Kỳ 3: Kênh Tân Hóa - Lò Gốm 'lột xác', phận người được sang trang
Từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường và lấn chiếm bậc nhất ở khu vực Tây Nam TP, nhắc đến Tân Hóa - Lò Gồm (TH - LG), người ta không khỏi ám ảnh về một 'con kênh nước đen, nhuốm mùi hôi thối, rác trôi lềnh phềnh…'. Hàng ngày, con kênh này phải oằn mình 'uống' không biết bao nhiêu nước thải và rác từ cuộc sống thường nhật của hàng chục ngàn hộ dân, cùng hàng trăm nhà máy xí nghiệp, cơ sở gia công... Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo TP, kênh TH - LG đã được 'phẫu thuật' và 'thay da đổi thịt' một cách ngoạn mục, vạn phận đời đã được sang trang.
Ám ảnh dòng "kênh chết"
Kênh TH - LG có tổng chiều dài 7,24km đi qua 4 quận gồm: Tân Bình, Tân Phú, Q11 và Q6, độ sâu của kênh từ 0,5 - 1,5m ở thượng lưu và từ 2 - 3m ở cửa kênh, độ rộng trung bình từ 5 - 8m. Hơn chục năm về trước, con kênh này là một "điển hình" về ô nhiễm và lấn chiếm.
Đi từ xa, người ta dễ dàng nhận ra mùi hôi thối của kênh TH - LG xộc lên nồng nặc. Nhớ về quãng thời gian sống chung với "con kênh nước đen", ông Trương Văn Hiền (75 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) kể, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, nước kênh TH - LG trong xanh, mát rượi, có nhiều tôm cá, nước kênh có thể dùng cho tắm rửa sinh hoạt. Tuy nhiên, đến những năm 1990, hàng vạn người di cư đến đây xí đất, dựng nhà làm ăn buôn bán, chẳng mấy chốc hai bên bờ kênh đã có hàng ngàn căn chòi cùng những căn nhà chồ tự phát mọc lên như nấm. Năm 1996, hai bên bờ kênh có khoảng 2.500 nhà dân lấn chiếm. Nhiều căn nhà tuềnh toàng, xập xệ nhưng chứa gần chục con người sống lúc nhúc bên trong, có nhà còn đóng cọc lấn ra giữa dòng khiến con kênh bị "thắt cổ chai", dòng chảy tắc nghẽn.

Sau khi được cải tạo, kênh Tân Hóa - Lò Gốm được "khoác lên mình chiếc áo mới" - Ảnh: CTV
Tương tự, bà Trần Thị Út (68 tuổi, ngụ Q6) kể, ngày trước, đường Lò Gốm chạy dọc bờ kênh nhỏ như một con hẻm, mặt đường đầy "ổ gà”, "ổ trâu", xe đạp, xe máy đi lại còn khó, nói chi đến ôtô, xe tải. Hồi ấy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, bao nhiêu rác, nước thải sinh hoạt hàng ngày đều được người dân xả thẳng xuống kênh. Rác ngày một nhiều mà xe gom rác thì không vào được, lâu ngày ùn ứ lại thành đóng. Tại một số chỗ, người ta có thể đi trên rác từ bên này bờ kênh sang bên kia bờ khá dễ dàng. Từ những đống rác này, chuột bọ hoành hành, muỗi mòng phát triển vô tội vạ, cộng với mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống của người dân khổ sở.
Không những vậy, hai bên bờ kênh còn có hàng ngàn nhà máy xí nghiệp, xưởng dệt, xưởng nhuộm, làm nhựa, hóa màu, cao su, gia công, sản xuất lương thực thực phẩm..., trong đó có không ít cơ sở bị liệt vào "danh sách đen" về ô nhiễm. Họ không chỉ gây ra tiếng ồn mà còn trực tiếp xả thải ra môi trường khiến con kênh chẳng mấy chốc bị "tắt thở". Vào mùa nắng nóng, hơi nước hôi thối từ dòng kênh bốc lên khiến người dân sinh sống hai bên bờ khốn khổ. Người lạ đến khu vực này không quen mùi là nôn ói như chơi. Vào mùa mưa, dòng chảy bị tắc nghẽn, tại nhiều chỗ đường sá biến thành sông và trở thành một trong những "rốn ngập" nhức nhối của TP. Khổ nhất là những hôm mưa lớn cộng với triều cường, cả khu vực bị nhuốm một màu đen ngòm, thối hoắc. Từ những trận "thủy triều đen" này mà xóm nhà chồ hai bên kênh TH - LG còn được gọi là "xóm nước đen".
Cũng theo bà Út, do sống trong môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, không ít người bị mắc các chứng bệnh về hô hấp, da liễu, ghẻ lở, ngứa ngáy. Nhà cửa thì lụp xụp, người lớn không có công ăn việc làm ổn định, nhiều đứa trẻ lớn lên vướng vào tệ nạn hút chích, cờ bạc..., cuộc sống tưởng chừng không bao giờ khấm khá lên được.
