Kỳ 2: Những nỗi đau bị giấu kín
Bên cạnh những vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật thì vẫn còn rất nhiều câu chuyện đau lòng bị giấu kín mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận hết sự xót xa, đau đớn đến cùng cực.
Để những người phụ nữ thoát khỏi “bóng ma” bạo lực gia đình:
Bị động kinh khi mang thai vì chồng bạo lực tinh thần
Chị N.T.H (30 tuổi, ở Hà Nội) và chồng quyết định kết hôn sau 1 năm tìm hiểu. Cữ ngỡ tìm được người bạn đời hiểu chuyện, chín chắn nhưng chị H đã nhầm. Cưới nhau chưa lâu, chị H tá hỏa vì nhận ra tính cách của chồng khác hẳn với thời yêu đương. Tính cách trẻ con, ghen tuông vô cớ của chồng khiến chị H bị sang chấn tâm lý, phải đi viện điều trị nhiều lần trong giai đoạn mang thai.
Chị H kể: “Kết hôn được hơn 2 năm nhưng những ngày tôi vui vẻ thì ít, mà đau đớn, xót xa cho bản thân là nhiều. Mới lấy nhau về, chồng tôi lộ bản chất tính trẻ con, ghen tuông vô cớ. Anh ấy thường xuyên “tra tấn” tôi về tinh thần. Những lần hai vợ chồng xích mích, anh ấy thường nói ra những lời lẽ nặng nề khiến đầu óc tôi lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực. Hồi mang thai, tôi bị 3 lần đi viện, có dấu hiệu của bệnh động kinh khi nghe chồng mắng chửi không thương tiếc. Tuy lần đầu, bác sĩ đã dặn không được để vợ bị sốc tâm lý nhưng chồng tôi vẫn “chứng nào tật ấy”, khiến tôi đi viện thêm vài lần tương tự”.
Hy vọng sau khi sinh con, tâm tính của chồng sẽ thay đổi nhưng càng hy vọng, chị H càng nhận về cay đắng. Có lần, chị đi làm căn cước công dân, chồng gọi điện chưa được thì liền ghen tuông, dùng những lời lẽ tục tĩu để lăng mạ chị. Có lần, chị nhắn tin cho bạn cùng lớp trao đổi về công việc cũng bị chồng quy chụp là “dan díu” với trai. Lần khác, khi hai vợ chồng ở viện trông con, thấy chồng ngồi chơi game, chị H đã nhờ chồng trông con cho mình đi tắm rửa, liền bị chồng tạt cho “gáo nước lạnh”, là một tràng dài những ngôn từ xúc phạm chị, thậm chí mạnh mồm tuyên bố sẽ ly hôn chị ngay trước mặt nhiều người trong phòng bệnh. Cảm giác nhục nhã, ê chề khiến chị H có suy nghĩ tiêu cực, chỉ muốn làm liều để kết thúc những đau đớn mà chồng gây ra.
“Chồng tôi không những lười nhác, không thấu hiểu, san sẻ công việc với vợ mà còn thường xuyên chửi bới vô cớ, coi khinh vợ, ngay cả khi tôi vẫn đi làm, lo lắng tiền nong chi tiêu trong gia đình, chứ không phải để cho mình chồng kiếm tiền nuôi vợ con.
Anh ấy không bao giờ giữ thể diện cho vợ ngay cả khi anh ấy sai lè ra, còn tôi chẳng làm gì. Cứ khi nào không vừa lòng chuyện gì, anh ấy lại dùng mọi lời lẽ thô thiển nhất để lăng mạ vợ, ở bất cứ đâu, dù là nơi công cộng, thậm chí còn làm nhục tôi nhiều lần trước mặt bố mẹ tôi. Hai bên gia đình, rồi cả họ hàng khuyên bảo hết nước hết cái nhưng chồng tôi vẫn bảo thủ, không thay đổi.
Dù tức giận nhưng bố mẹ tôi cũng chỉ biết khuyên tôi nhịn nhục, để con còn có bố, có mẹ. Thực sự, tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn để giải thoát cho bản thân nhưng mỗi lần đặt bút xuống lại nghĩ thương bố mẹ, thương con nên mới duy trì hôn nhân đến tận bây giờ”, chị H nức nở kể lại.
