Kỳ 2: Kỷ niệm trên đường đưa máy in xuôi dòng...

Xẩm tối, chúng tôi tới Chiêm Hóa. Thị trấn chỉ là một con phố chạy dài bên bờ sông Gâm, có thêm vài phố ngắn nữa bắt ngang như chân rết. Dân cư thưa thớt, vài quán ăn, vài cửa hàng giải khát lưa thưa vài nải chuối, vài quả trứng luộc.

Hai thứ nước giải khát mà cửa hàng nào cũng có là cà phê hoặc trứng gà tách riêng lòng đỏ và lòng trắng thêm đường đỏ khuấy đến khi quánh lại thành kem. Khách hàng đông là nhờ vào sinh viên trường y Hà Nội sơ tán. Chúng tôi tìm nhà trọ để nghỉ.

Đến được Chiêm Hóa rồi mà vẫn coi như chưa đến đích bởi cái địa chỉ lấy máy ghi là “Công an huyện”. Chúng tôi xuất trình giấy tờ cả về mặt chính quyền, cả về Đảng bởi hồi đầu kháng chiến, để nâng cao cảnh giác thì giấy tờ về Đảng được tin hơn vì đảng viên đã được thẩm tra lý lịch. Có Lợi, Chi ủy viên Chi bộ nhà in, mọi giao dịch thuận lợi hơn. Lợi được cử đi chuyến này là thế. Đến lúc đó, công an huyện mới cho chúng tôi địa chỉ đến lấy máy. Đó là nhà máy cơ khí do đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách. Lại phải đi một chặng đường nữa. Từ Chiêm Hóa chúng tôi đi tiếp đến Đầm Hồng nằm bên tả ngạn sông Gâm để đến một ngôi nhà vách nứa lẻ loi trên một mô đất cao. Đến đó, thấy 3 thanh niên, chúng tôi táp vào đưa giấy giới thiệu. Một người hỏi chúng tôi từ đâu đến. Tôi chợt nghĩ ra câu trả lời:

- Chúng tôi từ Công an huyện tới.

Hết nghi ngờ, cả 3 thanh niên đều vui vẻ :

- Các đồng chí nghỉ ngơi chừng 3 ngày thì có máy.

Ba ngày chờ đợi, cứ ăn sáng xong, tôi lại lội bộ đến phố. Nhà nào ở phố cũng na ná giống nhau ở chỗ vừa là chỗ ở, chỗ bán hàng, vừa là chỗ chăn nuôi, trồng trọt. Khách đến mua chỉ là mấy bà con người dân tộc thiểu số, áo quần, khăn đội đầu đủ màu sặc sỡ. Tiền tệ chỉ xuất hiện để trả phần chênh lệch giữa giá các sản phẩm của núi rừng như măng khô, mộc nhĩ, mật ong... và giá của các sản phẩm công nghiệp như dầu hỏa, muối, giấy bút học sinh, v.v...

 Xuất bản Báo Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa/tư liệu.

Xuất bản Báo Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa/tư liệu.

Đột nhiên vào buổi sáng thứ ba chờ đợi, thì bỗng một người đàn ông đứng tuổi, dáng người vạm vỡ xuất hiện. Ông hỏi tôi:

- Tôi kéo thuyền lên khúc suối trên để tránh máy bay, thấy bè chở máy ra nên muốn hỏi có ai muốn thuê chở máy không?

Ôi thật là mừng. Đang tính để Lợi về Chiêm Hóa thuê phương tiện chuyên chở thì may sao...

Tôi vội trả lời:

- Vâng, tôi cần.

Chuyện thương lượng giá cả diễn ra nhanh chóng vì cả hai bên đều thấy cần. Ngay từ đầu giờ chiều, tôi đứng ở cửa trạm liên lạc ngóng thuyền ra. Chờ không lâu, tôi thấy thuyền và ông vẫy tôi xuống bến. Ông buông mái chèo, neo buộc thuyền cẩn thận, bắc ván cầu xong, ông gọi với vào trong:

- Vân ơi, đón khách xuống xem thuyền, con.

