Kỳ 3: Cần lắm một biên chế cho cán bộ văn phòng cấp ủy ở cơ sở
Văn phòng cấp ủy cơ sở đóng vai trò nền tảng trong hoạt động của Đảng ủy. Thế nhưng, thực tế những người đảm nhiệm vị trí then chốt này lại là cán bộ không chuyên trách.
Công việc nhiều, đãi ngộ thấp dẫn đến nhiều người bỏ việc, gây khó khăn cho cấp ủy. Bởi vậy, việc bố trí một biên chế chính thức cho văn phòng đảng ủy cơ sở thực sự rất cần thiết.
Mỗi nơi sắp xếp một kiểu
Theo Nghị định 34/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về quy định số lượng và mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mức bình quân phụ cấp chỉ là 1,14/người. Trong khi đó, Nghị quyết 156 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh quy định mỗi xã, phường, thị trấn không bố trí quá 8 người không chuyên trách, trong trường hợp cụ thể bố trí kiêm nhiệm tối đa không quá 9 người. Đối với xã loại I. Hà Tĩnh khoán quỹ phụ cấp bằng 16 lần mức lương cơ sở, xã loại II bằng 13,7 lần mức lương cơ sở và xã loại III là 11,4 lần mức lương cơ sở.
Chị Đinh Hạnh Hiền, công chức văn phòng thống kê kiêm văn phòng đảng ủy thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang rà soát hồ sơ đảng viên
Tại huyện Nghi Xuân, ngày 23/10/2018, Huyện ủy đã có Kết luận số 44-KL/HU về tiếp tục thực hiện một số vấn đề theo các Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XII) và Kết luận số 92-KL/TU của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Theo đó, về cán bộ, công chức cấp xã, bố trí số lượng loại 1 không quá 19 người; loại 2 không quá 18 người; loại 3 không quá 17 người. Về người hoạt động không chuyên trách cấp xã: bố trí tối đa không quá 8 người/xã và thực hiện khoán phụ cấp; tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương để bố trí cho phù hợp, theo hướng: khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể không quá 5 người; chính quyền không quá 3 người. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương của huyện này cũng đang áp dụng những cách làm khác nhau.
Theo bà Phan Thị Phương Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giãn biên chế, khi xây dựng đề án văn phòng UBND kiêm văn phòng Đảng ủy, địa phương thấy, hai văn phòng này đều rất nhiều việc, nên không thể thực hiện được. Đặc biệt, văn phòng đảng ủy phụ trách cả công tác dân vận, tuyên giáo, kiểm tra, tổ chức của Đảng ủy là hoàn toàn khó khả thi.
"Đồng chí Nguyễn Thị An (SN 1977) đảm nhận vị trí cán bộ không chuyên trách văn phòng đảng ủy xã đã được 15 năm và kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBMTTQ xã được 11 năm nay. Đảng viên này có đầy đủ các điều kiện yêu cầu theo quy định. Ví dụ như chuyên môn là đại học, trình độ chính trị là Trung cấp. Nhưng vị trí này không có định biên nên dù đã công tác nhiều năm, nhưng cho đến nay, đồng chí An vẫn chịu thiệt thòi là cán bộ không chuyên trách", bà Nam cho biết thêm.
Thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hiện đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy và Văn phòng HĐND – UBND làm một Văn phòng chung. Chị Đinh Hạnh Hiền, công chức văn phòng thống kê kiêm văn phòng đảng ủy từ cuối năm 2019. Ngoài lương công chức của văn phòng thống kê, chị được hưởng thêm phụ cấp kiêm văn phòng đảng ủy là 0,9, tức là tương đương 1,3 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: "Nếu có một chuyên trách riêng cho vị trí cán bộ văn phòng đảng ủy sẽ tốt hơn, bởi công việc văn phòng đảng ủy chiếm rất nhiều thời gian. Đảng bộ Xuân An có 570 đảng viên với 18 chi bộ, riêng việc quản lý hồ sơ đảng, rà soát các thủ tục hàng năm của đảng viên đã mất rất nhiều công. Bởi trừ những đảng viên trẻ mới kết nạp sau này, còn số đảng viên lâu năm, hồ sơ mật mát hoặc không còn đầy đủ. Do đó, việc hoàn thiện hồ sơ, làm báo cáo đã chiếm hết thời gian, không kịp để làm các việc khác của văn phòng thống kê nữa".
Anh Nguyễn Sỹ Nhật, công chức văn phòng thống kê được chuyển lên làm cán bộ chuyên trách văn phòng đảng ủy thị trấn Thạch Hà đang chuẩn bị huy hiệu Đảng để trao cho các đảng viên lão thành.
