Tòa sơ thẩm buộc công ty của diễn viên hài Thu Trang hoàn trả 1,3 tỉ đồng cho đối tác
HĐXX cấp sơ thẩm buộc công ty của diễn viên hài Thu Trang hoàn trả cho đối tác hơn 1,3 tỉ đồng tiền vốn góp và lợi nhuận từ bộ phim Dân chơi không sợ con rơi.
Ngày 2-10, TAND TP Thủ Đức, TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Công ty Bảo Trinh, là nguyên đơn trong vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư với bị đơn là Công ty TNHH Giải trí Tổng hợp Thu Trang (công ty của diễn viên hài Thu Trang).
Theo bản án sơ thẩm, ngày 16-11-2020, Công ty Bảo Trinh giao kết hợp đồng hợp tác sản xuất và kinh doanh phim với Công ty Thu Trang để góp vốn đầu tư bộ phim điện ảnh Cha tôi là dân chơi (sau được đổi tên thành Dân chơi không sợ con rơi).
Tranh chấp hợp đồng đầu tư phim
Theo nội dung hợp đồng, kinh phí sản xuất bộ phim dự kiến là 23 tỉ đồng, Công ty Bảo Trinh góp 2,3 tỉ đồng tương đương 10% kinh phí; Trường hợp doanh thu khai thác bộ phim thấp hơn tổng vốn đầu tư, lợi nhuận cho Công ty Bảo Trinh là 10% doanh thu.
Ngày 24-7-2022, Công ty Thu Trang phát hành bảng kế toán hợp đồng hợp tác kinh doanh phim kèm theo bảng tổng kết doanh thu là hơn 24,9 tỉ đồng. Tổng chi phí cho việc sản xuất phát hành bộ phim là hơn 27,2 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, việc sản xuất bộ phim bị lỗ hơn 2,28 tỉ đồng.
Công ty Bảo Trinh cho rằng căn cứ hợp đồng đã ký kết, công ty này phải được nhận lại phần vốn góp sau trừ khi 10% khoản lỗ hơn 2 tỉ đồng (2,3 tỉ đồng tiền vốn góp trừ 10% của khoản lỗ 2,28 tỉ đồng triệu đồng) và lợi nhuận bằng 10% của doanh thu (10% x 24,9 tỉ đồng). Tổng cộng hơn 4,5 tỉ đồng.
Công ty Bảo Trinh chỉ nhận được một phần tiền vốn là 1,15 tỉ đồng và nhiều lần liên hệ với Công ty Thu Trang thanh toán phần vốn góp còn lại và doanh thu theo thỏa thuận là hơn 3,4 tỉ đồng nhưng không nhận được sự hợp tác.
Người đại diện của Công ty Thu Trang xác nhận hai bên có ký thỏa thuận hợp tác sản xuất bộ phim trên, chi phí ban đầu là 23 tỉ đồng, Công ty Bảo Trinh góp 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, số liệu quyết toán bộ phim sau đó tăng lên 27,2 tỉ đồng. Phía Công ty Thu Trang vẫn thống nhất với Công ty Bảo Trinh về tỉ lệ góp vốn 10% theo kinh phí đầu tư 23 tỉ đồng.
Lợi nhuận mà nguyên đơn được hưởng là 10% lợi nhuận phát hành sau khi trừ đi chi phí cho chủ rạp, phát hành, đầu tư. Việc nguyên đơn viện dẫn mục: “Trong trường hợp doanh thu khai thác bộ phim thấp hơn tổng vốn đầu tư của dự án thì phần chia lợi nhuận cho Công ty Bảo Trinh 10% doanh thu" là không đúng với bản chất của hợp đồng.
Vì để nhà sản xuất và bên đầu tư chia sẻ rủi ro, trong trường hợp xấu nhất doanh thu khai thác của bộ phim thấp hơn tổng vốn đầu tư là 23 tỉ đồng thì phần chia lợi nhuận cho Công ty Bảo Trinh là 10% doanh thu mà không được hoàn vốn.
Công ty Thu Trang đề xuất diễn giải như sau: Doanh thu thuần hơn 24,9 tỉ đồng trừ đi chi phí sản xuất là 23 tỉ đồng được lợi nhuận là hơn 1,82 tỉ đồng. Công ty Bảo Trinh được nhận 10% của 1,82 tỉ đồng là 182 triệu đồng.
Phía bị đơn đồng ý hoàn trả cho Công ty Bảo Trinh 2,3 tỉ đồng vốn góp cùng 182 triệu đồng tiền lợi nhuận. Trừ đi số tiền 1,15 tỉ đồng mà Công ty Thu Trang đã trả trước đó, số tiền còn lại phải trả là hơn 1,3 tỉ đồng.
Công ty Thu Trang phải trả thêm 1,3 tỉ đồng cho đối tác
Xét xử sơ thẩm, TAND TP Thủ Đức tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Thu Trang hoàn trả cho Công ty Bảo Trinh số tiền hơn 1,3 tỉ đồng bao gồm 1,15 tỉ đồng phần vốn góp còn lại và 10% lợi nhuận phát sinh 198 triệu đồng.
Theo HĐXX, tổng các khoản doanh thu các đợt phát hành phim là hơn 52 tỉ đồng. Sau khi trừ đi phí thuê rạp hơn 26,4 tỉ đồng và chi phí 4 đợt phát hành phim là hơn 649 triệu đồng, còn doanh thu thuần là 24,9 tỉ đồng.
Lợi nhuận phát hành mà Công ty Bảo Trinh được hưởng được tính bằng doanh thu thuần của bộ phim 24,9 tỉ đồng trừ đi phí sản xuất 23 tỉ đồng là 1,9 tỉ đồng. Như vậy, 10% lợi nhuận mà Công ty Bảo Trinh được nhận tương đương 198 triệu đồng.
Đối với yêu cầu của Công ty Bảo Trinh cho rằng lợi nhuận của bộ phim không có và yêu cầu nhận lại phần vốn góp cùng với 10% doanh thu là không phù hợp với quy định Điều 504 BLDS và không có căn cứ chấp nhận. Theo đó, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi, cùng phải chịu trách nhiệm.