Kỳ 3: Công an xã tại biên giới – Tuyến đầu chống tội phạm xuyên quốc gia

Nằm ở tuyến đầu của Tổ quốc, các xã biên giới không chỉ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là vùng trọng điểm về ANQG. Với hàng trăm đường mòn, lối mở giáp ranh các nước láng giềng, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép diễn biến hết sức phức tạp. Công an xã tại biên giới, với nhiệm vụ bảo vệ an ninh địa bàn, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng, đang là lá chắn vững chắc ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia.

Đảm bảo an ninh tại các xã giáp biên

Xã Nậm Cắn là địa bàn xa nhất phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có hơn 23km đường biên giới tiếp giáp với huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), với cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thông thương với nước bạn Lào. Từ trước đến nay, tình hình tội phạm ma túy luôn diễn biến phức tạp là thách thức lớn nhất trên địa bàn. Các đối tượng thường dụ dỗ, lợi dụng người dân đi thăm thân, qua lại biên giới để vận chuyển ma túy về Việt Nam. Nơi đây cũng sản sinh nhiều “ông trùm” ma túy nổi tiếng, thậm chí một số cán bộ, tri thức cũng sa chân vào cạm bẫy ma túy. Bên cạnh đó, do có nhiều đường mòn, lối mở nên tại địa bàn Nậm Cắn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hằng năm khá nhức nhối.

Hệ thống camera AI nhận diện khuôn mặt hỗ trợ Công an xã tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trong đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Hệ thống camera AI nhận diện khuôn mặt hỗ trợ Công an xã tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trong đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Thượng tá Lô Văn Thao, Trưởng Công an xã Nậm Cắn cho biết, không riêng gì Nậm Cắn, mà tại 27 xã biên giới giáp Lào của tỉnh Nghệ An nói riêng, hàng trăm xã biên giới của 10 tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào từ Điện Biên đến Kon Tum nói chung, luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT. Đặc điểm chung ở các xã biên giới là nhiều đường mòn, lối mở, dân trí thấp, đời sống nhân dân khó khăn nên nguy cơ về ANTT luôn rình rập, hiện hữu. Trong đó, nổi lên là tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, có những thời điểm trở thành “điểm nóng”.

Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa hình rừng núi hiểm trở để thực hiện hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng đường biên giới dài, khó kiểm soát để tổ chức xuất nhập cảnh trái phép, đưa người vượt biên với mục đích lao động "chui" hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, nhắm vào phụ nữ và trẻ em vùng cao, thậm chí là phụ nữ đang mang thai, lừa đảo đưa họ ra nước ngoài để cưỡng bức lao động hoặc mại dâm. Trong đó, phức tạp và khó lường nhất vẫn là tội phạm về ma túy.

Các tuyến biên giới, đặc biệt là khu vực phía Bắc và các tỉnh miền Trung, do nằm ở vị trí thuận lợi trên trục đường trung chuyển, tập kết ma túy từ Tam giác Vàng nên từ trước đến nay, các băng nhóm tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm đã cấu kết với người bản địa để trồng, chiết xuất, vận chuyển ma túy từ Tam giác Vàng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam hoặc quá cảnh sang nước thứ ba tiêu thụ.

Công an xã tại Nghệ An với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Công an xã tại Nghệ An với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Các băng nhóm, đường dây này thường lợi dụng rừng núi hiểm trở để cất giấu và vận chuyển số lượng lớn ma túy vào nội địa. Tội phạm ma túy ngày càng liều lĩnh, chúng thường gom những chuyến hàng lớn, vận chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm bánh heroin mang theo vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này.

Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến trước đây, tội phạm ma túy nói riêng và các loại tội phạm, tệ nạn khác hoành hành ở vùng biên là do lực lượng Công an xã bán chuyên trách không đủ năng lực, thẩm quyền; trong khi lực lượng Công an cấp huyện mỏng, chưa bám sát địa bàn, sâu sát cơ sở nên khó khăn trong việc nắm bắt tình hình, vụ việc ngay từ khi mới manh nha.

Thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn, những sắc xanh màu lá mạ đã về tận thôn bản, nhanh chóng làm quen địa hình cơ sở, thông thạo địa bàn nên đã tạo nên cuộc cách mạng trong đảm bảo ANTT. Không chỉ gần dân, sâu sát địa bàn, lực lượng Công an xã còn tạo nên tấm lá chắn vững chắc về ANTT tại vùng biên giới. Trong đó, để ngăn chặn, hạn chế tội phạm từ bên kia biên giới xâm nhập, cấu kết, lôi kéo, dụ dỗ người bản địa tham gia phạm tội, lực lượng Công an xã đã thường xuyên kiểm tra, rà soát nhân khẩu, kịp thời phát hiện những đối tượng lạ mặt có dấu hiệu khả nghi, nhất là tại các nhà nghỉ, khu vực giáp biên có nhiều lao động tự do.

Nhằm tạo lập lá chắn phòng ngừa tội phạm từ tuyến biên giới, năm 2022 Bộ Công an đã triển khai Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy". Nghệ An là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm đề án này. Đến nay, sau 2 năm triển khai đã từng bước đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy. Toàn tỉnh đã có 227/460 địa bàn cấp xã được công nhận “sạch về ma túy”, trong đó có 5 địa bàn cấp huyện đạt 100% địa bàn cấp xã “sạch về ma túy”. Hiện tại, đã có thêm 76 địa bàn cấp xã đạt 2 tiêu chí “sạch đường dây, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy” và “sạch người nghiện”.

Đến nay, mô hình này cũng được Bộ Công an nhân rộng ra toàn quốc. Để đạt được kết quả nói trên, vai trò của lực lượng Công an cấp xã tại các tuyến biên giới rất quan trọng. Lực lượng Công an xã nơi tuyến đầu đã triển khai đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt các nhóm giải pháp, tuân thủ phương châm lấy phòng ngừa là chính và với mục tiêu tạo lập "lá chắn", "vành đai biên giới" sạch ma túy để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn trong lĩnh vực này. Nhờ đó, Đề án đã mang lại hiệu quả rất tích cực, từng bước đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước.

Đại úy Phạm Khắc Núi, Trưởng Công an xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, để đạt được danh hiệu là một trong số 127 gương điển hình tiên tiến Công an xã và là tập thể duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh vinh dự được Bộ Công an vinh danh vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở trong năm 2024, đơn vị đã luôn chủ động, sáng tạo trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT.

Nằm ở địa bàn có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, giáp với nước bạn Lào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ANTT phức tạp, đặc biệt là các tội phạm về ma túy và vận chuyển hàng cấm, xác định nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an trong việc đảm bảo ANTT và ANQG trên địa bàn, tạo thành “lá chắn” vững chắc ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, Công an xã Sơn Kim 2 đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các đường mòn, lối mở cũng như người, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Cùng với đó, tham mưu hệ thống chính trị xã Sơn Kim 2 thiết lập cơ chế thông tin liên lạc vững chắc với người dân bằng nhiều hình thức như qua hội họp, gặp gỡ trực tiếp; thông tin qua hệ thống loa phát thanh; các nhóm Zalo, Facebook của từng tổ chức, từng thôn, bản... Qua đó, kịp thời nắm chắc, phát hiện từ sớm, từ xa, các hiện tượng, mầm mống, nguy cơ các vụ việc phức tạp, bất ổn để cảnh báo, ứng phó kịp thời; không để phát sinh “điểm nóng”.

Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ thông thường, thời gian gần đây, Công an các xã dọc biên giới Việt - Lào cũng đã hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống camera AI nhận diện khuôn mặt, phát hiện hành vi khả nghi để “gia cố” thêm thành trì an ninh tại cơ sở, nhất là ở các điểm nóng. Theo Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Đề án 375 và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh Thanh Hóa về xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT, tại các khu dân cư trên địa bàn nói chung, các bản làng, thôn bản thuộc các xã biên giới của tỉnh đã lắp đặt hệ thống “Camera với ANTT”. Mô hình này được triển khai thí điểm tại xã biên giới Bát Mọt, huyện Thường Xuân vào tháng 8/2024, đến nay đã nhân rộng và phủ kín đến tất cả các xã biên giới. Quá trình vận hành, đã thu hút được sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Công an xã biên giới tại Hà Tĩnh luôn “ba cùng, bốn bám” với nhân dân.

