Kỳ 3: Tạo động lực tiếp tục đảm nhiệm 'sứ mệnh', là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Với tinh thần trách nhiệm cao, cùng sự hỗ trợ của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, sự đồng hành của các tổ chức chính trịxã hội, tổ chức tôn giáo, các vị đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã và đang làm tốt vai trò 'cầu nối' giữa tôn giáo với Đảng, Chính quyền và Nhân dân. Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của những đại biểu 'đặc biệt' này cần có những giải pháp đồng bộ, tạo động lực để họ tiếp tục đảm nhiệm 'sứ mệnh' đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Cân bằng giữa việc đạo và việc đời
Trở lại câu chuyện của những đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo mà chúng tôi đã gặp, trò chuyện, bên cạnh những thuận lợi, những thành quả đáng trân trọng thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi họ tham gia làm nhiệm vụ của đại biểu HĐND các cấp…
Năm 2021, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với Đại đức Thích Thanh Cương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hoa Lư khi Đại đức được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện Hoa Lư nhiệm kỳ 2021-2026. Lần đầu tham gia HĐND, Đại đức cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ và gặp những khó khăn nhất định. Song, với tinh thần “hộ quốc an dân” và nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, Đại đức luôn nêu cao trách nhiệm trước tập thể HĐND và không ngừng nỗ lực thực hiện lời hứa với cử tri, làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Đại đức Thích Thanh Cương chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với tôi khi trở thành đại biểu dân cử đó là việc cân bằng giữa việc đạo và việc đời, bởi nhiều cuộc tiếp xúc cử tri hay phiên họp HĐND huyện diễn ra vào các ngày lễ trọng của Phật giáo. Để giải quyết vấn đề này, tôi đã chủ động trao đổi với Văn phòng UBND và HĐND huyện Hoa Lư, xây dựng kế hoạch làm việc linh hoạt hơn, vừa đảm bảo tham gia đầy đủ các hoạt động Phật sự, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đại biểu dân cử”.
Với trái tim luôn hướng về cộng đồng, Đại đức Thích Thanh Cương đã dành trọn tâm huyết cho công việc của một đại biểu dân cử. Bên cạnh việc tu tập, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu lý luận, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực nắm bắt thông tin, tình hình thực tiễn của địa phương để tham gia hiệu quả vào công tác giám sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại các kỳ họp của HĐND huyện.
“Là đại biểu của Nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin tưởng, giao phó”.
(Trích trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với báo chí sau khi tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đăng trên Báo điện tử Chính phủ, ngày 23/5/2021).
Còn đối với ông Nguyễn Mạnh Đạt, đại biểu HĐND huyện Kim Sơn, việc trở thành đại biểu dân cử vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Bởi vậy, trong suốt gần 2 nhiệm kỳ qua, ông luôn dành thời gian cho hoạt động của HĐND đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực hiện lời hứa của mình khi tham gia ứng cử làm đại biểu HĐND huyện.
Tuy nhiên, là đại biểu cao tuổi nên ông gặp khá nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của cơ quan dân cử. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giúp các đại biểu HĐND hoàn thành nhiệm vụ và phát huy tốt vai trò của mình, những năm qua, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan dân cử. Vì thế, cùng với chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, hiểu biết pháp luật Nhà nước, ông Đạt còn tích cực đổi mới phương pháp làm việc, tiếp cận với công nghệ, từng bước thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Trong vai trò là người đại biểu dân cử, ông Nguyễn Mạnh Đạt chưa từng bỏ lỡ một cuộc tiếp xúc cử tri nào. Với ông, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để lắng nghe tiếng nói từ chính những người dân mà mình đại diện. Thông qua tiếp xúc cử tri, ông và các đại biểu HĐND huyện nắm bắt những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách, từ đó có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị phù hợp mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.
Song song với nỗ lực của chính các vị đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để họ làm tốt vai trò đại biểu dân cử.
Kim Sơn là huyện ven biển, nơi có tới hơn một nửa dân số (52,29%) trong huyện theo đạo (Công giáo và Phật giáo, trong đó trên 47% đồng bào Công giáo). Đặc biệt, một số xã và thôn có gần như toàn bộ dân cư theo đạo Công giáo. Mặc dù không có quy định bắt buộc, nhưng trong nhiều nhiệm kỳ qua, HĐND các cấp trên địa bàn huyện luôn có sự tham gia của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Đây là những người có đạo hạnh, có năng lực, được các tổ chức tôn giáo giới thiệu và được Nhân dân tín nhiệm bầu là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”. Tuy nhiên, do kiêm nhiệm nhiều công việc và thiếu kinh nghiệm hoạt động HĐND (nhất là đối với những đại biểu mới tham gia lần đầu) các vị đại biểu cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Đồng chí Đỗ Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn cho biết: Các vị đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành trước đây thường chỉ chuyên tâm đến việc đạo và ít quan tâm đến việc đời. Trong khi đó, tham gia các hoạt động HĐND rất cần những kiến thức toàn diện, sâu, rộng ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Để hỗ trợ các đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thường trực HĐND huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình tập huấn ngay từ đầu nhiệm kỳ và thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, nhất là kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật; kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin; tiếp xúc cử tri; giám sát tại kỳ họp; giám sát thường xuyên, chất vấn; kỹ năng thẩm tra... Qua đó giúp các đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn để tham gia hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Bên cạnh đó, HĐND huyện chủ động đổi mới phương thức cung cấp tài liệu cho đại biểu. Thay vì cung cấp bằng các văn bản giấy như trước đây, hiện nay tài liệu các kỳ họp và văn bản điều hành của Thường trực HĐND huyện được gửi cho đại biểu qua hệ thống thư điện tử (email) hoặc quét mã QR qua ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh. Điều này giúp đại biểu HĐND huyện có thể tiếp cận tài liệu nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời và đầy đủ, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công tác.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các đại biểu dân cử, đặc biệt là những người đại diện cho cộng đồng tín đồ, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực đồng hành, hỗ trợ. Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh khẳng định: “Chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất và thường xuyên nhắc nhở các vị tăng, ni tham gia làm đại biểu HĐND các cấp nỗ lực, cố gắng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; xây dựng hình ảnh tích cực, làm gương cho cộng đồng về đạo hạnh, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, xứng đáng với niềm tin của cử tri, Nhân dân”.
