Kỳ 2: Những điểm sáng và hiệu quả của việc kiện toàn

Một thực tế không thể phủ nhận rằng, chia tách ra thì 'vui', nhưng sáp nhập là không hề đơn giản. Nhưng, với sự chỉ đạo bài bản, cách làm phù hợp, đến nay, sau sáp nhập, sắp xếp, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP hoạt động hiệu quả hơn.

Làm tốt công tác tuyên truyền

Là cơ quan thường trực của UBND TP trong tinh gọn, sắp xếp bộ máy, Phó GĐ phụ trách Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho hay, quá trình sắp xếp, kiện toàn có thuận lợi khi Trung ương ban hành đồng bộ các giải pháp, triển khai trong cả hệ thống chính trị, không chỉ trong khối chính quyền như trước đây.

Đồng thời, TP Hà Nội đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng, bài bản, dân chủ. Ngay sau Hội nghị Thành ủy triển khai thực hiện chủ trương này, cả hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc. Ban Cán sự Đảng UBND TP đã chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế tới mọi Sở, ngành, quận, huyện… với tinh thần “5 rõ” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TP Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh tình trạng các văn bản chưa được ban hành đồng bộ theo Nghị quyết, khó khăn lớn chính là tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp không còn giữ chức vụ lãnh đạo.

Trước tình hình này, TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền vận động, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng nhận thức rõ sự tất yếu phải kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý Nhà nước, giảm chi ngân sách. Và việc này được triển khai trong toàn hệ thống chính trị chứ không riêng đơn vị nào. Việc sắp xếp cũng không thực hiện một cách cơ học, mà trên cơ sở xem xét cụ thể chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, để đảm bảo sau khi sáp nhập, bộ máy vừa tinh gọn, vừa hoạt động hiệu quả hơn.

Công tác tuyên truyền thấu đáo, rộng rãi với sự tham gia của cả hệ thống chính trị đã tăng cường nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên tắc sắp xếp cũng được thông báo rõ ràng, việc bố trí phân công sẽ theo đúng vị trí việc làm. Với cán bộ lãnh đạo sau sắp xếp không còn giữ nguyên chức vụ sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo và ưu tiên xem xét bổ nhiệm khi có điều kiện và vị trí thích hợp.

Cùng với đó, quy trình thực hiện công khai, dân chủ và minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát đồng bộ, kịp thời hướng dẫn đã tạo được đồng thuận cao và giúp các cơ quan đơn vị mới sớm vận hành ổn định.

GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngành y tế đã giảm được một số đầu mối đơn vị, giảm số lượng người làm việc, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: H.Lý

GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngành y tế đã giảm được một số đầu mối đơn vị, giảm số lượng người làm việc, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: H.Lý

Đã có những điểm sáng

Có thể nói, Sở Y tế Hà Nội là một trong các Sở, ngành phải sắp xếp, sáp nhập nhiều đơn vị trực thuộc nhất. GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay, sau khi sắp xếp kiện toàn, tổng số đơn vị trực thuộc ngành giảm từ 90 đơn vị xuống còn 80 đơn vị. Đồng thời, giảm 34 khoa/phòng, giảm 35 viên chức (thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội).

TP Hà Nội cũng đã hoàn thành việc sáp nhập 30 Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã vào Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế. Đồng thời, tổ chức lại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trên cơ sở sáp nhập trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Hà Nội, trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội và Quỹ hỗ trợ, phòng chống dịch, bệnh nguy hiểm Hà Nội.

Để có được kết quả này, sau khi có chủ trương của Thành ủy, UBND TP, GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay, Đảng ủy, Ban GĐ Sở Y tế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện.

Trước khi tiến hành sắp xếp nhân sự, Thủ trưởng các đơn vị đã công khai chủ trương, kế hoạch sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập tới toàn thể viên chức và người lao động để viên chức và người lao động ổn định về tư tưởng, yên tâm công tác.

“Quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các Sở, ban, ngành có liên quan và đội ngũ cán bộ nhân viên y tế với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhận công tác mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thể tránh khỏi một số khó khăn trong công tác tư tưởng của cán bộ, nhân viên về công tác cán bộ, việc đi lại di chuyển đến cơ quan làm việc mới, sắp xếp nhân sự; chế độ chính sách, lao động dôi dư khi sáp nhập.

Đến nay, ngành y tế đã giảm được một số đầu mối đơn vị, giảm số lượng người làm việc, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh ngày một tốt hơn”, ông Hiền cho biết.

Xác định việc tất yếu phải làm

Từ kinh nghiệm của một đơn vị làm điểm về sắp xếp các tổ dân phố, bà Phạm Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, quận Long Biên cho hay, để sáp nhập được, việc giải quyết vấn đề tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là khâu rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

Vì vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy phường đã thường xuyên quán triệt chủ trương, tinh thần các Nghị quyết Trung ương và Đề án của Thành ủy Hà Nội để đội ngũ cán bộ chủ chốt nắm vững và xác định đây là công việc tất yếu phải thực hiện, từ đó lan tỏa đến các đảng viên và quần chúng nhân dân.

Với sự nỗ lực đó, phường Phúc Đồng đã sáp nhập thành công từ 18 tổ dân phố thành 10 tổ, giảm số cán bộ hưởng phụ cấp từ ngân sách từ 122 người xuống còn 66 người, giảm chi ngân sách từ 808 triệu đồng/năm xuống 505 triệu đồng/năm. “Đáng mừng là sau hơn 1 năm sáp nhập, các tổ dân phố mới hoạt động ổn định, hiệu quả, công tác quản lý cũng thuận lợi hơn”, bà Hằng cho biết.

Từ thực tiễn quản lý, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân cho hay, việc TP sắp xếp, chuyển các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đang trực thuộc quản lý của Sở Xây dựng Hà Nội về trực thuộc quản lý của UBND các quận huyện đã tạo thuận lợi hơn hẳn cho các phường trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Sau khi được bàn giao về quận, huyện, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị được phân công theo dõi địa bàn từng phường cụ thể, nên có sự sâu sát, gần gũi, phối hợp chặt chẽ với các phường hơn. Nhờ sự sâu sát của đội ngũ thanh tra xây dựng, ông Long cho hay, đã giúp cho các vi phạm trong lĩnh vực được giám sát kịp thời, có sự thuyên giảm rõ rệt…

Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng những “điểm sáng” này cho thấy, sự quyết tâm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội trong việc sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy chính quyền đã đem lại kết quả quan trọng.

(Còn nữa)

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tp-ha-noi-quyet-liet-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-hanh-chinh-ky-2-nhung-diem-sang-va-hieu-qua-cua-viec-kien-toan-158476.html