Kỳ 2: Khói bụi, tai nạn và ùn tắc trên đường vào cảng hiện đại nhất nước
Cát Lái là cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam và lọt Top 25 cảng container lớn nhất thế giới. Hiện nay 90% lượng hàng hóa của các tỉnh phía Nam được xuất nhập khẩu thông qua cảng này. Cảng Cát Lái chiếm thị phần 50% lượng hàng hóa của cả nước được xuất khẩu thông qua đây.
Tuy nhiên điều đáng nói là đường Đồng Văn Cống (tuyến độc đạo) dẫn vào cảng chỉ rộng 10-12m, nhưng mỗi ngày đón nhận hàng nghìn xe tải, xe container ra vào cảng bốc dỡ hàng, gây không ít khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Kẹt xe bủa vây lối vào cảng
Những năm gần đây, lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua cảng Cát Lái ngày càng tăng. Theo đó, mỗi ngày cảng đón nhận hàng ngàn ôtô tải, xe container, xe siêu trường siêu trọng ra vào bốc dỡ hàng. Tuy nhiên, những con đường dẫn vào cảng như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống... chỉ rộng khoảng 10-12m, gây không ít khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông và trong lúc chờ đợi vì kẹt xe, tiếng động cơ rền vang kèm theo khói bụi, xăng dầu nồng nặc gây khó thở.
Có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 3-2021, chúng tôi ghi nhận tuyến đường độc đạo Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái dài khoảng 5km, mỗi ngày có hàng nghìn ôtô tải, xe container, xe siêu trường siêu trọng bất kể ngày đêm nối nhau ra vào cảng. Theo người dân sống 2 bên đường, tình trạng kẹt xe xảy ra hàng ngày, nhiều nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
Sáng 30-3, chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi ghi nhận có tới gần 1.000 ôtô tải, xe container ra vào cảng nhận hàng, trong khi hàng loạt chiếc nối nhau chạy bạt mạng trên đường. Sau một đêm thức trắng, nhiều tài xế xe container còn tấp vào lề đánh một giấc, gây cản trở giao thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Nhất là vào lúc sáng sớm, trên tuyến này có hàng nghìn xe container, XM nối nhau nhích từng chút một, nhiều người điều khiển XM còn leo lên vỉa hè khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn.
Mặt đường thì nhỏ lại liên tục xuống cấp nhưng hàng ngày vẫn phải "gánh" hàng loạt xe container, xe siêu trường siêu trọng tham gia lưu thông. Đi trên đường Đồng Văn Cống, thi thoảng chúng tôi lại thấy những rãnh lớn sâu hoắm như "ổ voi" hình thành trên mặt đường, nhiều đoạn chỉ được dặm vá lại, mặt đường nhỏ hẹp lại đi qua khu đông dân cư nên thường xảy ra TNGT.
Ông Nguyễn Văn Bảy, bán tạp hóa trên đường Đồng Văn Cống, lắc đầu, lè lưỡi cho biết, dưới vòng quay của bánh xe là nỗi kinh hoàng của không ít người dân tham gia lưu thông, nguy hiểm nhất thường diễn ra từ lúc 21 giờ, kéo dài đến sáng hôm sau. Do tuyến này chủ yếu phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa nên cơ quan chức năng ít chú ý tới.
Năm 2005, khi cầu Thủ Thiêm hoàn tất xây dựng, Tân Cảng Sài Gòn chuyển toàn bộ các hoạt động đón tàu container từ cảng Tân Cảng sang cảng Cát Lái, từ đó cảng Cát Lái trở thành cảng container trọng điểm của cả nước. Năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 6 triệu TEU.
