Kỳ 3: Sáng mãi tinh thần 'Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an'

Hình ảnh chiến sỹ Công an nhân dân căng mình hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong bão lũ, cứu nạn cứu hộ, trực chiến 24/24 giờ, luôn có mặt kịp thời 'lúc dân cần, lúc dân khó', đặc biệt tinh thần không quản ngại hiểm nguy, xông pha để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn nhất, gian khổ nhất, nêu cao nghĩa cử 'tình dân tộc, nghĩa đồng bào'…đã khắc sâu vào trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam.

Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, lao ra giữa dòng nước lũ trở thành câu chuyện đẹp được lan tỏa khắp các nền tảng mạng xã hội và thu hút hàng triệu lượt yêu thích, bình luận ngợi ca. Chia sẻ với chúng tôi trong lúc làm nhiệm vụ, Thượng úy Tường khi ấy giọng vừa run run, vừa cảm thấy may mắn.

"Trên tuyến đường xuống sông Nho Quế chiều 10/6, nước lúc đó chảy xiết, cuốn 3 người dân về phía hạ nguồn. Khi nhìn thấy, tôi vội nhảy từ trên máy xúc xuống, dùng hết sức lực kéo họ vào bờ. Tôi không nghĩ mình đã làm được như thế, nếu chậm hơn, bị trôi thêm 20 - 30m nữa có lẽ sẽ không cứu được...", Thượng úy Tường kể lại.

Ba người dân được anh Tường cứu là anh Sùng Mí Dính (sinh năm 1981) và vợ là chị Vừ Thị Thò (sinh năm 1980), cùng con trai Vừ Mí Pó (sinh năm 2005). Thời điểm đó, nhiều khu vực thuộc các huyện vùng cao nguyên đá bị chia cắt do lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng.

Thượng úy Tường cùng tổ công tác tăng cường trực xuyên ngày đêm, trực chốt tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở để hỗ trợ du khách, người dân và cảnh báo không qua lại, đặt biển chỉ dẫn, căng dây cảnh báo và chốt chặn tại đầu tuyến đường xuống sông Nho Quế và 3 xã biên giới. “Thời điểm lao ra cứu dân, trên người tôi khoác áo mưa, dây phản quang mà không mặc áo phao. Nước lúc đó chảy rất xiết, nếu không đứng vững, tôi và người dân có thể bị cuốn đi", Thượng úy Tường nhớ lại.

Hành động của Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường một mặt là thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an nhân dân, nhưng cũng thể hiện tinh thần không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Khi được hỏi có run sợ lúc ra quyết định cứu người hay không?, anh bảo, trong đầu chỉ có phản xạ duy nhất là lao ra cứu dân.

Với hành động dũng cảm cứu người giữa dòng nước lũ, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường đã được trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Là một trong 20 Thanh niên sống đẹp năm 2024 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tuyên dương, Thiếu úy Bàn Văn Lư - Phó Bí thư Chi đoàn, Công an xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cảm thấy bất ngờ vì những việc làm của mình lại được vinh danh.

Thiếu úy Bàn Văn Lư (ngoài cùng bên phải)

Thiếu úy Bàn Văn Lư (ngoài cùng bên phải)

Anh Lư nhớ lại, khoảng 13 giờ ngày 6/8, nhận được tin báo có người kêu cứu tại điểm sạt lở Km 67 + 100, thuộc địa phận thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên trên tỉnh lộ 153 (Bảo Yên - Bắc Hà), anh nhanh chóng xin ý kiến chỉ đạo, khẩn trương xuống hiện trường.

Khi đến hiện trường, anh Lư thấy đất đá trên núi cao có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Quan sát và tìm kiếm xung quanh, anh nghe thấy tiếng kêu cứu của nạn nhân là anh Nguyễn Văn Trung (trú ở thôn Nà Phát, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) khi bất ngờ bị đất, đá từ trên sườn đồi sạt xuống vùi lấp cả người và xe máy.

Tại khu vực sạt lở, anh Trung bị đất sạt đẩy văng rơi xuống vực, cách mặt đường khoảng 20m. Trong tình huống nguy cấp, anh Lư cùng Trung úy Mông Văn Anh lập tức tìm đường xuống khu vực đất đá sạt lở, khẩn trương đưa nạn nhân lên đường.

Sau đó, thấy vết thương ở hai chân anh Trung đang chảy rất nhiều máu, vùng lưng bụng bị trầy xước; các anh đã trực tiếp chở nạn nhân đến Trạm Y tế xã Tân Tiến sơ cứu, xử lý vết thương tạm thời. Chẩn đoán ban đầu, nạn nhân bị chấn thương ở 2 bắp chân và vùng bụng, lưng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

“Sau đó, tôi quay lại hiện trường tiếp tục quan sát, tìm kiếm xung quanh hiện trường xem còn nạn nhân nào nữa hay không, đồng thời cảnh báo người dân không được đi qua khu vực đất đá sạt lở, và phân luồng giao thông”, anh Lư nhớ lại.

Chia sẻ về tình huống đó, Thiếu úy Lư nói chắc nịch, ai ở tình huống tương tự cũng sẽ hành động như vậy thôi. “Tôi luôn được theo dõi những hành động dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Chính điều đó đã thôi thúc tôi muốn tham gia lực lượng để cống hiến cho đất nước, giúp đỡ nhân dân như một sứ mệnh đã khắc ghi trong tâm khảm”, chàng Thiếu úy trẻ nói.

