Kỳ 3: Những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện
Mặc dù ích lợi của xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành giá dịch vụ thoát nước rất rõ ràng và Nghị định 80/2014/NĐ-CP đã được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay số tỉnh thuộc nhóm 1 (mới chỉ áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường) vẫn là phổ biến. Nhiều địa phương vẫn chưa quyết tâm triển khai thực hiện và ban hành giá dịch vụ thoát nước. Có thể kể đến những bất cập/khó khăn như sau:
Nhận thức của Chính quyền các cấp trong việc nghiêm túc thực hiện Nghị định 80/2014/NĐ-CP chưa cao. Nhiều thành phố/đô thị mặc dù đã có hệ thống thoát nước khá hoàn chỉnh và đồng bộ nhưng vẫn không tổ chức xây dựng giá dịch vụ thoát nước. Theo thống kê vẫn còn đến 2/3 số lượng các tỉnh chưa tổ chức nghiên cứu hoặc ban hành giá dịch vụ thoát nước cho các đô thị trên địa bàn mình quản lý.
Liên quan đến các văn bản quy định: (1) Về tổ chức thu/ phương thức thu phí (Nghị định 5/2020/NĐ-CP) và thu tiền dịch vụ thoát nước (Nghị định 80/2014/NĐ-CP) chưa thống nhất. (2) Thiếu hoặc không đầy đủ định mức kinh tế/ kỹ thuật, định mức đơn giá/chi phí cho tất cả các hạng mục của hệ thống thoát nước (bao gồm mạng lưới và các công trình đầu mối) làm cơ sở cho việc lập dự toán cho các hoạt động của hệ thống thoát nước, xác định chi phí và xây dựng giá. (3) Điểm 4 Điều 3 Thông tư số 13/2018/TT-BXD về Giá dịch vụ thoát nước xác định chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) - khi triển khai thực hiện gặp khó khăn (thuế VAT có thu hay không và nếu thu là bao nhiêu %) và ngay tại Thông tư này cũng có một số điểm bất cập cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung mới có tính khả thi.
Tại các đô thị thiếu các dữ liệu về hiện trạng hệ thống thoát nước (tình trạng hoạt động của hệ thống thoát như chiều dài, đường kính cống thoát nước, số lượng và kích thước hố ga, quy mô nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm…). Chính quyền tại nhiều đô thị hầu như không có hồ sơ tài sản hệ thống thoát nước, không biết hệ thống thoát nước có những gì, giá trị đầu tư là bao nhiêu, chất lượng còn bao nhiêu %... Điều này gây trở ngại cho công tác quản lý tài sản, xác định khối lượng công việc, chi phí vận hành làm căn cứ xác định giá dịch vụ thoát nước.
Theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm” (quy định tại khoản 2 Điều 3 NĐ 80/2014/NĐ-CP), việc chung tay của người dân giúp giảm áp lực cho ngân sách, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị để quay lại phục vụ tốt hơn cho môi trường sống và sinh hoạt của người dân, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng nếu làm tốt công tác này thì công tác triển khai giá dịch vụ thoát nước sẽ hiệu quả hơn và đạt được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên trong thời gian qua chúng ta chưa làm tốt công tác này.
Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp. Việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Ban hành và tổ chức thực hiện Giá dịch vụ thoát nước tại các đô thị giúp làm tăng nguồn thu cho hoạt động thoát nước, góp phần thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ thoát nước, giảm trợ cấp của ngân sách Nhà nước đồng thời nâng cao ý thức và tăng cường trách nhiệm của người dân.
Các bất cập/khó khăn cần được tháo gỡ, các ý kiến đóng góp cần được giải thích đầy đủ trên cơ sở pháp lý, có lý có tình; công khai, minh bạch việc thu, sử dụng các nguồn thu qua đó mới tạo được sự đồng thuận từ đó mới thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Hy vọng sự vào cuộc của các cấp, ngành hoạt động của ngành nước tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Vẫn còn đến 2/3 số lượng các tỉnh chưa tổ chức nghiên cứu hoặc ban hành giá dịch vụ thoát nước cho các đô thị trên địa bàn mình quản lý.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng