Kỳ 2: Sự thật về cái chết của nữ doanh nhân làm ăn thua lỗ?

Đất này ai bán, ai mua?

Trưng bằng chứng, ông Khanh chứng minh ông Nguyễn Hiệp Hòa tố cáo sai sự thật. Cựu Bí thư trình bày: Trước đây, gia đình ông có mấy chục hecta đất trồng cao su ở tỉnh Bình Phước và huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), sau đó chuyển nhượng và muốn tìm khu đất gần nhà để sản xuất. Tháng 12/2012 (lúc đó ông Khanh là Phó Chủ tịch UBND H.Bến Cát), qua "cò đất" Nguyễn Hữu Trọng (ngụ xã Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và thông tin rao vặt trên nhiều tờ báo, ông biết bà Hiệp cần bán đất nông nghiệp ở xã An Tây. Ông được ông Trọng đưa đến Công ty An Tây gặp bà Hiệp, ông Hòa cũng có mặt. Sau khi xem đất, ông thấy ưng ý nên cùng bà Hiệp bàn bạc việc chuyển nhượng.

Sau khi thống nhất diện tích đất và giá bán, ông Khanh đề nghị xem giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ. Bà Hiệp cho biết, sổ đất (tức GCN) ngân hàng đang giữ, nhưng đồng ý cho bà bán. Ông Khanh yêu cầu, khi lập hợp đồng (HĐ) đặt cọc mua bán phải có ngân hàng xác nhận đồng ý thì ông mới mua. Vài ngày sau, bà Hiệp điện ông Khanh đến Công ty An Tây để gặp ngân hàng. Tại đây, ông Khanh được bà Hiệp giới thiệu một người đàn ông tên Lộc là đại diện ngân hàng. Ông Lộc xác nhận ngân hàng đồng ý cho bà Hiệp bán đất. Sau đó, bà Hiệp lập HĐ đặt cọc, giá 650 triệu đồng/ha, thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản đứng tên bà Hiệp tại BIDV Tây SG.

Ông Khanh xác định: "Với phương thức thuận mua vừa bán theo giá thị trường, gia đình tôi đã giao dịch trực tiếp với cá nhân bà Hiệp 5 lần, tổng diện tích đất là 181.905,2m2. Thời gian kéo dài từ năm 2012 - 2015. Tất cả HĐ công chứng mua bán đất đều do vợ tôi là bà Huỳnh Thị Phương Anh và em trai Nguyễn Hồng Thoại thực hiện. Trong đó, có 3 HĐ với 125.442,2m2 đất do bà Hiệp đứng tên trên GCN; 2 HĐ với 56.463m2 đất do bà Hảo đứng tên. Bà Anh là người chuyển trả tiền mua đất cho bà Hiệp theo HĐ đã ký”.

Ông Khanh tại phiên tòa sơ thẩm

Ông Khanh tại phiên tòa sơ thẩm

Về phía ông Hòa, sau khi ra tù, ông này về xã An Tây sống với bà Hiệp đến giữa năm 2015, nên biết rõ việc chuyển nhượng đất. Ông Hòa nhiều lần chở mẹ đến nhà ông Khanh nhận tiền bán đất. Sau khi mua đất, gia đình ông Khanh trồng cây cao su, hàng tuần ông Khanh đều đến thăm đất, gặp ông Hòa thường xuyên.

Cựu Bí thư khẳng định: Việc mua đất thông qua môi giới, trước khi mua, ông hoàn toàn không quen biết ông Lộc, bà Hiệp. Giá bán được bà Hiệp và ngân hàng khảo sát, đăng báo rất nhiều người biết. Chính bà Hiệp đã có đơn gửi BIDV Tây SG ngày 14/12/2012, nêu rõ: "...Trong suốt thời gian qua, tôi đã cố gắng tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng nhưng do tình hình bất động sản đóng băng, rất nhiều người bán nhưng lại có rất ít người mua, giá mua lại thấp. Hiện nay, chỉ có đối tác là ông Nguyễn Hồng Khanh mua giá cao so với những người trước đó...". Đơn của bà Hiệp đã vạch trần việc tố cáo hoàn toàn sai sự thật của ông Hòa cho rằng "ông Khanh lạm dụng chức quyền, hăm dọa, o ép bà Hiệp bán đất giá rẻ”.