Công an xã biên giới tại Hà Tĩnh luôn “ba cùng, bốn bám” với nhân dân.

Tại huyện Mường Lát, để khắc chế tội phạm về ma túy cũng như đảm bảo an ninh biên giới ở địa bàn có hơn 105km đường biên, có cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, 2 lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới, lực lượng Công an các xã giáp biên đã xây dựng và duy trì có hiệu quả hoạt động của 18 mô hình “tự phòng, tự quản”. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy theo phòng tuyến “3 lớp”: Lớp ngoại biên, lớp giáp biên và lớp nội địa để kiềm chế và đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác nói chung. Nhờ vậy, đến nay một số điểm, tụ điểm phức tạp về ANTT tồn tại lâu năm gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân đã được xóa bỏ như bản Tà Cóm, bản Khằm (xã Trung Lý); bản Sài Khao (xã Mường Lý); bản Ón (xã Tam Chung); bản Pù Ngùa, Pù Quăn (xã Pù Nhi)...

Ngoài ra, tại các xã có địa bàn phức tạp, trọng điểm, nhất là khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở vào thời điểm cao điểm như cuối năm, lễ Tết... lực lượng Công an xã đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu, sử dụng đồng bộ các thiết bị hiện đại, trong đó có drone (máy bay không người lái) và flycam để theo dõi khu vực rừng núi, phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp giám sát tốt hơn trong điều kiện địa hình phức tạp. Đối với những tuyến biên giới trọng yếu, lực lượng Công an xã phối hợp với Cảnh sát cơ động, Bộ đội Biên phòng thiết lập các chốt kiểm soát, tăng cường kiểm tra đột xuất vào ban đêm, hạn chế tối đa tình trạng vượt biên trái phép và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm khác. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vận chuyển pháo nổ, vận chuyển tiền tệ, lâm sản, khoáng sản, mua bán gia súc trái phép qua biên giới.

Công an xã biên giới góp phần giữ vững chủ quyền

Lực lượng Công an xã tại biên giới không chỉ đối mặt với nguy cơ tội phạm xuyên quốc gia mà còn phải vượt qua địa hình hiểm trở, điều kiện làm việc khắc nghiệt. Họ là những người lính thầm lặng, ngày đêm tuần tra, giữ vững từng tấc đất quê hương, góp phần quan trọng vào sự ổn định và an toàn của đất nước. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các chiến sĩ Công an xã biên giới đang ngày càng chủ động hơn trong cuộc chiến với tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Theo đánh giá chung, do nằm gần với khu vực “Tam giác Vàng” – “công xưởng ma túy” của thế giới nên bên cạnh tội phạm liên quan đến ANTT, Công an xã tuyến biên giới Việt Lào cũng đối mặt với thách thức về sự xâm nhập của tội phạm liên quan đến ANQG.

Tháng 4/2023, Công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phát hiện một người đàn ông không có giấy tờ tùy thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1 nên đã đưa về trụ sở Công an xã để đấu tranh, làm rõ. Danh tính người này ngay sau đó đã được làm rõ, chính là Đường Văn Thái (SN 1982), trú tại thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đây là đối tượng phản động, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước. Tại thời điểm bị phát hiện, Đường Văn Thái đang bỏ trốn tại Thái Lan.

Bên cạnh đó, hằng năm lực lượng Công an cấp xã ở tuyến biên giới Việt – Lào tăng cường phối hợp với lực lượng BĐBP các tỉnh để tham gia tuần tra, kiểm soát quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, nhất là tại các tuyến giao thông trọng điểm từ cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến đường có khả năng xâm nhập trái phép để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Thông qua đó, đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép để tìm việc làm, trong số này có không ít là đối tượng hình sự, tội phạm liên quan đến ANQG.

Nhờ các biện pháp tuần tra gắt gao, siết chặt kiểm soát tại các đường mòn, lối mở và đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu như Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn)... lực lượng Công an xã biên giới đã góp phần đảm bảo an ninh biên giới, chống thất thoát kinh tế do buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Qua đó, góp phần đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ky-3-cong-an-xa-tai-bien-gioi--tuyen-dau-chong-toi-pham-xuyen-quoc-gia-i767710/