Kỳ 2: Khi phóng viên tác nghiệp ở tâm dịch
Cùng với lực lượng Y tế và các ngành chức năng khác, những ngày qua, đội ngũ phóng viên báo chí tỉnh cũng dấn thân vào vùng dịch để phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Các “chiến sĩ thông tin” không ngại vất vả, mạo hiểm ghi lại những hình ảnh hiện trường. Với họ, đó không chỉ là công việc, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bạn đọc.
Trong những ngày qua, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nhanh trong tỉnh, nhiều hoạt động trên địa bàn bị ngưng trệ, người dân được yêu cầu ở nhà. Tuy nhiên, với những người làm báo thì không có chuyện ngừng tác nghiệp, đặc biệt là ở tâm dịch như huyện Dương Minh Châu.
Tác nghiệp tại vùng tâm dịch, phóng viên có bữa quên ăn, có những đêm thức trắng xử lý thông tin, hình ảnh để kịp thời gửi về tòa soạn. Có thể nói, đằng sau những tin tức, bài viết về việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế, hay cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực cách ly là sự cố gắng, nỗ lực hết mình của các phóng viên để hoàn thành trách nhiệm với nghề.
Tâm trạng lo lắng, hồi hộp khi tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng là phóng viên cơ sở, chị Nguyễn Phạm Trúc Ngân- công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Dương Minh Châu luôn có mặt khi được điều động đưa tin ở bất cứ nơi nào trong huyện.
Chị Ngân chia sẻ: “Để truyền tải thông tin chính xác, phóng viên phải có mặt ở mọi điểm nóng. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Trung tâm đều trực ở cơ quan 24/24 để kịp thời cập nhật tin bài hay thông tin về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống dịch... đến người dân”.
Phóng viên khi tác nghiệp ở vùng dịch đều lo lắng, vì không biết mình có mang dịch bệnh về nhà, rồi lây cho các thành viên trong gia đình không. Dù có tuân thủ quy định phòng dịch cẩn trọng như thế nào đi nữa, nhưng một khi vào điểm nóng khó tránh khỏi nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2.
Muốn có hình ảnh chân thực, những cuộc phỏng vấn sinh động, phóng viên không thể không trực tiếp vào “vùng đỏ”, qua đó cung cấp tin tức mới, chính xác, kịp thời đến bạn đọc.
Anh Vũ Việt Khoa, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh cho biết: “Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao nếu tác nghiệp trong vùng dịch, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng bám sát địa bàn. Bên cạnh đó, việc có mặt tại hiện trường có ý nghĩa rất lớn, làm tăng độ tin cậy, hấp dẫn cho tin tức hơn”.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng Kha, phóng viên Báo Tây Ninh chia sẻ: “Tôi luôn chú trọng đưa thông tin nhanh chóng và kịp thời, chính xác khi vào vùng dịch tác nghiệp. Để bảo vệ bản thân và người xung quanh, tôi luôn mang khẩu trang, sát khuẩn tay, sử dụng đồ bảo hộ, giữa khoảng cách và hạn chế tiếp xúc gần với người trong khu vực”.
Theo anh Triệu Quang Khải, phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh đang làm nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Dương Minh Châu, trong lúc tác nghiệp, phóng viên phải mặc đồ bảo hộ để hạn chế tối đa việc lây nhiễm.
“Đôi lúc cảm thấy chạnh lòng do bạn bè, người thân e dè vì biết mình tác nghiệp ở vùng dịch. Nhưng là phóng viên, đã nhận nhiệm vụ thì tất cả những lo lắng, sợ hãi đều sẽ dẹp sang một bên, tôi chỉ có suy nghĩ là làm sao chuyển tải được các thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến độc giả”.
Dù không phải là lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, nhưng đội ngũ báo chí chính là lực lượng tham gia tuyến đầu trong việc thông tin, định hướng, kết nối người dân khắp mọi vùng, chung tay “vì cả nước, cùng cả nước” đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trong thời điểm này, các nhà báo, phóng viên của Tây Ninh không quản hiểm nguy, vất vả để đồng hành cùng chính quyền và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ có các phóng viên, nhà báo, những thông tin mới về chủ trương, biện pháp trong công tác chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, những tấm gương, việc làm tiêu biểu của tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh đã đến được với công chúng, bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-khi-phong-vien-tac-nghiep-o-tam-dich-a135396.html