Hàng ngày phải chứng kiến cảnh kẹt xe, anh Nguyễn Văn Hùng - buôn bán điện thoại trên đường Đồng Văn Cống - cho biết, mỗi ngày từ 16 giờ ôtô đã xếp thành dãy dài và nhích từng chút một, kéo đến tối. Tình trạng giao thông ùn ứ diễn ra triền miên phần lớn là do đường hẹp, chỉ 2 làn ôtô là đã chiếm hết phần đường của người đi XM. Mặt khác, trên tuyến này có nhiều điểm giao cắt nên thường xuyên xảy ra xung đột giữa các phương tiện. Có hôm tắc nhiều, cảnh sát giao thông phải ra điều tiết nhưng chẳng thấm vào đâu so với tình trạng ùn tắc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vòng xoay Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái càng vào sâu, con đường như nút thắt cổ chai và càng nhỏ hẹp; có chỗ chỉ còn 8 - 9m, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Dù đường nhỏ hẹp nhưng hàng ngày có hàng nghìn chiếc xe container từ các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM, Bình Phước... chở đầy hàng hóa nườm nượp chạy suốt ngày đêm ra vào cảng. Để đi nhanh, họ còn đua nhau giành đường, phóng nhanh vượt ẩu, chạy sai làn, nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Để sớm được bốc hàng, xe nọ bám đuôi chiếc kia để vượt lên nhưng phương tiện đi trước ép không cho xe sau vượt lên diễn ra thường xuyên.
Cần sớm mở rộng đường
Từ nhiều năm nay, đường Đồng Văn Cống là tuyến huyết mạch duy nhất dẫn vào cảng Cát Lái, tuy nhiên con đường này đã trở nên quá tải từ nhiều năm nay. Vào giờ cao điểm có đủ loại phương tiện nối nhau đổ về cảng. Theo người dân địa phương, cứ mỗi lần cơ quan chức năng thông báo sắp thông xe cầu, hầm..., người dân P.Cát Lái cứ ngỡ đón thêm niềm vui, nhưng hóa ra... ngược lại! Hầm chui Mỹ Thủy ngày khánh thành, đi vào hoạt động nhưng tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra. Người dân địa phương cho biết, hầm chui Mỹ Thủy đi vào hoạt động nhưng hầu như không có tác dụng, mà còn vô tình trở thành điểm thắt cổ chai mới, chứ không giải quyết được tình trạng ùn tắc.
Chỉ tay về những chiếc xe container đang lưu thông trên đường, anh Nguyễn Văn Sự (ngụ KP3, P.Cát Lái) cho biết, giờ tan tầm từ 16 - 19 giờ mới thực sự là nỗi hãi hùng với người dân địa phương, khi trên đường xe lớn lấn hết làn xe bé, xe bé phải ào lên vỉa hè, trong khi vỉa hè bị người dân lấn chiếm làm điểm bán hàng. Khi tham gia giao thông, người dân muốn băng sang đường để về nhà nhưng không thể được vì xe container chèn trước lấn sau, nhiều người đành chọn cách đi thẳng đến cảng Cát Lái (dài thêm 1km) mới dám vòng lại. Kẹt xe nghiêm trọng nhất là đoạn 1,5km từ vòng xoay Mỹ Thủy kéo dài đến cảng Cát Lái. Tuyến này còn được mệnh danh "con đường tử thần" của TP.Thủ Đức vì thường xuyên xảy ra TNGT.
Nói về nỗi khổ hàng ngày phải chịu đựng cảnh kẹt xe, anh Sự cho rằng mỗi khi gia đình có người ốm đau thì xe cứu thương cũng không thể vào đón do đường ùn tắc quá dài; không may xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ, xe cứu hỏa đến được tới nơi thì mọi chuyện cũng đã xong. Do bất tiện về đường đi nên rất nhiều gia đình sinh sống tại KP3 phải bán nhà chuyển sang nơi khác. Đối với những hộ ở lại thì muốn đưa con đi học, nhiều gia đình đã chọn phương án chồng nghỉ hoặc vợ ở nhà để phụ trách việc này. Vấn nạn kẹt xe tại đây đã trở thành nỗi ám ảnh của đa số người dân. Theo thống kê, mỗi năm trên tuyến này xảy ra hàng chục vụ TNGT, trong đó nhiều vụ nghiêm trọng dẫn đến chết người.
Theo anh Hùng, không chỉ vào giờ cao điểm mà bất cứ lúc nào, chỉ cần xảy ra va chạm nhỏ là tuyến này trở nên tê liệt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Sơn - Viện phó Viện quy hoạch đô thị - cho rằng, do vị trí quan trọng của cảng Cát Lái nên việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường Đồng Văn Cống hết sức cần thiết, mang tính cấp bách để giúp giảm ùn tắc và TNGT đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị dọc 2 bên tuyến cao tốc, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Việc mở rộng mặt đường sẽ là tia hy vọng cuối cùng nhằm cải thiện trật tự an toàn giao thông.
(Còn tiếp...)