Kỳ 2: Lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên
Làm du lịch phi lợi nhuận với mục đích cao nhất là lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên và thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường của cộng đồng, chính vì vậy, Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương đã lựa chọn đối tượng khách hàng mục tiêu là giới trẻ, hẹp hơn nữa chính là học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước để gửi gắm, trao truyền sứ mệnh về bảo vệ môi trường.
"Về nhà"- tour du lịch trải nghiệm đầu tiên của Việt Nam
Vừa qua, VQG Cúc Phương đã tổ chức Tour "Về nhà" đặc biệt, hưởng ứng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 2022. Tham gia Tour là nhóm du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương trình 1 cá thể Gà Lôi trắng và 2 cá thể Mèo rừng đã được "Về nhà" tại rừng nguyên sinh Cúc Phương lần này là kết quả của một "hành trình hồi sinh" đầy nỗ lực của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên thuộc VQG Cúc Phương và đối tác bảo tồn.
Các cá thể động vật hoang dã được cứu hộ từ các vụ buôn bán trái phép và tự nguyện giao nộp của người dân; trải qua quá trình chữa trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tâm lý và tập tính tự nhiên, được trở về với "ngôi nhà" của chính mình trong ngày mà toàn thế giới hướng về đa dạng sinh học, là biểu hiện sinh động của "Thủ đô Bảo tồn" Cúc Phương. Đồng thời, truyền tải đến xã hội một thông điệp đầy tính nhân bản.
Tham gia Tour "Về nhà" đặc biệt nhân ngày Quốc tế về đa dạng sinh học, anh Nguyễn Duy Vương, cán bộ Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thay vì cho 2 con đi du lịch ở những nơi nghỉ dưỡng cao cấp, năm nay gia đình tôi đã lựa chọn đến với đại ngàn Cúc Phương, để được tham gia hành trình đưa các bạn động vật "Về nhà". Chứng kiến giây phút chúng rời lồng về với rừng xanh, chúng tôi rất xúc động. Cá nhân tôi và các thành viên trong gia đình vô cùng may mắn và hạnh phúc được lựa chọn tham gia Tour tham quan đặc biệt này"
"Về nhà" là Tour trải nghiệm độc đáo được VQG khởi xướng từ hai năm nay. Lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với "ngôi nhà tự nhiên". Đến nay, Vườn đã tổ chức hàng chục tour đưa thú "Về nhà" với hàng trăm học sinh, du khách được tham gia.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương bày tỏ: "Trước đây khi chăm sóc, phục hồi tập tính cho các loài động vật hoang dã, người ta thả nó về môi trường, sinh cảnh phù hợp nhưng giấu kín vì sợ các đối tượng xấu tiếp tục săn bắt. Nhưng đến nay Cúc Phương tự tin về công tác bảo vệ rừng, kiểm soát được an ninh rừng vì vậy quyết định táo bạo là cho du khách tham gia chứng kiến hoạt động đưa thú "về nhà".
Ngoài việc tham gia vào quá trình tái thả, du khách còn được tìm hiểu quá trình cứu hộ, chăm sóc các loài linh trưởng như thế nào. Tôi tin rằng, mỗi người khi chứng kiến khoảnh khắc "trở về nhà" của các loài động vật sẽ tạo ấn tượng rất mạnh, nhen lên trong họ tình yêu thiên nhiên và họ sẽ kể với người thân với cộng đồng, từ đó hình thành nên một cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Lan tỏa tình yêu thiên nhiên
"Là Vườn Quốc gia đầu tiên được hình thành thành khi đất nước còn đang thời kỳ chiến tranh. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, chỉ những cán bộ, học sinh giỏi được về đây để tham quan. Vì nó là nơi đầu tiên và duy nhất để mọi người được đến tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên nên rất ngẫu nhiên nó hình thành nên những nét ký họa đầu tiên về du lịch sinh thái, ít nhất là trong hệ thống vườn quốc gia của Việt Nam". Ông Chính chia sẻ.
Theo diễn biến như thế, người Cúc Phương bắt đầu làm du lịch bằng con số không: không có chức năng, nhiệm vụ, không được đào tạo, không có cơ sở vật chất để làm du lịch...Mỗi khi Vườn có khách tham quan, những người làm công việc giữ rừng, bảo vệ rừng, cán bộ nghiên cứu khoa học... là những người đầu tiên tham gia vào phục vụ ăn, nghỉ, hướng dẫn khách đi tham quan tìm hiểu...
Lượng khách đông dần lên, những người làm công tác quản lý Vườn mới nhận ra rằng cần có một bộ phận để phục vụ hoạt động này. Và từ đó, người ta cũng nhận ra thông qua những đoàn khách về tham qua họ sẽ hiểu thêm về rừng, hiểu thêm về giá trị của thiên nhiên và không gây áp lực lên hệ sinh thái.
Câu chuyện giáo dục môi trường từ hoạt động du lịch cũng được đề cập một cách chính thức trong trong chiến lược phát triển của VQG Cúc Phương.
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, VQG Cúc Phương bày tỏ: " Đã đến lúc, các chuyến tham quan Cúc Phương sẽ hướng tới việc không chỉ đến chơi rồi về, mà thực sự mỗi du khách sẽ tiếp nạp kiến thức và thông điệp của chúng tôi, thông qua các sinh hoạt lồng ghép hợp lý. Từng lứa tuổi và đối tượng khác nhau, trải dài từ học sinh tiểu học đến các nhóm gia đình, cộng đồng các khu đô thị và cả nhóm những người đã nghỉ hưu, đều có các lựa chọn phù hợp về điều kiện chi trả, thời gian cũng như nhu cầu. Trong đó, "khách hàng" chiến lược của chúng tôi là học sinh phổ thông các cấp, bởi, chúng tôi tin, chính các em sẽ lan tỏa một cách mạnh mẽ và bền vững thông điệp của Cúc Phương".
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VQG Cúc Phương lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) xác lập quyết tâm chính trị, phấn đấu trở thành một VQG kiểu mẫu.
"Chúng tôi luôn xác định muốn xây dựng VQG kiểu mẫu, phải có mô hình kiểu mẫu. Với tinh thần đó, ngoài chức năng bảo vệ rừng và nghiên cứu khoa học là gốc thì nòng cốt để hiện thực hóa kỳ vọng Cúc Phương trở thành "ngôi trường lớn" về giáo dục thiên nhiên là phải thông qua hoạt động giáo dục môi trường", ông Đỗ Văn Lập, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Vườn chia sẻ.
Chứng kiến kết quả và phản hồi của hàng chục đoàn học sinh tham gia trải nghiệm tại Cúc Phương đại ngàn trong thời gian gần đây, chúng tôi tin tưởng, chắc chắn sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, cánh rừng này sẽ líu lo không chỉ của hàng vạn tiếng chim, mà còn bởi niềm vui trải nghiệm của du khách bốn phương, trong các chương trình tham quan mang đầy thông điệp giáo dục.
Nguyễn Thơm - Trường Giang
(Còn nữa)