Kỳ 2: Không được tòa triệu tập, bị hại mất đi cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Một phiên tòa được TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử nhưng bị hại là chị Nguyễn Thị Kim Oanh không nhận được thông báo hay giấy triệu tập, cho dù khoảng cách từ nhà chị ở quận Hoàn Kiếm đến nơi xét xử không hề xa. Cuối phiên tòa, chị Oanh bị tuyên phải trả cho người khác gần 10 tỷ đồng. Từ bị hại, phút chốc chị biến thành con nợ mà không có cơ hội đưa ra các luận điểm, chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bị hại không biết có phiên tòa công khai

Ngày 27-12-2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự vì trước đó có kháng cáo của bị hại là chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương và bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa đối với bản án hình sự số 209/2019/HSST, ngày 2-7-2019 của TAND TP Hà Nội. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là ông Ngô Hồng Phúc. Các thẩm phán khác là bà Phan Thị Vân Hương và Vũ Thị Thu Hà.

Từ năm 2009 đến thời điểm này, ở tất cả các phiên tòa trước, chị Nguyễn Thị Kim Oanh đều được xác minh là bị hại. Tại phiên xét xử này, chị chỉ được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa cho rằng chị vắng mặt ở phiên tòa. Điều này khiến chị Oanh rất bức xúc, bởi trước đó chị không nhận được thông báo hay giấy triệu tập từ tòa cho dù nơi chị ở là quận Hoàn Kiếm và trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội không hề cách xa nhau.

Tại tòa, chị Hương cho rằng đã chuyển cho chị Oanh 12.850.000.000 đồng mua cổ phiếu (CP), trong đó có 8.680.000.000 đồng chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của chị Oanh. Tiếp đó, trực tiếp chuyển hai lần tiền mặt với tổng số tiền 4.170.000.000 đồng. HĐXX đi đến quyết định, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Đoàn Vũ Thanh Nghĩa; chấp nhận kháng cáo của bị cáo và chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương phần trách nhiệm dân sự; sửa một phần bản ánh hình sự sơ thẩm.

Trong đó, buộc chị Oanh phải trả cho chị Hương số tiền 8.680.000.000 đồng. Lý do dẫn đến quyết định trên bắt nguồn từ việc, tại phiên tòa, chị Hương: “Xuất trình bản tài liệu gốc do Nguyễn Thị Kim Oanh viết ngày 11-2-2008 với tiêu đề “Đơn trình bày” có nội dung Nguyễn Thị Kim Oanh đã nhận của chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương số tiền như nêu trên...”.

Vụ án Đoàn Vũ Thanh Nghĩa lừa đảo cổ phiếu chứng khoán như lời cảnh báo cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong việc mua, bán cổ phiếu. Ảnh minh họa

Vụ án Đoàn Vũ Thanh Nghĩa lừa đảo cổ phiếu chứng khoán như lời cảnh báo cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong việc mua, bán cổ phiếu. Ảnh minh họa

Những uẩn khúc cần làm rõ

Phân tích sự việc, luật sư Nguyễn Văn Túy, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng trích dẫn trên thiếu khách quan. “Số tiền như nêu trên” là số tiền gì, vì sao không trích dẫn cụ thể đơn được cho là của chị Oanh viết. Nếu đúng như chị Hương trình bày thì số tiền chị Oanh phải trả là 12.850.000.000 đồng, chứ đâu chỉ là 8.680.000.000 đồng?

Trên thực tế, từ trước đến thời điểm xét xử này, tại nhiều phiên tòa trước đó, trong Kết luận điều tra, trong Cáo trạng của cơ quan CSĐT và Viện KSND TP Hà Nội đều khẳng định bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa là người phải có trách nhiệm trả chị Hương 8.680.000.000 đồng. Nếu như tại phiên tòa này, tuân thủ đúng các quy định tố tụng, chị Oanh phải là người được triệu tập để nói lên nội dung tờ đơn chị Hương đưa ra có khách quan hay không, chữ viết và chữ ký trong đơn có đúng là của chị Oanh hay không.

