Kỳ 3: Hàng ngàn tài khoản Facebook ảo vận hành thế nào?
Sau khi chiếm quyền kiểm soát các tài khoản Facebook, những thành viên trong đường dây lừa đảo bị buộc thay đổi thông tin cá nhân, ảnh đại diện, bài đăng để biến thành vỏ bọc của 'doanh nhân thành đạt' dùng làm công cụ sử dụng để giăng bẫy lừa.
Thủ đoạn này thường được áp dụng trong các đường dây lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia tại Philippines và Campuchia, với mắt xích quan trọng là số "kỹ thuật viên" được giao tạo lập, vận hành hàng ngàn tài khoản Facebook giả để đưa nạn nhân vào tròng. Chọn những tài khoản hoạt động lâu năm, độ tin cậy cao thu mua từ "chợ đen" trên mạng hoặc chiếm đoạt thông qua việc đánh cắp thông tin để kiểm soát bằng cách thay đổi ảnh đại diện, bài đăng, biến tài khoản thành vỏ bọc của "doanh nhân thành đạt" hoặc nhân vật có tầm ảnh hưởng nhằm tạo lòng tin với nạn nhân.
Để tránh bị Facebook phát hiện, các đối tượng trong đường dây lừa đảo sẽ sử dụng phần mềm giả lập, đổi địa chỉ IP, hoạt động tương tác như kết bạn, đăng bài... nhằm giữ cho tài khoản luôn tồn tại; trường hợp bị Facebook vô hiệu hóa, "kỹ thuật viên" sẽ khôi phục hoặc tạo mới với giao diện, hình ảnh tương tự để tiếp cận nạn nhân khác mà không bị nghi ngờ.
Cứ thế hàng ngàn tài khoản Facebook ảo được vận hành bài bản hỗ trợ đắc lực cho các nhóm "kỹ thuật viên" lừa đảo thực hiện nhiều kịch bản tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, nổi lên trong số này là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử bitcoin và lừa đảo trên TikTok.

Các nạn nhân tại nơi trú ẩn ở tỉnh Tak, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Với TikTok, nhóm đối tượng hướng dẫn khách xem video các sản phẩm hoặc nhãn hàng nổi tiếng và được nhận tiền trước khi mời họ nạp tiền đầu tư. Đến khi thấy khách hết khả năng, nhóm này sẽ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền. Riêng với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền điện tử bitcoin, các đối tượng lập tài khoản Facebook ảo, vào vai "doanh nhân thành đạt", giả làm phụ nữ phương Tây giàu có để dụ dỗ cánh đàn ông đầu tư vào tiền điện tử và câu nhử bằng cách cho hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, lúc đầu nạn nhân được phép rút cả gốc lẫn lãi, cho đến khi khoản đầu tư ngày càng "phình ra", các thành viên trong nhóm sẽ viện nhiều lý do để yêu cầu nộp thêm tiền trước khi chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ khoản đầu tư của họ.
Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền, năm 2023 có hàng trăm ngàn người bị các băng nhóm tội phạm cưỡng ép tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến trên khắp Đông Nam Á, nhất là sau khi nhiều casino bị thu hẹp do đại dịch Covid-19. Mức độ tàn bạo ngày càng tăng khi các khu phức hợp lừa đảo trực tuyến bị truy quét khỏi Campuchia và Lào. Từ đó, chúng chuyển sang những vùng lãnh thổ mà luật pháp không thể kiểm soát ở Myanmar, được xem là một phần của ngành "công nghiệp tội phạm" trị giá hàng tỷ đôla mỗi năm, với khả năng mở rộng quy mô hoạt động một cách dễ dàng đồng thời tiếp cận hàng triệu nạn nhân qua hình thức trực tuyến, mà không cần phải buôn bán bất hợp pháp qua biên giới, tất cả chỉ gói gọn trong những tòa nhà khang trang phủ đầy song sắt. "Nhiều người đã bị đánh đến chết trong những khu phức hợp khét tiếng như nhà tù mọc lên ngày càng nhiều tại Lào, Campuchia và Myanmar, cảnh tượng rất kinh hoàng và có người từng nghĩ đến việc tự tử", một số nạn nhân kể.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai, loại hình tội phạm xuyên quốc gia này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nhiều nước, vì thế nếu không truy quét tận gốc thì chẳng bao giờ loại tội phạm này biến mất, mà chỉ đơn giản là di cư từ nơi này sang chỗ khác...