Sự tin yêu của Nhân dân, sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo và sự hỗ trợ tích cực của HĐND các cấp đã và đang là nguồn động lực, cổ vũ, động viên lớn lao để các đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành không ngừng nỗ lực, phấn đấu làm tròn “sứ mệnh” cao cả-“người đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân”, đặc biệt là đồng bào tôn giáo.
Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới
Ninh Bình là vùng đất Cố đô, nơi phát tích của 3 triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý với hơn 1.800 di tích lịch sử-văn hóa và nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm... Ninh Bình còn là nơi các tôn giáo sớm thâm nhập và phát triển mạnh mẽ. Sự đa dạng về tín ngưỡng đã tạo nên nét đặc sắc riêng của Ninh Bình và cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn trong hoạt động của HĐND và hoạt động của đại biểu dân cử.
(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
(Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013)
Những năm qua, Ninh Bình thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tôn giáo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tôn giáo, trong đó phải kể đến Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 17/5/2005, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 152-KH/TU, ngày 1/4/2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”… Các chủ trương, chính sách của tỉnh được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của chức sắc, chức việc, nhà tu hành vào đời sống chính trị, trong đó có việc ứng cử làm đại biểu HĐND các cấp.
Trong các kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp, Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành tích cực tham gia ứng cử, đề cử và bỏ phiếu. Các cuộc bầu cử được tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo tính dân chủ. Đa phần các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành khi được Giáo hội giới thiệu, cử tri tín nhiệm, lựa chọn bầu vào HĐND các cấp, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của đại biểu dân cử, họ còn là những người có đạo hạnh, am hiểu giáo lý tôn giáo, có uy tín trong cộng đồng.
Trong quá trình hoạt động, các đại biểu đã tích cực truyền tải tiếng nói của đông đảo tín đồ, đồng bào tôn giáo đóng góp ý kiến vào các chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của địa phương. Đồng thời, vận động đồng bào theo tôn giáo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực huy động nguồn lực trong các tôn giáo cùng góp tâm sức, trí tuệ kiến thiết quê hương.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Trong suốt gần nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Vai trò của HĐND tỉnh ngày càng được khẳng định, thể hiện rất rõ nét bằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, mang tầm chiến lược, tạo động lực cho phát triển của tỉnh Ninh Bình. Những quyết sách đó còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND tỉnh đối với cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Trong đó có các vị đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã luôn sâu sát cơ sở, thấu hiểu và trăn trở với những nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó tham mưu cho HĐND tỉnh có những quyết sách đúng, trúng vì dân, vì sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh Ninh Bình”.
Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Quan tâm, tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành được tham gia vào hoạt động của HĐND các cấp, góp công, góp sức vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về hoạt động của đại biểu dân cử cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành thông qua tổ chức các lớp, các khóa đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên quan tâm cung cấp thông tin, tài liệu, các văn bản có liên quan, nhất là tài liệu về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND và các thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương để đại biểu nắm vững, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và quyền hạn theo quy định.
Tăng cường tổ chức giám sát công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; việc tu bổ các di tích lịch sử-văn hóa; các hoạt động lễ hội… Qua đó phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia đóng góp, đề xuất những giải pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực được giám sát. Ngoài ra, HĐND tỉnh sẽ tổ chức các diễn đàn, hội thảo để đại biểu các tôn giáo chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết, thống nhất.
Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ đồng hành của cơ quan, tổ chức hữu quan, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành là đại biểu HĐND các cấp cũng cần tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối”, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo và chính quyền, góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, mỗi đại biểu cần không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực, kỹ năng của mình; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, thực sự là đại biểu tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng.
Nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đang dần khép lại với nhiều kết quả và những thành công nhất định của các vị đại biểu HĐND đại diện cho cử tri các tôn giáo. Qua đó cũng khẳng định việc đảm bảo tỷ lệ đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong cuộc bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026-2031 là cần thiết, đảm bảo tính đại diện của các tôn giáo trong cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Muốn làm được điều này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng người giới thiệu ứng cử đảm bảo phù hợp; chủ trì công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Các tổ chức tôn giáo cần tiếp tục tạo điều kiện và tích cực giới thiệu chức sắc, chức việc, nhà tu hành có phẩm chất, năng lực, uy tín với cử tri và Nhân dân, với tổ chức tôn giáo khi tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
Từ thực tiễn hoạt động của đại biểu HĐND trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy một vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng, Nhà nước và địa phương cần nghiên cứu có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mới mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, cử tri cần hỗ trợ, đồng hành nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành để họ có thêm động lực cống hiến công sức, trí tuệ cho các hoạt động của HĐND, cho xã hội. Điều đó cũng góp phần khẳng định vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.