Tại huyện Thạch Hà, việc thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy và Văn phòng HĐND – UBND là một Văn phòng chung được thực hiện rộng rãi đến các địa phương trong toàn huyện. Tại thị trấn Thạch Hà, sau khi sáp nhập xã Thạch Thanh vào thị trấn, UBND thị trấn có 3 công chức UBND (dôi dư một công chức) nên ông Nguyễn Sỹ Nhật, công chức văn phòng thống kê được chuyển lên làm cán bộ chuyên trách văn phòng đảng ủy thị trấn. Ông Nhật cho biết: "Khối lượng công việc chuyên trách của văn phòng đảng ủy khá lớn. Nhờ tôi có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và dành toàn bộ thời gian hành chính để lo công việc hằng ngày nên mới bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Chứ làm đúng quy định là 3 ngày mỗi tuần thì chắc chắn chỉ giải quyết được những việc cơ bản hàng ngày thôi", anh Nhật chia sẻ.
Cần được gỡ khó kịp thời
Văn phòng đảng ủy đảm nhiệm 5 chức năng tham mưu cho cấp ủy về công tác Đảng trên các lĩnh vực văn phòng, tổ chức, kiểm tra, dân vận, tuyên giáo. Ở cơ sở, một người đảm nhiệm toàn bộ công việc tham mưu cho đảng ủy, trong khi đó ở cấp ủy cấp trên, 5 mảng công việc này đã được chia thành 5 ban tham mưu giúp việc riêng biệt, mỗi ban có tối thiểu 5 biên chế.
Hiện nay, mỗi địa phương còn có những cách sắp xếp riêng như, cán bộ Văn phòng Đảng ủy không chuyên trách, công chức Văn phòng UBND kiêm văn phòng Đảng ủy hoặc vừa sử dụng cán bộ chuyên trách đối với địa phương có công chức đang dôi dư. Trên thực tế cho thấy, dù bố trí theo cách nào đi chăng nữa, thì khối lượng công việc của cán bộ văn phòng đảng ủy cũng hết sức nặng. Do đặc thù công việc, yêu cầu người cán bộ Văn phòng đảng ủy cơ sở luôn phải đặt mình trong trạng thái "làm việc chuyên trách", làm với trách nhiệm hết mình mới có thể đáp ứng yêu cầu của cấp ủy.
Cần phải tạo cho cán bộ không chuyên trách văn phòng đảng ủy một nền tảng ổn định, những điều kiện cơ bản nhất để đảm bảo cuộc sống trước mắt và tương lai lâu dài.
Với hai nhóm đối tượng chủ yếu trực tiếp đảm nhiệm công tác này: một là cán bộ bán chuyên trách phụ trách công việc văn phòng, hai là công chức ủy ban nhân dân kiêm nhiệm. Đối với công chức ủy ban nhân dân kiêm nhiệm, họ vốn đã phải tập trung cao cho chuyên môn riêng của mình, nếu kiêm thêm cả công tác đảng sẽ bị phân tán và không thể làm tốt. Nhóm đối tượng thứ hai là cán bộ bán chuyên trách, họ không có lương mà được trả thù lao bằng “phụ cấp”, và số tiền ít ỏi đó không đủ trang trải chi phí cho bản thân họ, chứ chưa nói đến các khoản chi tiêu khác trong cuộc sống, làm sao đòi hỏi họ "mặn mà" lâu dài được.
Chị Nguyễn Thị Thúy Mai, Chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, đối với cán bộ văn phòng đảng ủy, địa phương đã nhiều lần đề xuất có định biên cho vị trí này, nhưng do Trung ương không bố trí biên chế nên tỉnh Hà Tĩnh mới ra kết luật 18 KL/TU về việc bố trí công chức UBND kiêm văn phòng đảng ủy. Thực tế việc kiêm nhiệm này dẫn đến quá nhiều hệ lụy. "Từ khi thực hiện kiêm nhiệm đến nay, chất lượng tham mưu bị giảm sút. Công tác Đảng cần có sự tập trung nghiên cứu chuyên sâu, việc kiêm nhiệm đã tạo nên những hạn chế cho các Văn phòng Đảng ủy trong thực hiện nhiệm vụ chung. Điều đó dẫn đến công việc bị chồng chéo, bản thân cán bộ kiêm nhiệm đã cố gắng nhưng cũng không thể đáp ứng được yêu cầu, nhiều việc buộc phải chuyển cho lãnh đạo làm mới kịp", bà Mai chia sẻ.
Dẫu biết rằng, mỗi cán bộ là một người lãnh đạo, đầy tớ trung thành, người công bộc tận tụy, dốc lòng phục vụ nhân dân chứ không phải là “quan cách mạng”. Nhưng để họ có thể chuyên tâm với công việc, cần phải tạo cho họ một nền tảng ổn định, những điều kiện cơ bản nhất để đảm bảo cuộc sống trước mắt và tương lai lâu dài.
Nữ cán bộ không chuyên trách văn phòng đảng ủy xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đạt giải Nhì Hội thi giảng viên lý luận chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi
Thiết nghĩ, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của Văn phòng cấp ủy cơ sở, cần một biên chế chính thức cho vị trí này, bởi "có thực mới vực được đạo". Phải có một chỗ đứng vững chắc, một tương lai lâu dài, một cuộc sống có thu nhập ổn định như các vị trí khác, cán bộ văn phòng cấp ủy mới thực sự an tâm, gắn bó dài lâu, thực thi tốt nhất nhiệm vụ của mình.