối thu gom hàng hóa và rác đủ loại từ các chợ đổ bừa bãi xuống kênh. Ở các chân cầu, rác tạo thành từng đống lớn". Thương hồ từng mưu sinh trên kênh TH - BN kể rằng, vào thời đó, chẳng ai dám thả chân xuống kênh vì sợ bị nhiễm trùng mất chân như chơi. Có thời điểm con kênh này bị bỏ hoang phế, bùn đất bồi lắng, lòng kênh cạn dần trở thành "kênh chết".
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, vai trò của đường bộ ngày càng phát triển khiến đường thủy trở nên lỗi thời, tốn kém. Kho bãi dọc kênh mất đi vị thế chủ lực, buôn bán không còn nhộn nhịp, các khu nhà ổ chuột mọc lên như nấm, rác nổi lềnh bềnh ô nhiễm trầm trọng, đường sá xuống cấp, nhiều cây cầu sắt già nua, ọp ẹp, vấn nạn kẹt xe, ngập nước triền miên, cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Tuyến đường thủy sầm uất mỹ lệ một thời phút chốc biến thành dòng kênh nhếch nhác. Việc "giải cứu" kênh TH - BN trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Sau khi được chỉnh trang, kênh TH - BN đã khoác lên mình chiếc áo mới (ảnh chụp chợ hoa Tết 'trên bến dưới thuyền' tại Bến Bình Đông)
Dấu xưa tìm lại
Bức xúc trước nạn ô nhiễm, lấn chiếm và cuộc sống bí bách của hàng triệu cư dân dọc kênh rạch, từ những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo TP đã lên ý tưởng cải tạo dòng kênh.
Năm 1999, báo cáo khả thi dự án môi trường nước lưu vực kênh TH - BN, kênh Đôi, kênh Tẻ hoàn thành, mở ra một chương mới cho các dòng kênh. Khi hoàn thành, dự án góp phần cải thiện môi trường trên lưu vực có diện tích 2.150,7 héc-ta đi qua các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình và huyện Bình Chánh. Hơn 2.537 hộ dân được giải thoát khỏi các khu ổ chuột nhờ hàng chục khu định cư khang trang ở các quận 4, 7 và 8.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2001. Sau gần 12 năm thực hiện, dự án đã xử lý ô nhiễm cho lưu vực Bắc kênh TH - BN thuộc các quận 1, 3, 4 và 5. Hoàn thiện việc cải tạo, nạo vét, trồng cây xanh, mở rộng đường sá, thảm nhựa, lát gạch vỉa hè, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng.
Tiếp nối giai đoạn trên, chính quyền TP tiếp tục "gạn đục khơi trong" và chỉnh trang hai bên bờ kênh Tàu Hủ với lộ trình đi qua bến Bình Đông, bến Phú Định, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều ki-lô-mét bờ kè, đường sá, cầu cống, hệ thống thoát nước được làm mới, hàng loạt công viên, thảm xanh, bến bãi được chỉnh trang... góp phần tạo nên diện mạo mới cho dòng kênh.
Song song với kênh TH - BN, lãnh đạo TP còn đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng Đại lộ Võ Văn Kiệt. Toàn tuyến dài 21,9km, đi qua các quận 1, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh. Tuyến đường này kết nối với Đại lộ Mai Chí Thọ tạo thành trục giao thông "xương sống" kết nối phía Đông với phía Tây TP. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn, liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm áp lực giao thông trong nội thành TPHCM mà còn góp phần giảm kẹt xe, cải thiện môi trường ven kênh rạch, tăng mỹ quan đô thị.
Cùng với đó, TP đưa vào vận hành dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) với công suất được nâng cấp từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày. Với công suất này, nước thải từ lưu vực kênh TH - BN, kênh Đôi, kênh Tẻ sẽ được thu gom xử lý.
Mới đây, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM có văn bản gửi UBND TP đề xuất đầu tư 13.487 tỷ đồng thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM, giai đoạn 3, tập trung vào lưu vực kênh TH - BN, kênh Đôi, kênh Tẻ từ nay đến năm 2030. Mục tiêu nâng cấp hệ thống thoát nước, ngăn ngập úng và cải thiện môi trường tại các khu vực trũng thấp thuộc lưu vực kênh TH - BN, kênh Đôi, kênh Tẻ theo quy hoạch của Chính phủ. Khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đã được xây dựng trong giai đoạn 1 và 2, tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm và ngập nước.
Với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo TP, giờ đây nhịp sống trên kênh TH - BN đã được thổi một làn gió mới. Hai bên bờ kênh, những tòa chung cư, cao ốc mọc lên sừng sững. Những cây cầu bê tông cốt thép hiện đại được bắc ngang thay cho những cây cầu sắt cũ kỹ, đôi bờ kênh được "phủ sóng" bởi cây cối, thảm cỏ xanh mướt. Chiều chiều, người dân TP lại có dịp tản bộ, tập thể dục, hóng mát dọc hai bên bờ kênh. Dưới mặt nước, xuồng ghe của thương hồ lại xuôi ngược nhộn nhịp suốt ngày đêm. Kênh rạch thông thoáng còn mở ra cơ hội du lịch đường thủy để du khách có dịp thưởng ngoạn Sài Gòn trên sông.
Không những thế, cứ mỗi độ Tết đến, tàu thuyền từ Mỹ Tho, Sa Đéc, Chợ Gạo... lại thi nhau chở hoa, trái cây, nông sản lên phủ kín mặt kênh trải dài hàng cây số. Bến Bình Đông phút chốc bỗng chuyển mình trở thành bến hoa rực rỡ. Những chậu mai, chậu cúc, mào gà, vạn thọ... đua nhau khoe sắc trong nắng xuân, tạo nên một khu chợ nổi mang đậm văn hóa sông nước miệt vườn đất Phương Nam.
Sau TH - BN sẽ là dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm được "thay da đổi thịt"...
(Còn tiếp)