Kỳ 3: Cùng con lựa chọn nghề nghiệp
Sau điểm thi, mỗi bạn học sinh không chỉ đi qua một kỳ thi, mà đang đi qua một khoảnh khắc trưởng thành: học cách lắng nghe bản thân, chấp nhận sai lầm và chọn lại con đường phù hợp nhất với chính mình. Không phải ai cũng giữ được ước mơ ban đầu. Nhưng điều quan trọng hơn – là dám đi tiếp, dù bằng một lối nhỏ hơn.
Điểm số không quyết định tất cả, nhưng bắt buộc phải đối diện
Ngồi trước máy tính, có bạn đặt lại nguyện vọng cũ bằng sự tự tin mới, có bạn xóa sạch mọi thứ để viết lại từ đầu. Giữa hàng trăm ngành học, hàng chục ngôi trường, các em đang tự trả lời câu hỏi lớn đầu tiên trong đời: “Mình muốn trở thành ai?”.
Lê Minh Sơn – người từng bật khóc khi thấy điểm 9,5 môn Văn – vẫn kiên định với ước mơ theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Ngoại thương. Dù không đạt điểm tuyệt đối ở các môn khác, cậu vẫn tự tin đăng ký vào nguyện vọng đầu tiên. “Mẹ em bảo: Nếu con thích và có khả năng, hãy mạnh dạn đặt lên trên. Mọi thứ còn lại, bố mẹ sẽ cùng con tính tiếp.”
Ngược lại, Minh A – người từng hụt hẫng với điểm Toán và Tiếng Anh thấp hơn nhiều so với thi thử – đã gấp lại ước mơ cũ. Sư phạm – ngành từng mong theo học – giờ đã nằm ngoài tầm tay. Sau nhiều đêm suy nghĩ, em chuyển hướng sang Ngôn ngữ hoặc Công nghệ thông tin tại các trường đại học có mức điểm thấp hơn. “Em đã không làm tốt trong kỳ thi, nên không thể giữ nguyên kế hoạch cũ. Nhưng em sẽ không bỏ cuộc. Ngành nào em chọn bây giờ phải là nơi để em học lại từ đầu – không áp lực, không so sánh – mà là để đứng dậy thật sự.”
Nguyễn N.L, người đã lặng lẽ gục đầu sau màn hình điểm thi, thì vẫn đang lưỡng lự giữa hai phương án: đăng ký một trường đại học tư thục, hoặc dành một năm để ôn lại và thi lại nhằm theo đuổi ngành Kinh tế em luôn mong muốn. “Em chưa đủ can đảm để quyết ngay. Nhưng em biết mình sẽ không dừng ở đây. Chỉ cần gia đình còn bên cạnh, em tin mình sẽ tìm được con đường phù hợp.”
Cha mẹ không định hướng thay con, mà đi cùng con
Một điều đặc biệt ở những câu chuyện ấy là sự thay đổi trong vai trò của phụ huynh. Nếu trước đây, cha mẹ hay là người chọn trường, chọn ngành, thì giờ đây, họ là người lắng nghe, phân tích và đồng hành.
Có phụ huynh từng âm thầm kỳ vọng con đỗ vào trường hàng đầu, nhưng khi điểm số không như mong đợi, họ không thể hiện sự thất vọng. Thay vào đó là những câu hỏi: “Giờ con muốn học gì?”, “Ngành này hợp với con không?”, “Con cần bố mẹ hỗ trợ gì?”. Và điều các bạn học sinh cảm nhận được rõ nhất không phải là sự trách cứ, mà là sự thừa nhận: con được quyền chọn lại.
Sự tin tưởng đó tưởng chừng nhỏ bé, lại là yếu tố quyết định để các em có thể vực dậy tinh thần. Một câu nói “Bố mẹ luôn ở đây, dù lựa chọn của con có là gì...” có thể thay thế hàng trăm lời động viên sáo rỗng. Vì đôi khi, điều các em cần nhất không phải lời khuyên, mà là một điểm tựa để được tự do mà không đơn độc.
Không có nghề “đúng nhất”, chỉ có nghề “phù hợp nhất”
Khi cánh cửa đại học mở ra không đúng như kế hoạch ban đầu, nhiều em phải lựa chọn trong những phương án từng bị đánh giá thấp hơn. Có ngành học mà trước kia các em cho là tẻ nhạt, bây giờ lại thấy có tương lai rõ ràng hơn. Có trường đại học không nằm trong danh sách mơ ước, nhưng lại có ngành đúng với sở thích. Và có những quyết định nghe có vẻ bất ngờ, nhưng thực chất lại rất tỉnh táo – bởi nó dựa trên hiểu biết, không còn chạy theo cảm tính.
Nhiều em từng nghĩ rằng, học đại học phải học trường danh tiếng. Giờ đây, các em hiểu rằng nghề nghiệp là một hành trình dài, nơi xuất phát không phải yếu tố duy nhất quyết định đích đến. Điều quan trọng là chọn đúng con đường mình muốn đi. Ngành học không cần phải “hot”, không nhất thiết phải theo xu hướng, chỉ cần đủ gần với đam mê, và đủ xa để thách thức bản thân trưởng thành.
Nói với con: Nghề nghiệp là cuộc sống, không phải một bài kiểm tra
Ở kỳ thi vừa qua, có những bài làm điểm rất cao, và cũng có những điểm số gây hụt hẫng. Nhưng sau cùng, không ai nhớ mãi một con điểm. Điều còn lại là cách các em đối diện với thất bại, và cách các em đứng lên chọn lại đường đi.
Không ai buộc một đứa trẻ 18 tuổi phải chọn đúng ngay từ đầu. Nhưng cũng không ai có thể chọn thay các em. Công việc tương lai là cuộc sống của chính các em – nên các em xứng đáng được đặt câu hỏi, được chọn, và được sai. Chỉ cần sau mỗi lần sai, là một lần hiểu mình hơn, hiểu nghề hơn, và đi tiếp bằng sự vững chãi từ bên trong.
Bài học lớn nhất sau kỳ thi có thể không nằm trong đề thi mà nằm ở chính khoảnh khắc này: khi các em, lần đầu tiên, nói rõ với gia đình về ước mơ của mình. Và cha mẹ, lần đầu tiên, không phản bác mà gật đầu đồng hành.
[Hết loạt bài] Cảm ơn các bạn học sinh đã chia sẻ những dòng cảm xúc thật nhất với chúng tôi. Hành trình tuổi 18 có thể không hoàn hảo, nhưng sự dũng cảm của các em đã khiến nó trở thành hành trình đáng trân trọng.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ky-3-cung-con-lua-chon-nghe-nghiep-post1762049.tpo