Kỳ 3: Phát huy vai trò sức mạnh toàn dân
Khi cháy nổ xảy ra, lực lượng dân phòng thường xuyên có mặt đầu tiên ở hiện trường và trực tiếp tham gia công tác chữa cháy. Xác định được vai trò quan trọng của lực lượng này, thời gian qua, việc xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng tham gia phòng cháy, chữa cháy được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Huy động lực lượng tại chỗ
Những năm gần đây, Hà Nội đang trong quá trình phát triển, hội nhập về kinh tế, xã hội. Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa cũng tăng nhanh với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng. Song chính điều này cũng kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ.
Thực tế, trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản. Nhận thức được những mối nguy hiểm đó, thành phố đã thường xuyên quan tâm, xây dựng các lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy như: Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, lực lượng dân phòng, lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sở và lực lượng Phòng cháy chữa cháy chuyên ngành.
Nhất là từ khi Luật Luật Phòng cháy chữa cháy ra đời năm 2001 thì nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành tại Hà Nội đối với công tác này cũng được nâng cao. Các cấp chính quyền Thành phố đã quan tâm đầu tư kinh phí và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cho các lực lượng nòng cốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, toàn thành phố đã triển khai thành lập 30 đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các quận, huyện, thị xã và 7 đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nhận tin báo và điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy đến những địa điểm xảy ra cháy nổ ở xa trụ sở chưa được kịp thời và hiệu quả.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng như người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy, không hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc đầu tư cho hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, đối phó, còn nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy chậm được khắc phục. Công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nắm địa bàn, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy còn chậm và để lọt, để sót…
Chú trọng lực lượng dân phòng
Trong các cuộc tập huấn phòng cháy chữa cháy, Đại úy Đỗ Hòa- Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy – Bộ Công An đã nhấn mạnh: “Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản. Thế nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển rất lớn, việc tổ chức chữa cháy trở nên rất khó khăn và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng”.
Thực tiễn đã chứng minh, công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy đó là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Trước thực trạng đó, để hạn chế những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra, Hà Nội đã chủ trương củng cố, nâng cao chất lượng các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở để thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. Đến nay, về cơ bản mỗi thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội đều đã thành lập đội dân phòng.
Để phát huy vai trò của lực lượng này, biến lực lượng trở thành nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu dân cư, thời gian qua lực lượng công an các địa phương đã rất tích cực, thường xuyên tổ chức hội thao, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, đầu tư xây dựng lực lượng dân phòng làm nòng cốt.
Kết quả là, mỗi năm lực lượng dân phòng đã kịp thời phát hiện và dập tắt tại chỗ trên 50% số vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra, ở nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động phòng cháy chữa cháy tại địa bàn cơ sở.
Đơn cử, tại quận Bắc Từ Liêm - một trong những địa bàn rất chú trọng công tác bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, kiến thức phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng ở cơ sở. Hiện nay, với 641 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó 437 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao và nhiều loại hình cơ sở khác cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hầu như địa bàn không xảy ra cháy lớn, tình hình cháy nổ trên địa bàn giảm so với những năm trước.
“Trong năm 2018 xảy ra trên 80 vụ cháy nhỏ, nguyên nhân chủ yếu do chập điện, hầu hết đều được phát hiện và xử lý kịp thời. 9 tháng đầu năm 2019, số lượng cháy cũng giảm, chủ yếu là cháy nhỏ đã được xử lý tại chỗ. Có được kết quả này là nhờ lực lượng dân phòng cơ sở đã thực sự được phát huy hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy” – ông Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết.
(Còn nữa)
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-phat-huy-vai-tro-suc-manh-toan-dan-97020.html