Kỳ 3: Đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững

Với sự đồng thuận của chính quyền và cộng đồng, huyện Ba Bể đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với phát huy tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải, nghề mộc... được đồng bào các dân tộc huyện Ba Bể duy trì để tạo ra sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, huyện Ba Bể đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến đổi mới với một số giải pháp đặt ra như: Ứng dụng công nghệ sinh học để cải thiện giống cây trồng, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Sử dụng hệ thống tưới tiêu hiện đại để tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín, đảm bảo vệ sinh và giảm thiểu dịch bệnh. Sử dụng đa dạng thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để tăng trưởng đàn vật nuôi nhanh chóng, bền vững.

Đồng chí Ma Thị Cử , Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể đánh giá về việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn trong những năm qua.

Đến nay huyện đã thành lập được gần 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ cấp xã, 28 câu lạc bộ và đội văn nghệ cấp thôn, các thành viên đều là người dân tộc; trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng cơ bản được đáp ứng. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao tổ chức nhiều cuộc giao lưu trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để quảng bá giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc dân tộc, giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương với nhiều hình thức đa dạng phong phú.

Nhiều diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Đối với lâm nghiệp, huyện khuyến khích trồng các loại cây lâm sản có giá trị kinh tế cao, phát triển rừng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ. Thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và phòng chống cháy rừng. Chú trọng phát triển chiều sâu những diện tích rừng được giao khoán bảo vệ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người dân.

Kết hợp nông nghiệp và du lịch bằng cách xây dựng các điểm du lịch đón khách tham quan. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp với người dân bản địa như: Trồng lúa, cày bừa, trồng cây, thu hoạch lúa, dệt vải và có thể tự chế biến các món ăn dân tộc… đó là một trong những nét mới được huyện Ba Bể áp dụng trong thời gian gần đây, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Huyện cũng khuyến khích người dân mở các dịch vụ homestay, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương. Vườn quốc gia Ba Bể cũng chú trọng xây dựng những khu vực bảo tồn thiên nhiên, du khách có thể tham quan, nghiên cứu khoa học và trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã. Đặc biệt, hiện nay Vườn đang thực hiện công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) để tạo ra các tour du lịch ảo, giúp du khách có thể trải nghiệm các điểm đến mà không cần di chuyển, đồng thời có sự lựa chọn tour du lịch phù hợp với lộ trình của mình.

Ba Bể là nơi tụ hội, sinh sống của 7 dân tộc anh em, trong đó chiếm đa số là đồng bào dân tộc Tày. Dân số của toàn huyện có trên 53.800 người với gần 12.300 hộ (hộ dân tộc thiểu số có trên 11.700, chiếm hơn 95% dân số toàn huyện). Hiện nay huyện có 2.912 hộ nghèo, chiếm gần 25%.

Ngoài ra, huyện Ba Bể còn chỉ đạo hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận gói hỗ trợ tài chính và vay vốn ưu đãi cho khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch và nông lâm nghiệp. Hỗ trợ cộng đồng, địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức và lợi ích từ du lịch bền vững. Xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên. Bảo đảm lợi ích từ du lịch và nông, lâm nghiệp được chia sẻ công bằng giữa các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương để từ đó hình thành các chuỗi giá trị và phát triển mang tính bền vững./.

(Hết)

Đình Văn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-3-doi-moi-sang-tao-de-phat-trien-ben-vung-post63922.html