Vì sao điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt?

'Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt', đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong hội thảo được tổ chức tại Hà Nội về 'Sản xuất phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học'. Làm sao để nâng tầm những bộ phim về đề tài lịch sử để hấp dẫn người xem, góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử Việt đến giới trẻ và ra thế giới?

Các nhà làm phim mang nỗi sợ mơ hồ về đề tài lịch sử

Nhìn lại lịch sử nền điện ảnh nước nhà, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công có thể kể đến các phim: "Chị Tư Hậu" (từ truyện ngắn "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Bùi Đức Ái); "Con chim vành khuyên" (từ truyện ngắn "Câu chuyện một bài ca"); "Mẹ vắng nhà" (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); "Bến không chồng" (từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng); "Mê Thảo - thời vang bóng" (từ truyện "Chùa Đàn" của nhà văn Nguyễn Tuân)... Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam có những tác phẩm ghi dấu ấn như: "Sao tháng Tám", "Hà Nội mùa đông năm 46", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"... Điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như: "Những người viết huyền thoại", "Mùi cỏ cháy", đặc biệt gần đây là "Đào, phở và piano"...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, so với nhu cầu thực tế, điện ảnh Việt vẫn thiếu những bộ phim hay về đề tài lịch sử, nếu không nói là điện ảnh Việt "quá nghèo nàn" dòng phim này.

"Hiện tại Việt Nam vẫn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử và đó là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài nhiều hơn", ông Đông nói.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (ngồi giữa) phát biểu tại hội thảo chủ đề "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (ngồi giữa) phát biểu tại hội thảo chủ đề "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim - cho rằng, Mỹ, Hàn Quốc là hai nền điện ảnh có nhiều phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có phim lịch sử thành công bậc nhất thế giới.

Ông chia sẻ mỗi khi xem các phim của họ nói riêng hay phim lịch sử, chuyển thể văn học nói chung, ông đều nghĩ đến cốt truyện, luôn tìm lại bản gốc hoặc tìm hiểu sự thật lịch sử để mở rộng thông tin, kiến thức. Ông từng đọc một nghiên cứu cho rằng các phim chuyển thể từ "Tam quốc diễn nghĩa" của Trung Quốc có ít nhất khoảng 200 chi tiết thay đổi so với lịch sử. Vì thế, ông khẳng định: "Không phải người Việt, khán giả trẻ Việt không thuộc văn hóa hay lịch sử Việt Nam, không yêu thích lịch sử Việt Nam mà bởi điện ảnh chúng ta chưa làm được điều đó. Các nhà làm phim Việt tôn trọng quá mức, ý tứ quá với tác phẩm văn học. Các nhà làm phim Việt cũng mang một nỗi sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử. Chúng ta có thể lấy lịch sử của thời đại, câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử đó nhưng có quyền tưởng tượng ra một đời sống khác để sáng tạo".

So sánh với Trung Quốc, họ có những nhân vật bước ra từ điện ảnh, dù "không phải là người Việt Nam, không thuộc văn hóa Việt Nam, dòng máu Việt Nam, lịch sử Việt Nam vẫn được các bạn trẻ Việt Nam yêu thích. Chúng ta chưa làm được điều đó", nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định. Theo ông, khi có một kịch bản hay, một đề tài hay thì những nhà làm phim phải sáng tạo hết mình và tin vào con đường sáng tạo của họ. Các nhà quản lý cũng nên đổi mới trong tư duy và cả người xem cũng cần mở rộng mình để tránh cái nhìn hạn hẹp, thô thiển.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, bên cạnh một sự thật để nói đúng những gì, ai, cái gì đã xảy ra (được đề cập trong văn liệu, sử liệu), vẫn có một sự thật khác có thể kể bằng nội tâm, cảm xúc. "Đây là phần sự thật không được nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ trong lịch sử, là "đất" để các nhà làm phim sáng tạo. Song, không ít người xem phim khai thác đề tài lịch sử làm phim tài liệu. Chính điều đó "bó tay bó chân" nhà làm phim khi họ muốn sáng tạo", đạo diễn nói.

Cần phá bỏ những rào cản

Ngoài những hạn chế về sự sáng tạo, đổi mới tư duy về dòng phim lịch sử, thì phim về đề tài lịch sử còn gặp phải những vướng mắc về chính sách, tài chính, thuế khiến chất lượng phim chưa được nâng cao.

Một cảnh trong phim “Đào, phở và piano”.

Một cảnh trong phim “Đào, phở và piano”.

Ông Tiền Trọng Viễn - Giám đốc sản xuất As One Production cho biết, khi quay phim tại Trung Quốc, đơn vị ông nhận được nhiều hỗ trợ (về chính sách, tài chính) từ các cơ quan, ban, ngành, từ chính quyền, Cục Điện ảnh, các hiệp hội cũng như các cơ quan nghiên cứu lịch sử suốt quá trình thực hiện bộ phim. Ngoài ra, phía sau thành công của một tác phẩm chuyển thể hoặc khai thác đề tài lịch sử là cả một bộ khung về nhân lực, kỹ thuật, phim trường... hoàn thiện, đồng bộ. Các địa phương đều có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện quay phim ở những địa điểm mong muốn, vì họ biết tác phẩm điện ảnh thành công sẽ thu hút khách du lịch về địa phương...

Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học cần sự quan tâm và có cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đạo diễn phim điện ảnh "Kính vạn hoa" khẳng định, muốn làm một bộ phim về lịch sử tốt phải có chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn làm phim và tạo điều kiện để lập phim trường, kho đạo cụ về các giai đoạn lịch sử cho các nhà làm phim khai thác, tận dụng. Anh ví dụ như phim "Kính vạn hoa" - một phim chuyển thể lấy bối cảnh những năm 2000 - đã phải làm tới 343 cảnh dùng kỹ xảo (do ở ta thiếu những phim trường phù hợp).

Nhà sản xuất Trinh Hoan, HKFilm, nhắc đến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình xem xét tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV khiến giới làm phim hoang mang những ngày qua. Nếu nội dung này được áp dụng, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sẽ phải chịu mức thuế 10%. Điều này có thể kìm hãm sự phát triển của công nghiệp điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung. "Phim về đề tài lịch sử rủi ro lớn, vốn quay vòng chậm, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn không dễ dàng. Ít người mạo hiểm đứng ra làm những bộ phim có đề tài lịch sử một phần vì lẽ đó”, ông Hoan nói.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, đại diện Galaxy Studio chia sẻ, người làm phim đầu năm có nhà, cuối năm bán nhà trả nợ tiền làm phim là chuyện thường. Theo bà, "đây là một ngành muốn phát triển phải có ưu đãi".

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển dòng phim này, như đặt hàng làm phim về đề tài lịch sử, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử hoặc hướng tới các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần có sự đầu tư hơn nữa từ các nhà làm phim, nhà sản xuất, nhà quản lý và sự ủng hộ của khán giả để nâng tầm, phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học, cần tạo một môi trường thuận lợi cho văn hóa phát triển, trong đó có thuế. Vì thế, tăng thuế như vậy "là vô lý". "Kêu gọi các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, các hiệp hội, ban, ngành... có thêm tiếng nói để có thêm sự đồng thuận để giữ nguyên mức thuế 5% như hiện nay", ông Bùi Hoài Sơn nói.

Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/vi-sao-dien-anh-chua-lam-khan-gia-yeu-lich-su-viet--i751425/