Liên quan đến cái chết của bà Hiệp, ông Khanh lên tiếng: GĐ Công ty An Tây mắc nhiều chứng bệnh. Ngày 28/12/2013, bà Hiệp nhập viện, nằm điều trị tại Bệnh viên nhân dân Gia Định, TPHCM do bị "xuất huyết dưới nhện", đến 07/01/2014 xuất viện. Ngày 24/06/2016, bà Hiệp nhập viện vì căn bệnh "xơ gan", điều trị hơn 1 tháng mới xuất viện ngày 30/07/2016, rồi qua đời sau đó 12 ngày. Như vậy, ông Hòa tố cáo, cho rằng "mẹ mình bị gây áp lực phải bàn giao toàn bộ tài sản, nên buồn bã ngã bệnh, uất ức trong lòng, dẫn đến cái chết" là bịa đặt.

Ông Khanh phản ứng: "Việc chuyển nhượng đất kéo dài 3 năm với 5 HĐ được ký, ông Hòa biết rất rõ nhưng không lên tiếng. Đến khi bà Hiệp qua đời, trùng với thời điểm xảy ra "sự cố" bầu Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, ông Hòa mới tung ra đơn tố cáo sai sự thật, thậm chí bịa đặt, vu khống. Khi còn sống, bà Hiệp đã tự nguyện trong việc mua bán, giao tài sản đất đai, không hề khiếu nại, thưa kiện cho đến lúc qua đời. Xâu chuỗi toàn bộ vụ việc, tôi nhận thấy, đằng sau đơn tố cáo là một âm mưu, muốn đẩy tôi vào vòng lao lý?".

Bà Hiệp đăng tin bán đất trên một tờ báo

Bà Hiệp đăng tin bán đất trên một tờ báo

Y kiến của phó trưởng ban dân nguyện

Ngày 24/6/2019, Viện KSND tỉnh Bình Dương ban hành Cáo trạng số 20 do Phó Viện trưởng Nguyễn Phước Trung ký, truy tố 7 bị can. Trong đó, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Hồng Khanh bị truy tố theo khoản 3 Điều 219 BLHS; Lê Hoài Linh, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Minh Tâm và Đặng Văn Thọ bị truy tố theo Điều 356 BLHS.

Căn cứ Kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung, ngày 20/3/2020, Phó Viện trưởng Trung ký Cáo trạng số 12 (thay thế Cáo trạng số 20), truy tố 3 bị can Hùng, Lộc, Khanh theo khoản 3, Điều 219 BLHS. Đối với 4 cán bộ bị khởi tố theo Điều 356 BLHS, được tách thành vụ án khác.

Sau nửa tháng nghiên cứu hồ sơ, ngày 07/4/2020, TAND tỉnh Bình Dương ban hành QĐ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 22/4/2020. Trước khi phiên tòa diễn ra, ngày 17/4/2020, Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ký văn bản đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét đơn của bà Phương Anh (vợ ông Khanh), để tránh xử oan người vô tội.

Tiến sĩ Nhưỡng nêu quan điểm: Tài sản ông Khanh mua bán không phải là "tài sản Nhà nước" mà là tài sản của bà Hiệp đưa vào thế chấp vay vốn kinh doanh tại Ngân hàng "cổ phần thương mại" BIDV. Vì vậy, truy tố các bị cáo "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí” là không đúng bản chất, gây oan sai.

Sau khi hoãn phiên tòa ngày 22/4/2020, TAND tỉnh Bình Dương đã mở lại vào các ngày 20, 21 và 28/5/2020. HĐXX do Thẩm phán Lê Quân Vương ngồi ghế chủ tọa tuyên Bản án hình sự số 34/2020/HSST (Bản án số 34) ngày 28/5/2020, xử phạt bị cáo Hùng 12 năm tù, bị cáo Lộc 11 năm tù và bị cáo Khanh 10 năm tù theo khoản 3, Điều 219 BLHS.