Theo số liệu nghiên cứu vào năm 1996 cho thấy, ở các cửa kênh, ngoài mùi hôi thối còn có mùi chua nồng của các loại hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp. Tại khu vực Tân Hóa, nước có màu vàng gạch cua, còn ở khu vực Lò Gốm, nước có màu đen sậm. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước rất thấp. Trên mặt nước có nhiều váng phèn, đáy kênh bị yếm khí. Đối với hàm lượng chất rắn lơ lửng, vào mùa khô cao hơn 2 - 3 lần, mùa mưa cao hơn 5 - 8 lần so với nhiều khu vực khác. Hàm lượng nitơ và phốt pho cũng rất cao, trong đó nitơ chiếm từ 3 - 5mg/l, phốt pho chiếm từ 0,3 - 0,5mg/l. Các loại kim loại nặng như: thủy ngân, chì đều vượt quá Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường năm 1995 (TCVN 5942) đối với nước thải, nước bề mặt.
Nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy vực. Số lượng tảo trong nước chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ 50.000 tế bào/m3; động vật ở mức ít đến trung bình, chỉ 100 - 1.000 con/m3, hầu như không có động vật đáy. Nguồn nước ô nhiễm đã hủy diệt nhiều loài động, thực vật, dẫn đến giảm khả năng tự làm sạch môi trường nước và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tầng nông. Vì vậy, cải tạo kênh TH - LG và ngăn chặn ô nhiễm môi trường là việc làm cấp bách của TP.
"Phẫu thuật" dòng kênh, phận đời sang trang
Ngày 19/6/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 752/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đến năm 2020 đã đưa kênh TH - LG là 1 trong 3 lưu vực được ưu tiên cải tạo. Từ đây, hành trình "phẫu thuật" con kênh này được bắt đầu.
Tháng 12/2011, dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh TH - LG được khởi công. Theo kế hoạch, kênh TH - LG được cải tạo theo dạng kênh hở kè đá mái dốc, đường tường chắn và cống hộp, tất cả đều được làm bằng bê tông cốt thép, đường thảm nhựa chạy dọc hai bên kênh, xây dựng các cầu và cảnh quan hai bên bờ kênh. Để chuẩn bị dự án, 2.200 hộ dân đã bị giải tỏa, trong đó có 1.300 hộ bị giải tỏa trắng. Dự án do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM làm chủ đầu tư.
Kết quả, sau 10 năm xây dựng, đã có hơn 11,8km đường giao thông được làm, 11 cây cầu bắc qua kênh nhằm tăng vẻ mỹ quan và giải quyết giao thông cho cộng đồng; hệ thống chiếu sáng công cộng và tín hiệu giao thông hiện đại được lắp đặt, vận hành từ trung tâm điều khiển; 4 khu cảnh quan với tổng diện tích 14.120m2 được bố trí dọc 2 bên kênh nhằm tạo không gian vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng; gần 8km cống bao, cống nhánh thu gom nước thải có đường kính từ D300 đến D1.800 được lắp đặt phục vụ thu gom, kiểm soát tình trạng ngập lụt của lưu vực TH - LG; nạo vét 300.000m3 bùn, khơi thông dòng chảy, tạo sự thông thoáng môi trường, không khí trong lành; 48 giếng tách dòng được đầu tư xây dựng, phục vụ tách hệ thống nước thải và nước mưa để thu gom vào hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn riêng biệt, tránh xả thải ra kênh gây hại môi trường, xây dựng trạm bơm nâng áp và một trạm bơm chuyển tiếp.
Ngồi hóng mát trên bờ kênh và ngắm đám trẻ con tung tăng thả diều, ông Nguyễn Văn Hiếu (65 tuổi, ngụ Q6) không giấu được niềm vui: "Ngày xưa khi thấy con kênh ngập trong ô nhiễm, không ai dám tin có ngày nó được "lột xác" ngoạn mục như hôm nay. Bây giờ ngắm dòng kênh hiền hòa, thuyền bè xuôi ngược, đôi bờ được xây dựng khang trang hiện đại, giúp người dân đi lại thuận tiện, trẻ con có chỗ nô đùa, người lớn có nơi thư giãn, luyện tập thể dục thể thao và tận hưởng không gian thoáng đãng, không khí trong lành khiến ai nấy đều phấn khởi".


Người dân phấn khởi khi có không gian thoáng đãng để thư giãn, tập thể dục thể thao
Không chỉ cơ sở hạ tầng, môi trường sống và không gian được cải thiện rõ rệt, dự án còn tạo nguồn quỹ gần 350 tỷ đồng để hỗ trợ người dân sử dụng nước sạch, sửa chữa nhà ở, đặc biệt giúp người dân vay vốn làm ăn..., góp phần chuyển biến tích cực về trật tự xã hội, sức khỏe và cơ hội mưu sinh của người dân bị ảnh hưởng.
Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì.
Bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cơ quan tài trợ vốn cho dự án nhận xét, dự án không chỉ là một điển hình xuất sắc về nâng cấp đô thị mà còn được thực hiện trong một thời gian kỷ lục, chỉ bằng 1/3 thời gian của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thông qua dự án này, TPHCM là một điển hình tốt cho các địa phương khác của Việt Nam về tăng trưởng xanh thông qua cam kết sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường.
(Còn tiếp...)