Quân sự thế giới hôm nay (18-9): Nga sẽ 'chào hàng' tiêm kích Su-75 tại Ấn Độ
Quân sự thế giới hôm nay (18-9-2024) có những nội dung sau: Nga sẽ 'chào hàng' tiêm kích Su-75 tại Ấn Độ, Lục quân Mỹ lựa chọn UAV cho cấp đại đội, New Zealand tiếp nhận máy bay vận tải C-130J-30 đầu tiên.
* Nga sẽ “chào hàng” tiêm kích Su-75 tại Ấn Độ
Bulgarian Military dẫn nguồn từ truyền thông Ấn Độ cho biết, tập đoàn Sukhoi của Nga sẽ đưa tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-75 Checkmate tới triển lãm hàng không Aero India 2025, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 16-2-2025 tại Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka ở miền Nam nước này.
Cũng có thông tin cho rằng, nhà sản xuất Sukhoi còn sẵn sàng cung cấp hợp đồng chuyển giao công nghệ độc quyền để đối tác Ấn Độ sản xuất tiêm kích Su-75 ngay tại nước này. Bulgarian Military nhận định, nếu thương vụ này được xúc tiến, New Delhi vừa có thể tự chủ được máy bay chiến đấu hiện đại, vừa có thể xuất khẩu sang quốc gia khác.
Phía Nga tin rằng, tiêm kích Su-75 là một giải pháp cực kỳ tiết kiệm chi phí cho các quốc gia đang muốn sở hữu máy bay tàng hình thế hệ thứ năm, so với nhiều sản phẩm khác cùng phân khúc. Ước tính, mỗi máy bay Su-75 có giá chỉ từ 30 đến 35 triệu USD.
Trước đây, Moscow và New Delhi từng thực hiện nhiều dự án tương tự, bao gồm hợp đồng sản xuất tiêm kích Su-30MKI tại Ấn Độ.
Tiêm kích Su-75 là máy bay chiến thuật hạng nhẹ, được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57. Theo thông tin được công bố, máy bay trang bị một khoang chứa cho các loại vũ khí không đối không và không đối đất với tải trọng khoảng 7 tấn. Tiêm kích sử dụng một động cơ hiệu suất cao để đạt tốc độ Mach 1,8 (tương đương 2.224 km/giờ) và phạm vi hoạt động 3.000km. Máy bay được thiết kế tích hợp các hệ thống mới nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phòng thủ và chế áp điện tử trên không hiện đại, cùng radar cho phép theo dõi đồng thời 30 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
* Lục quân Mỹ lựa chọn UAV cho cấp đại đội
Defense Update đưa tin, Lục quân Mỹ đã lựa chọn hai hệ thống máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ là Ghost X do hãng Anduril Industries phát triển và C-100 do công ty Performance Drone Works (PDW) cung cấp.
Số lượng mỗi chủng loại và thời gian giao hàng không được tiết lộ, song tổng giá trị hợp đồng ban đầu là 14,4 triệu USD. Chúng sẽ được triển khai tới cấp đại đội của Lục quân Mỹ, phục vụ các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập dữ liệu mục tiêu trong huấn luyện cũng như các hoạt động triển khai tại thực địa.
Động thái này được coi là ví dụ điển hình về nỗ lực của lục quân Mỹ nhằm xây dựng các mẫu UAV tiêu chuẩn cho cấp đại đội. Chúng giúp tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động và khả năng cơ động trên chiến trường của đơn vị bằng cách cải thiện khả năng phát hiện các mối đe dọa, xác định những tuyến đường an toàn và giảm thiểu khả năng tiếp xúc với các mối nguy hiểm. Đồng thời, việc lựa chọn những sản phẩm sẵn có trên thị trường cũng góp phần đáp ứng nhu cầu triển khai hoạt động ngay lập tức của các đơn vị.
UAV Ghost X có ngoại hình khá tương đồng với trực thăng, sử dụng hai cục pin để cung cấp năng lượng trong quá trình vận hành với thời gian bay liên tục khoảng 75 phút, phạm vi 25km và tải trọng tối đa khoảng 9kg. Trong khi đó, UAV C-100 lại mang ngoại hình như bất kỳ UAV thương mại nào khác với việc có 4 cánh quạt thẳng đứng để tạo ra lực đẩy hướng lên; trong đó các cánh quạt có thể gập lại được giúp máy bay nhỏ gọn để vừa trong ba-lô cỡ nhỏ. UAV này có tải trọng tối đa khoảng 4,5kg, phạm vi hoạt động 10km, thời gian bay liên tục khoảng 60-75 phút tùy loại pin sử dụng.
* New Zealand tiếp nhận máy bay vận tải C-130J-30 đầu tiên
Theo Defense News, chiếc đầu tiên trong số 5 máy bay vận tải chiến thuật C-130J-30 Super Hercules đã được bàn giao cho Không quân Hoàng gia New Zealand (RNZAF). Đây là một phần trong kế hoạch cho nghỉ hưu đội máy bay vận tải C-130H Hercules đã phục vụ từ những năm của thập niên 1960.
Ngoài máy bay, Mỹ sẽ cung cấp cho New Zealand các thiết bị hỗ trợ đi kèm, bao gồm động cơ, hệ thống dẫn đường, hệ thống thông tin liên lạc, cảm biến… Bên cạnh đó, Washington cũng giúp đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng C-130J. Dự kiến, New Zealand sẽ tự đào tạo được nhân sự liên quan đến công tác vận hành C-130J từ năm 2026.
Việc thay thế phi đội C-130H được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu được quy định trong Kế hoạch xây dựng năng lực phòng thủ (DCP) của quốc đảo này.
C-130J-30 Super Hercules là biến thể tiên tiến nhất của dòng máy bay C-130 do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo. Được trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt, máy bay có thể đạt tốc độ hơn 670km/giờ, tầm bay trên 5.200km. Với tải trọng tối đa gần 20 tấn, máy bay có khả năng chở theo 92 binh sĩ hoặc 2-3 xe bọc thép Humvee hoặc một xe chiến đấu LAV III hay xe bọc thép M113.
Hiện nay, hơn 400 chiếc C-130J đang được triển khai bởi quân đội các nước đồng minh của Mỹ như Canada, Anh, Australia và Hàn Quốc...
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.