Bản án số 34 xác định: Năm 1997, bà Hiệp cùng con gái Nguyễn Hiệp Hảo (hiện định cư tại Mỹ) đến H.Bến Cát mua 235.078m2 đất của nhiều hộ dân tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây. Năm 2000, mẹ con bà Hiệp lập Công ty An Tây, đặt tại ấp Lồ Ồ, bà Hiệp góp 94,4% vốn làm GĐ, bà Hảo góp 5,6%. Sau đó, bà Hiệp tiếp tục lập Công ty TNHH Sản xuất chế biến Gỗ Mỹ Hiệp, đặt tại Q10, TPHCM.

Văn bản ngày 14/12/2012 của bà Hồ Thị Hiệp gửi BIDV Tây SG xác định bán đất cho ông Khanh giá cao

Văn bản ngày 14/12/2012 của bà Hồ Thị Hiệp gửi BIDV Tây SG xác định bán đất cho ông Khanh giá cao

Từ năm 2005 - 2008, BIDV Tây SG cho Công ty An Tây vay 54,11 tỷ đồng bằng 5 HĐ tín dụng và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp vay 18 tỷ đồng (1 HĐ tín dụng). Tài sản thế chấp trị giá 80,85 tỷ đồng, gồm 2 GCN đất nông nghiệp cấp cho bà Hiệp (117.604,7m2), 1 GCN cấp cho bà Hảo (76.704,4m2); 2 GCN đất công nghiệp (mỗi giấy 20.000m2) cấp cho Công ty An Tây, cùng máy móc phục vụ sản xuất.

Đến năm 2008, cả 2 công ty không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đưa vào diện nợ xấu. Ngày 14/11/2008, bà Hiệp xin rút tài sản thế chấp là 20.000m2 đất công nghiệp để thế chấp tại Agribank - Chi nhánh Thủ Đức, vay 30 tỷ đồng. Do An Tây không trả nợ nên Agribank khởi kiện, sau đó 20.000m2 đất bị phát mãi. Ngày 02/3/2016, ông Nguyễn Trung Kiên (GĐ Công ty TNHH Cơ khí xây dựng Thiên Phát Lộc) trúng đấu giá với 11,5 tỷ đồng.

Ngày 27/12/2011, BIDV Tây SG xác định tổng dư nợ của 2 công ty hơn 96,8 tỷ đồng (An Tây nợ 66,01 tỷ, Gỗ Mỹ Hiệp nợ 30,81 tỷ). Sau khi trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, BIDV khởi kiện bà Hiệp và 2 công ty.

Ngày 28/12/2012, TAND TPHCM ra QĐ công nhận sự thỏa thuận của các bên. Theo đó, Công ty An Tây còn nợ BIDV 77,749 tỷ đồng, trả mỗi quý 3 tỷ, bắt đầu từ ngày 01/4/2013. Đối với Công ty Gỗ Mỹ Hiệp, Tòa án đình chỉ vụ kiện do không xác định được địa chỉ bà Hảo.

Cả 2 công ty vẫn không khả năng trả nợ nên GĐ Hùng giao cho ông Lộc phụ trách việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ từ năm 2012 - 2015. BIDV Tây SG giao tài sản cho bà Hiệp tự bán, có sự giám sát và đồng ý của ngân hàng.

Bản án quy kết: Quá trình xử lý tài sản thế chấp, hai bị cáo Hùng, Lộc đã cấu kết với bà Hiệp và bị cáo Khanh trong việc thỏa thuận và thanh toán mua bán tài sản bảo đảm trái quy định. Cụ thể: Hùng, Lộc cho phép bà Hiệp ký 3 HĐ bán cho ông Khanh 125.442,2m2 đất, BIDV Tây SG thu hồi nợ được 7,797 tỷ đồng; bà Hiệp nhận 2,887 tỷ tiền mặt. Trong khi phần đất này được định giá hơn 33,86 tỷ đồng, như vậy, các bị cáo đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng, đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 BLHS.

Đối với phần đất do bà Hảo đứng tên, sẽ được xử lý sau...

Nhiều chuyên gia pháp lý, trong đó có Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, đã phân tích, chỉ rõ việc quy kết ông Khanh tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là không có căn cứ, gây oan sai. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương vẫn tuyên bố ông Khanh phạm tội và tuyên phạt bị cáo 10 năm tù theo khoản 3 Điều 219 BLHS.

(Còn tiếp...)

CHIÊU AN - VĂN CƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/ky-2-su-that-ve-cai-chet-cua-nu-doanh-nhan-lam-an-thua-lo_154756.html