Kỳ 3: Cuộc 'cách mạng' trên thực địa

Từng ngày một, những bước tiến trong công nghệ quân sự đã tạo ra cuộc 'cách mạng' trên thực địa trong việc robot hóa hoạt động trên chiến trường. Đó là quá trình thử - sai liên tục thông qua những cuộc thử nghiệm tiên phong để robot có thể chiến đấu thực sự bên cạnh con người.

Rà bom bằng robot

Bài viết nhan đề "Chiến trường mới: Những con robot trong chiến tranh" đăng trên Tạp chí Wilson Quarterly của P.W.Singer - cựu chuyên gia thuộc Viện Brookings (Mỹ) - đã khái quát hóa những bước tiến của Quân đội Mỹ trong tham vọng "robot hóa" chiến trường.

Theo Singer, nhu cầu đưa robot vào tham chiến nảy sinh từ đòi hỏi cấp thiết: Giúp binh sĩ tránh xa nguy hiểm khi tham chiến. Khi quân nổi dậy Iraq phục kích lực lượng Mỹ và quân đồng minh bằng những quả bom IED (tên viết tắt chính thức của các thiết bị nổ ngẫu hứng) khiến rất nhiều binh sĩ thiệt mạng vì loại bom được ngụy trang với vẻ ngoài giống những mảnh rác ven đường này. Đó là bài toán đau đầu cho những đội xử lý bom mìn (EOD): Khi người lính đến đủ gần để có thể nhìn thấy những sợi dây báo hiệu nhô ra từ quả bom thì đã quá muộn, họ không còn thời gian để gỡ bom hoặc chạy thật xa. "Bùm!", IED phát nổ tạo thành làn sóng lửa cuốn theo nhiều sinh mạng.

"Trong cái khó bỗng ló cái khôn", Mỹ đã đưa ra được lời giải: Sự ra đời của người máy nặng khoảng 19kg có tên PackBot, với kích thước bằng chiếc máy cắt cỏ, có thể gắn theo tất cả loại máy ảnh, cảm biến cũng như cánh tay linh hoạt với bốn khớp. PackBot di chuyển bằng cách sử dụng bốn "chân chèo", đây là những bánh xích nhỏ có thể xoay trên một trục, cho phép robot này không chỉ lăn, tiến, lùi bằng cách sử dụng các bánh xích như xe tăng mà còn có thể lật bánh xích lên xuống để leo cầu thang, di chuyển qua những tảng đá, chui xuống những đường hầm ngoằn ngoèo, thậm chí là bơi dưới nước. Cái giá mà Mỹ phải trả cho "cảm tử quân" này là 150.000 USD để chế tạo và vận hành.

Trên thực tế, PackBot chỉ là một trong nhiều hệ thống không người lái mới hoạt động trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Khi lực lượng Mỹ tiến vào Iraq năm 2003, họ không có đơn vị robot nào trên mặt đất. Đến cuối năm 2004, con số này lên tới 150 và cuối năm 2005 là 2.400 đồng thời tăng hơn gấp đôi vào năm sau, đến cuối năm 2008 là 12.000 và cứ thế tăng mãi.

Lính Mỹ và một robot trên chiến trường. Ảnh: Wikimedia Commons

Lính Mỹ và một robot trên chiến trường. Ảnh: Wikimedia Commons

Ngày nay, nhiều loại vũ khí không người lái đã phát triển với hình dạng và công năng kỳ lạ: từ súng máy tự động và robot mang cáng cho đến những robot nhỏ bé nhưng lực sát thương cao với kích thước chỉ bằng loài côn trùng, như thể chúng bước ra từ những câu chuyện khoa học viễn tưởng hoang đường nhất.

Những người lính không biết đói

Thế giới của các hệ thống không người lái trong chiến tranh không chỉ giới hạn ở mặt đất, mà còn ở trên không lẫn trên biển và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như nhiều cơ quan chỉ huy quân sự các nước khác khó thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những đội quân người máy này. Đầu tiên chúng giúp cứu mạng sống, kế đến giúp khắc phục những nhược điểm "thâm căn cố đế” của con người.

Gordon Johnson thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng liên hợp của Lầu Năm Góc từng chỉ ra: "Chúng - những robot không biết đói, chẳng biết sợ và không bao giờ quên nhiệm vụ được giao...". Robot đặc biệt hấp dẫn khi thực hiện các vai trò liên quan đến những gì mà mọi người trong lĩnh vực quân sự gọi là "3 chữ D", tức: những nhiệm vụ buồn tẻ (dull), bẩn thỉu (dirty) hoặc nguy hiểm (dangerous).

Chính robot đã giúp lấp vào khoảng trống "3 chữ D" này. Chẳng hạn như khi con người làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, họ cần phải nghỉ giải lao thường xuyên, nhưng robot thì không. Sử dụng thiết bị dò mìn giống như con người, robot ngày nay có thể thực hiện nhiệm vụ tương tự với thời gian được rút ngắn khoảng 4/5 với độ chính xác cao hơn. Các hệ thống không người lái cũng có thể hoạt động trong môi trường "bẩn" như những vùng chiến sự bị bao vây bởi thời tiết xấu hoặc chứa đầy vũ khí hóa sinh.

Vì những lợi ích đó, tác giả P.W.Singer đưa ra thống kê đáng kinh ngạc: Giai đoạn 2002 - 2008, ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng 74%, lên tới 515 tỷ USD, chưa kể hàng trăm tỷ USD chi thêm cho các hoạt động ở Afghanistan, Iraq. Với ngân sách quốc phòng ở mức thực tế cao nhất kể từ năm 1946 (mặc dù tỉ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với tổng sản phẩm quốc nội), chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển robot quân sự cũng như việc mua sắm sau đó đã bùng phát. Ví dụ, số tiền chi cho robot mặt đất đã tăng gần gấp đôi mỗi năm kể từ 2001. "Hãy sản xuất robot nhanh nhất có thể" là câu mà giám đốc điều hành của một công ty sản xuất robot cho biết ông đã được khách hàng ở Lầu Năm Góc yêu cầu sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Kết quả là ngành công nghiệp robot quân sự quan trọng bắt đầu xuất hiện từ sau vụ khủng bố này và liên tục phát triển cho đến nay ở Mỹ với Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc đóng vai trò chủ đạo.

Cùng với những tiến bộ không ngừng của trí tuệ nhân tạo, máy móc có thể sớm vượt qua lợi thế so sánh chính của con người ngày nay. Giờ đây mỗi nhánh của lực lượng vũ trang Mỹ đều đưa ra kế hoạch đầy tham vọng về công nghệ robot. Trên thực tế, các chương trình robot quân sự khác nhau được cho là sẽ kết hợp với nhau trong Hệ thống chiến đấu tương lai (FCS) trị giá 230 tỷ USD. FCS liên quan đến mọi thứ, từ việc thay thế hàng chục nghìn xe bọc thép bằng thế hệ có người lái và không người lái mới, cho đến việc viết khoảng 34 triệu dòng mã phần mềm cho một mạng máy tính sẽ liên kết tất cả chúng lại với nhau. Đó thực sự là một cuộc "cách mạng" trên thực địa!

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-3-cuoc-cach-mang-tren-thuc-dia_167098.html