Kỳ 2: Mong được vay thêm vốn để đầu tư vào tiệm may

Đó là mong muốn của anh Nguyễn Tuấn Giáp (SN 1984, ở Phủ Lý, Hà Nam), người nằm trong tốp phạm nhân đầu tiên trở về theo diện tha tù trước thời hạn có điều kiện. Anh Giáp cho rằng bản thân là người may mắn nhận được sự khoan hồng đầy nhân văn của Điều luật 66 về tha tù trước thời hạn có điều kiện nên sẽ cố gắng không phụ lòng tin tưởng và mong mỏi của mọi người. Anh Giáp mong muốn được vay thêm vốn để đầu tư vào tiệm may của vợ, phát triển thành xưởng may, không chỉ tăng thu nhập mà còn thu hút được nhân công lao động...

Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu

Theo Trung tá Trần Hữu Chương, Đội trưởng Đội THAHS và HTTP CATP Phủ Lý, thời gian qua, thực hiện nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17-4-2020 và Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 1-4-2019 của Bộ Trưởng Bộ công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng địa bàn dân cư, CATP Phủ Lý đã vận động nhân dân xóa bỏ thái độ định kiến, kỳ thị với người có quá khứ phạm tội và tháo gỡ tư tưởng tự ti mặc cảm của người lầm lỗi khi về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, lôi kéo được các doanh nghiệp tham gia vào việc tiếp nhận vào làm việc hoặc hỗ trợ người có án phạt tù có vốn để đầu tư sản xuất...

Những việc làm cụ thể đó, được CATP Phủ Lý (Hà Nam) làm thông qua việc xây dựng mới và duy trì hai mô hình: “Quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư góp phần phòng chống tội phạm” và “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương”.

Trong đó, mô hình chung tay giúp đỡ người lầm lỗi vượt khó, hoàn lương vừa được triển khai thực hiện tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý (Hà Nam) đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, người tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Từ đây, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, góp phần phòng ngừa tội phạm, phòng chống tái phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trung tá Trần Hữu Chương, Đội trưởng Đội THAHS và HTTP CATP Phủ Lý: “Mô hình đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương...”

Trung tá Trần Hữu Chương, Đội trưởng Đội THAHS và HTTP CATP Phủ Lý: “Mô hình đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương...”

Ngoài ra, mô hình “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” còn có mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng dân cư phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tích trong công tác cảm hóa, giáo dục, phổ biến pháp luật, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù, người tha tù trước thời hạn có điều kiện không còn mặc cảm, tự ti, vượt khó, hoàn lương. Đồng thời, có biện pháp liên hệ, vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tạo điều kiện cho họ vay vốn, được học nghề và tiếp nhận làm việc, từ đó ổn định cuộc sống, không tái phạm và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, mô hình còn tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó, lực lượng công an là nòng cốt trong công tác tham mưu cho lãnh đạo, Đảng ủy, UBND phường liên hệ, vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được học nghề, có cơ hội vay vốn nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Từ đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến mô hình, xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở cơ sở. “Bước đầu chúng tôi xây dựng mô hình ở phường Thanh Tuyền sau đó sẽ đánh giá và nhân rộng ra các xã, phường khác trên địa bàn toàn thành phố”, đội trưởng Đội THAHS và HTTP Trần Hữu Chương cho biết. Theo anh Chương việc chọn ra nhân tố để kêu gọi giúp đỡ, lực lượng công an cơ sở mà cảnh sát phụ trách khu vực vẫn là nòng cốt.

Mong được vay thêm vốn mở rộng sản xuất

Tại công an phường Minh Khai (TP Phủ Lý, Hà Nam), chúng tôi gặp anh Nguyễn Tuấn Giáp, SN 1984 khi người đàn ông này trên đường vừa đi làm về. Dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, anh Giáp cho biết hiện đang làm công nhân sửa chữa điện tại công ty may xuất khẩu 27-7 Hà Nam. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Giáp cho biết, cuộc sống tuổi trẻ xưa kia có những lầm lỗi.

Năm 2014, Giáp a dua cùng chúng bạn rồi phạm tội Cố ý gây thương tích. Bị kết án 5 năm 6 tháng tù, Giáp ngậm ngùi cay đắng và đôi khi nghĩ tiêu cực rằng cuộc đời mình đã chấm hết. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, sự chia sẻ của cán bộ quản giáo trại giam, Giáp dần nhận ra cái sai của mình, đã lao động cải tạo tốt và được giảm án 2 lần. Đến lần thứ 3, Giáp vui mừng khi được nằm trong danh sách tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Anh Nguyễn Tuấn Giáp chia sẻ với phóng viên

Anh Nguyễn Tuấn Giáp chia sẻ với phóng viên

Được ra tù trong diện trước thời hạn có điều kiện, người đàn ông này từng gặp khó khăn trên bước đường tạo lập cuộc sống nhưng sự vào cuộc của lực lượng công an cùng sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện cho anh Giáp sớm có việc làm ổn định cuộc sống. Từ số vốn 20 triệu đồng do một doanh nghiệp cho vay lâu dài không lấy lãi, anh Giáp đã mở được cửa hàng ăn uống và khi cửa hàng đi vào hoạt động quy củ, anh Giáp trở thành người quản lý thì một niềm vui nữa lại đến với anh. Đó là việc Giáp được nhận vào làm cho công ty may và vợ anh cũng mở được một tiệm may mặc tại nhà.

Là trong tốp phạm nhân đầu tiên trở về theo diện tha tù trước thời hạn có điều kiện, anh Giáp cho rằng bản thân là người may mắn nhận được sự khoan hồng đầy nhân văn của Điều luật 66 về tha tù trước thời hạn có điều kiện nên sẽ cố gắng không phụ lòng tin tưởng và mong mỏi của mọi người. Chia sẻ với chúng tôi về mong muốn của mình, anh Giáp bảo: “Tôi mong được vay thêm vốn để đầu tư vào tiệm may của vợ, phát triển thành xưởng may, không chỉ tăng thu nhập mà còn thu hút được nhân công lao động”.

Chia sẻ với phóng viên bằng những tâm can của người từng một thời lầm lỗi, quyết tâm làm lại cuộc đời và mong muốn được người thân, xã hội đón nhận, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Rời trụ sở công an phường khi đường phố đã chập choạng lên đèn, nhìn dáng vẻ tự tin của anh Giáp, chúng tôi chợt nghĩ họ có được ngày hôm nay chính là có công rất lớn của lực lượng công an sở tại.

Chính việc làm âm thầm của những người lính công an ấy đã giúp cho những gia đình có người thân từng lầm lỡ, giúp họ bước ra khỏi sự mặc cảm tự ti để làm lại cuộc đời. Và từ sự cố gắng của người lầm lỗi đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân về những con người tưởng như bỏ đi này để có cái nhìn nhân ái, bao dung và có hành động thiết thực hơn. Đó là sự chung tay để giúp đỡ những người lầm lỡ có việc làm, từng bước ổn định cuộc sống...

(Còn nữa)

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-2-mong-duoc-vay-them-von-de-dau-tu-vao-tiem-may-237646.html