Từ cửa khoang thuyền xuất hiện một mái tóc thề đen nhánh, rồi một áo cánh ngắn tay, rồi một bờ vai tròn lẳn, rồi một thân hình thon thả, một cánh tay đưa lên vuốt mái tóc, rồi cả người Vân đứng thẳng ở mũi thuyền...! Tôi đứng sững lại ở đầu cầu: Một khuôn mặt trắng hồng, mịn màng, mái tóc đen óng ả, tất cả nổi bật lên trên làn nước đục ngầu của con sông Gâm đang cuộn sóng. Thú thật, từ khi nhập ngũ, doanh trại toàn ở trong rừng, tôi chưa được gặp một người con gái nào dưới xuôi, trừ có Hồng, công nhân nhà sách. Vì nhà in Quân đội nhân dân chỉ có mình Hồng là gái, nên mỗi khi diễn kịch tôi thường phải vào vai giả gái.

Tôi đứng sững lại như thế không biết bao lâu cho đến khi tự thấy xấu hổ với mình thì Vân dường như cũng thoát vẻ ngỡ ngàng, bước lại đầu cầu bên kia:

- Mời anh xuống. Anh đi cẩn thận kẻo ngã.

Vào lúc chiều nhạt nắng, chúng tôi đã xếp xong cả hai chiếc máy in mới tinh xuống thuyền. Hai chiếc bánh đà chiếm gần hết khoang thuyền, các linh kiện khác lủng cà lủng củng nằm dọc, nằm ngang thân thuyền. Chúng tôi ngồi không phải là lên các ván gỗ của khoang thuyền nữa mà là các chi tiết của máy. Ông lái nói:

- Hôm nay không thấy máy bay, ta nhổ neo sớm để về bến sớm, tôi còn phải đi giấu thuyền vì bến này hay bị máy bay bắn phá lắm.

Thuyền nhổ neo rời bến. Vân cũng cầm một mái chèo đi ra phía mũi. Lúc này tôi mới tiện ngắm Vân thoải mái. Có lẽ động tác chèo thuyền đã cho Vân có một thân hình quá đẹp. Mái tóc đen và dày được gió thổi bay bay, lộ ra chiếc gáy với đường cong mềm mại kéo dài xuống đôi bờ vai để tiếp thêm một đường cong nữa xuống tới dưới thắt lưng. Chiếc áo cánh ngắn tay màu nâu càng làm tăng thêm nước da trắng mịn của Vân. Lại một lần nữa như lần đầu gặp Vân, tôi ngắm bóng dáng của Vân in xuống dòng nước như ngắm một bức ảnh nghệ thuật.

Một lúc sau, Vân không chèo nữa, vào khoang ngồi cạnh chúng tôi.

Từ lúc xếp hàng xuống thuyền, hai bố con Vân và chúng tôi đã từ lạ tới quen. Tôi hỏi:

- Sao Vân không chèo nữa?

- Ra đến dòng nước rồi anh ạ, lúc này chỉ cần đánh lái cho thuyền theo dòng thôi anh.

- Vậy là nước chảy thuyền trôi chứ không phải bèo trôi.

Vân nở một nụ cười rất duyên với hàng răng trắng bóng.

- Sao bố con Vân lại chọn nghề sông nước lang thang này?

- Số phận mà!

- Vân kể đi.

- Trời tối rồi, để em treo đèn báo hiệu đã.

Sàn thuyền đã đầy hàng, phải đưa bàn chân lách vào các khoảng trống nên Vân đưa tay vịn vào vai tôi. Là một người mồ côi mẹ từ nhỏ, tôi chưa từng được bàn tay phụ nữ nào đặt lên người, nay lần đầu tiên, tôi cảm nhận được hơi ấm của bàn tay như sưởi vào vai tôi, vào lòng tôi, đang thấm lạnh bởi gió núi, gió sông. Tôi nắm chặt tay Vân, đúng lúc Vân cúi xuống mỉm cười nhìn tôi như thầm cảm ơn. Tôi vội nhìn sang Lợi, may thay Lợi là người rất dễ ngủ.

Chuyện kể của Vân làm tôi thấy mủi lòng.

Vân sinh ra và lớn lên ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp cần tăng quân số nên vét người ở các thuộc địa. Cha Vân (ông Kết) bị bắt lính. Ở Đông Dương lúc đó, người Pháp biên chế người Việt vào hai binh chủng: Lính khố xanh và lính khố đỏ. Khố là một mảnh vải quấn từ mắt cá chân lên tới đầu gối, bó chặt lấy ống quần. Khố màu xanh lá cây là chỉ địa phương quân, khố màu đỏ là lính bộ binh. Là lính khố đỏ nên cha Vân xa nhà luôn, tuy vậy vẫn nhắn vợ chăm sóc cho Vân việc học hành. Thời đó, học sinh nam và nữ không học chung trường cho tới bậc đại học. Con gái Hà Nội có hai trường công lập nổi tiếng vì chất lượng giảng dạy nhiều học sinh giỏi và đẹp: Tiểu học có trường Hàng Cót ở phố Hàng Cót, tên tiếng Pháp là École Brieux; trung học có trường Đồng Khánh (sau đổi tên là trường Trưng Vương) ở phố Hàng Bài. Vân học trường nữ sinh Hàng Cót.