Suy nghĩ nhiều khiến cơ thể chị H gầy rộc, sút tận gần 10kg, tâm trạng lúc nào cũng buồn bã, mệt mỏi. Thấy chị H bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần, lại sợ chị nghĩ quẩn như nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, gia đình khuyên chị đi viện khám, đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.
“Bác sĩ kết luận tôi bị trầm cảm sau sinh, cần tĩnh dưỡng, bồi bổ và cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan,... Tôi cũng đưa bệnh án cho chồng xem để anh ấy biết “sợ” nhưng tình hình không tiến triển là bao. Không biết tôi còn trụ được đến bao giờ”, chị H nghẹn ngào chia sẻ.
Khi nào mới hết khổ?
Ở độ tuổi ngoài 60, lẽ ra, bà L.T.D. (Hà Nội) phải được vui vầy hạnh phúc bên con cháu nhưng bà không được may mắn đó. Mỗi ngày qua đi trong bình an đã là một ngày may mắn với bà. Bà D kể, bà và chồng gặp và yêu nhau khi hai người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền Nam. Hơn chồng nhiều tuổi nên gia đình bà D ngăn cản, khuyên bà hãy suy nghĩ chín chắn bởi rất có thể, hai người cách xa tuổi tác sẽ có những bất đồng quan điểm trong hôn nhân. Khi ấy, bà D không suy nghĩ nhiều, chỉ biết chạy theo tiếng gọi của tình yêu nên quyết tâm lấy bạn trai bằng được. Hai người lần lượt sinh được ba người con, hai con lớn đã lập gia đình. Theo lời bà D, gia đình chồng rất tốt, đặc biệt là bố chồng thường bênh vực con dâu mỗi khi vợ chồng bà mâu thuẫn. Tuy nhiên, kể từ khi ông qua đời, chồng bà đối xử với vợ không ra gì.
Bà D chia sẻ: “Uống rượu vào là ông ấy chửi, không uống rượu ông ấy cũng chửi, vợ con không làm gì ông ấy cũng chửi, thậm chí còn lôi cả bố mẹ tôi đã mất ra để xúc phạm. Những lần như vậy, vì quá ức chế nên tôi có nói lại, liền bị ông ấy xách dao dọa chém. Cũng may, các con can ngăn nên tôi mới chạy thoát. Lúc nào đầu óc tôi cũng căng như dây đàn. Với nhiều người “nhà là nơi để về”, còn với tôi, nhà có những lúc không khác gì địa ngục trần gian. Đi khỏi nhà thì thôi, chứ về nhà là sợ hãi. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng chồng là tôi lo lắng. Ngay cả đêm ngủ cũng mơ thấy mình bị đánh chửi”.
Dù được con cái, người thân trong gia đình phân tích, khuyên bảo hết lời nhưng chồng bà D vẫn không thay đổi. Bà D cho biết thêm, chứng kiến cảnh bố thường xuyên đối xử thậm tệ với mẹ, khuyên bảo thì không nghe, các con đã khuyên bà mạnh dạn viết đơn ly hôn.
“Các con tôi bảo có mẹ chịu được bố chứ chúng con là con cái còn không chịu được. Hay là mẹ ly hôn đi, để sống cho thoải mái, không phải nơm nớp lo sợ hàng ngày bị chửi bới, đánh đập. Nhưng tôi bảo: “ Mẹ không làm như vậy được vì thương các con”. Tôi muốn chúng nó có bố, có mẹ, nhất là khi con trai út của tôi còn chưa xây dựng gia đình. Khi biết bố mẹ nó bỏ nhau thì ai còn muốn gả con gái cho nó, rồi khi cưới xin, có mẹ, không có bố, con trai tôi rồi cả gia đình sẽ bị cười chê, mang tiếng. Nhiều lúc, tôi cũng không thiết sống nữa nhưng vì các con, các cháu, tôi vẫn phải gắng gượng chịu đựng. Cuộc đời tôi, có lẽ, bao giờ chết mới hết khổ”, bà D nói trong nước mắt.
(Còn nữa...)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-nhung-noi-dau-bi-giau-kin-342536.html