Làm việc với PV, chị Oanh nói: “Đơn được chị Hương đưa ra tại tòa, vì không có mặt nên tôi không nắm rõ, chắc chắn không liên quan đến vụ án này. Phiên tòa đã đưa tôi từ vai trò bị hại thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không có giải thích rõ ràng, rồi xét xử vắng mặt và biến tôi không khác bị cáo. Từ bị hại tôi bỗng chốc thành con nợ. Nếu có mặt, tôi sẽ giúp HĐXX làm rõ tài liệu chị Hương đưa ra có khách quan hay không. Mặt khác, tôi cũng có cơ hội chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân”.

Phiên tòa sơ thẩm gần đây nhất do TAND TP Hà Nội xét xử công khai ngày 2-7-2019 khẳng định chị Oanh là bị hại. Số tiền 8.680.000.000 đồng là do Nghĩa chiếm đoạt của chi Hương nên Nghĩa phải có trách nhiệm trả lại cho chị Hương.

Trước đó, tại Bản án số 589/2016/HSPT, ngày 18-10-2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội cũng khẳng định chị Oanh là bị hại. Bản án cho thấy, chị Hương tố cáo chị Oanh chiếm đoạt 12.850.000.000 đồng tiền mua, bán CP. Cơ quan điều tra đã tổ chức điều tra thì ngoài lời khai của chị Hương, không thu thập được tài liệu nào khác. Do đó, không đủ căn cứ xác định chị Oanh đồng phạm với Nghĩa trong việc chiếm đoạt 12.850.000.000 đồng của chị Hương. Tài liệu của CQĐT thể hiện Nghĩa là người chiếm đoạt 12.850.000.000 đồng của chị Hương.

Tại phiên tòa ngày 1-8-2011 do TAND TP Hà Nội xét xử cũng nhận định về số tiền 12.850.000.000 đồng của chị Hương: “Theo Cáo trạng kết luận Nghĩa chiếm đoạt 8.680.000.000 đồng, còn lại 4.170.000.000 đồng là tranh chấp dân sự giữa chị Hương với chị Oanh. Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên bị cáo Nghĩa phải bồi thường cho chị Oanh 24.549.000.000 đồng, trong đó của chị Hương là 8.680.000.000 đồng nhưng lại tuyên chị Oanh có trách nhiệm bồi thường cho chị Hương 12.850.000.000 đồng và lại ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không đúng quy định của pháp luật”.

Gần đây nhất, Cáo trạng số 12/CT-VKS-P2, ngày 9-1-2018 của Viện KSND TP Hà Nội cũng khẳng định: “chị Nguyễn Phạm Cẩm Hương là người trực tiếp chuyển tiền vào tài khoản của Đoàn Vũ Thanh Nghĩa là 8.680.000.000 đồng và đưa 3.500.000.000 đồng tiền mặt cho chị Oanh để chị đưa cho Nghĩa mua, bán CP kiếm lời và bị Nghĩa chiếm đoạt tổng cộng 12.180.000.000 đồng...”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Túy: “Rất nhiều tài liệu khách quan của tòa án, cơ quan CSĐT và Viện KSND TP Hà Nội đều chứng minh, người phải trả tiền cho chị Hương là Nghĩa chứ không phải chị Oanh. Chính vì vậy, cần phải làm rõ tính khách quan tại phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự do TAND cấp cao tại Hà Nội tiến hành vào ngày 27-12-2019. Cần làm rõ về đơn của chị Hương, vốn được coi là tình tiết mới dẫn tới quyết định chị Oanh phải trả tiền cho chị Hương từ phía HĐXX.

Đặc biệt, cần làm rõ vì sao tòa án không gửi giấy triệu tập chị Oanh đến phiên tòa. Sự có mặt của chị Oanh rất quan trọng, vừa làm rõ được đơn do chị Hương đưa ra có đúng do chị viết, có đúng liên quan đến phiên xét xử. Mặt khác, giúp HĐXX đánh giá khách quan hơn bản chất sự việc và tài liệu ngay tại tòa, đồng thời để chị Oanh có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chị Oanh có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng...”.

(Còn nữa)

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-2-khong-duoc-toa-trieu-tap-bi-hai-mat-di-co-hoi-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-206840.html