Vinh dự được là một trong số ít đoàn viên, thanh niên lực lượng vũ trang nhận được danh hiệu “Thanh niên sống đẹp”, anh Lư quan niệm, sống đẹp bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất. Khi nào dân khó, dân cần, mình có mặt.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trung đến trụ sở Công an xã Tân Tiến để cảm ơn Trung úy Mông Văn Anh và Thiếu úy Bàn Văn Lư (bên phải)

Gia đình anh Nguyễn Văn Trung đến trụ sở Công an xã Tân Tiến để cảm ơn Trung úy Mông Văn Anh và Thiếu úy Bàn Văn Lư (bên phải)

Có lẽ với Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường hay Thiếu úy Bàn Văn Lư, họ bảo vệ và cứu giúp người dân không chỉ là trách nhiệm mà là sứ mệnh từ trái tim, là sự dấn thân không đòi hỏi sự đền đáp, là ý chí vững vàng trước hiểm nguy. Những hành động đó vượt xa ý nghĩa của một tấm huy hiệu hay lời khen ngợi, là nguồn động lực nuôi dưỡng tình yêu nước và lòng nhân ái trong trái tim mọi người.

Chúng ta cũng sẽ nhớ mãi tấm gương sẵn sàng xả thân, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trong cơn bão Yagi vừa qua. Đó là Trung tá Trần Quốc Hoàng (SN 1987, quê Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Hôm ấy (đêm 7/9), bão lớn đã gây mưa to và mất điện tại khu vực, nước từ núi tràn vào Phân trại số 2, thuộc xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gây ngập lụt và có nguy cơ lũ quét. Các cán bộ chiến sĩ Trại giam Quảng Ninh đã nhanh chóng di chuyển phạm nhân lên sàn tầng 2 để đảm bảo an toàn.

Dù đã có các biện pháp ứng phó, nhưng nước dâng lên quá nhanh. Vào khoảng 1h ngày 8/9, Trung tá Hoàng đã dũng cảm vượt qua điều kiện mưa bão để mở cổng phía sau trại giam nhằm tháo nước, bảo vệ đồng đội và phạm nhân. Tuy nhiên, do nước lũ chảy xiết, anh đã bị cuốn trôi.

Theo Thượng tá Đồng Đức Vũ - Trưởng Ban Thanh niên Công an nhân dân, trong đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, chúng ta được chứng kiến nhiều ảnh đẹp, xúc động “vì nhân dân phục vụ” của tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng CAND nói riêng.

Trong đó, hình ảnh đoàn viên, thanh niên CAND căng mình hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong bão lũ, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, trực chiến 24/24 giờ, luôn có mặt kịp thời khi “dân cần, dân khó”, đặc biệt không quản ngại hiểm nguy, xông pha thực hiện các nhiệm vụ khó khăn nhất, gian khổ nhất, nêu cao nghĩa cử “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” với nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa…

Đây chính là những minh chứng sống động, rõ nét khẳng định vai trò, trách nhiệm của thanh niên CAND, đồng thời khắc họa và làm sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng của lực lượng CAND trong thời bình.

Sự hy sinh anh dũng của Trung tá Trần Quốc Hoàng khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong cơn bão Yagi cũng như nhiều tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trẻ tuổi khác, đã góp phần khắc họa rõ nét hơn, tô thắm hơn truyền thống anh hùng, vẻ vang và phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ Công an nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, lực lượng CAND là lực lượng “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ”. Chính vì vậy, nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình, được cống hiến và trưởng thành trong thực tiễn học tập, rèn luyện, công tác, chiến đấu, trên từng lĩnh vực, từng vị trí công tác, thanh niên CAND luôn nêu cao lý tưởng thiêng liêng, cao cả đó.

Tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” vì thế luôn thấm nhuần trong nhận thức, hành động, trở thành “kim chỉ nam” nhắc nhở cán bộ, đoàn viên thanh niên CAND luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, gần dân, trọng dân, coi việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm và niềm vui, hạnh phúc của mình.

“Mỗi thành tích, mỗi chiến công của thanh niên Công an nói chung, của các gương thanh niên tiêu biểu nói riêng, tuy ở mức độ khác nhau, lĩnh vực khác nhau nhưng đều là sản phẩm kết tinh của nhiệt huyết, của sức trẻ, của sự kiên trì học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là động lực quan trọng, thôi thúc mỗi đoàn viên thanh niên hôm nay tiếp tục rèn luyện, nỗ lực, cống hiến và trưởng thành”, Thượng tá Đồng Đức Vũ nói.

Để tiếp tục khẳng định những cống hiến, đóng góp xứng đáng của các thế hệ thanh niên Công an trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như tiếp tục phát huy vai trò xung kích đi đầu của tuổi trẻ Công an nhân dân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo Trưởng Ban Thanh niên Công an nhân dân, các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua và hành động cách mạng của tuổi trẻ Công an phải thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên Công an trên các lĩnh vực công tác; đi đầu trong xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nghiêm điều lệnh; nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, tinh thần tận tụy với công việc và kiên quyết tấn công tội phạm.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên Công an phải luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải tích cực tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng; nâng cao trình độ, năng lực công tác; rèn luyện các kỹ năng trong công tác và cuộc sống, từng bước hiện thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới với “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”. Đó cũng chính là những giải pháp thiết thực, cụ thể, góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò của thanh niên Công an trong tình hình hiện nay.

Nội dung: Châu Linh | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-3-sang-mai-tinh-than-luc-dan-can-luc-dan-kho-co-cong-an-post1693336.tpo