Năm 1941, quân đội Nhật đánh chiếm Lạng Sơn. Nước Pháp lúc đó đã bị quân đội phát xít Đức chiếm đóng nên vào thế yếu để chống chọi với quân Nhật. Chiến trận diễn ra chóng vánh. Khi im tiếng súng, ông Kết ngẩng đầu lên từ bên cạnh một đồng đội đã hy sinh, thấy chiến trường yên ắng, quân Nhật đã tràn qua trận địa, ông vội vứt súng, cởi quân phục đã dính máu, vuốt mắt cho đồng đội rồi rút chạy. Ba ngày ròng rã vừa đói vừa khát, ông về tới nhà chỉ còn da bọc xương. Ông ôm vợ con cùng nhau òa khóc. Sau đó thấy không thể sống ở nhà lo bị bắt lính trở lại, ông đưa gia đình ngược lên phía bắc, đến huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) rồi đến Bến Then, thấy chưa yên tâm, ông lại đi tiếp vào phía chân núi và cuối cùng dừng lại tại thôn Cẩm Bình, nơi có một nhánh núi của dãy Tam Đảo đâm ra. Sau khi vỡ hoang được mảnh đất và tạo dựng được một cuộc sống mới cho gia đình, thấy mai danh ẩn tích chưa đủ, ông mua chiếc thuyền rồi chọn đời sông nước.

Tôi ngắt lời Vân:

- Thế sao Vân cũng chọn đời sông nước?

- Từ khi em trai em biết đi, bập bẹ nói, bố em hay bỏ thuyền về thăm gia đình lắm. Lúc bố về thì vui nhưng lúc bố đi thì cả nhà lại ôm nhau khóc. Em của em thấy mẹ khóc, nó cũng khóc theo. Em xin bố mẹ cho em đi với bố vì mẹ đã có em em ở bên khuây khỏa, bố ra đi thui thủi một mình, em đi để bố đỡ buồn mà em cũng có thể chăm nom, đỡ đần cho bố. Mẹ em bằng lòng trong nước mắt.

Câu chuyện của Vân kể trong không gian vô cùng tĩnh mịch giữa dòng sông rộng, chỉ khe khẽ tiếng ngáy của Lợi và thi thoảng tiếng rít thuốc của ông Kết ở cuối thuyền. Tôi thấy thương cho gia cảnh của Vân, nó cũng giống gia cảnh của tôi.

Tôi kể cho Vân:

- Hoàn cảnh gia đình anh cũng vậy, Vân ạ, 5 cha con anh mỗi người ở mỗi đơn vị khác nhau. Anh của anh là liệt sĩ mà mấy năm rồi, anh chưa được thắp nén hương và quỳ lạy trước nấm mộ của anh. Anh thương nhất cô em út là Thúy mới lớn đã phải xa gia đình, nhập ngũ (Thúy sau này là vợ nhà thơ quân đội Phác Văn).

- Nhưng cũng có cái hay, anh ạ-Vân tiếp-từ khi theo thuyền, em được gặp gỡ, làm quen biết bao người như các anh. Con thuyền mỏng manh này đã chở cả ngàn bộ đội sang ngang hoặc xuôi ngược. Đoàn nào em cũng nói mong gặp lại các anh để em được chăm sóc như chăm một người anh mà em không có. Nhưng các anh đi rồi, cứ đi đi mãi chưa có ai trở lại với con thuyền.

Tôi buột miệng:

- Anh trở lại.

- Thật, anh nhớ!

Soi vào lòng mình, tôi thấy từ chỗ thương Vân sang chỗ yêu Vân lúc nào không biết. Lời nói tuy buột miệng nhưng lại đúng với tình cảm chân thật sâu thẳm cõi lòng tôi.

(còn nữa)

VŨ HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-2-ky-niem-tren-duong-dua-may-in-xuoi-dong-640509