Kỳ 3: Thu hút người tài: Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong mở đường
TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, sáng kiến thu hút nhân tài. Dù chưa như kỳ vọng nhưng cách làm của Thành phố đã phần nào giải quyết tình trạng 'khát nhân lực' ở các đơn vị khoa học trọng điểm.
Vào năm 2001, TPHCM đã tuyển chọn gần 800 học viên tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ, đưa đi đào tạo làm nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ. Đến năm 2014, Thành phố ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị, trong đó có Ban quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP).
Điểm đến cho các chuyên gia hàng đầu khu vực
Cho đến nay, riêng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc SHTP có 5 chuyên gia đã và đang làm việc theo chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của TPHCM.
Giáo sư Susumu Sugiyama, người Nhật Bản, là một trong số các chuyên gia như vậy. Năm 2016, tại một sự kiện khoa học tổ chức tại Nhật Bản, PGS. TS. Lê Hoài Quốc khi đó là Trưởng Ban Quản lý SHTP gặp gỡ GS. Susumu Sugiyama. Vốn đã nghe danh tiếng của vị giáo sư người Nhật trong lĩnh vực vi cơ điện tử, một lĩnh vực mà SHTP đang rất thiếu chuyên gia khoa học nên PGS. TS. Lê Hoài Quốc ngay lập tức có lời mời vị giáo sư người Nhật sang Việt Nam làm việc.
“Khi đó tôi nói chuyện với GS. Susumu Sugiyama về mong muốn mời những chuyên gia quốc tế đầu ngành về làm việc và chính sách thu hút chuyên gia khoa học của TPHCM. Vị giáo sư người Nhật rất thẳng thắn nói về những điều kiện làm việc, phòng làm việc, phòng nghiên cứu, đội ngũ cộng sự. Ông không đặt vấn đề thu nhập lên hàng đầu mà ông nói chỉ cần đáp ứng chi phí để mỗi tháng ông qua Việt Nam làm việc 1 tuần và huấn luyện cho nghiên cứu sinh người Việt”, ông Lê Hoài Quốc cho biết.
Một chuyên gia khoa học khác đã nhiệt tình về Việt Nam làm việc tại SHTP là TS. Hoàng Thế Bân, một du học sinh Nhật Bản với hơn 20 năm làm việc tại các đơn vị nghiên cứu công nghệ hàng đầu Nhật Bản. Từ tháng 7/2017, ông trở về Việt Nam theo lời mời của SHTP và từ đó đến nay, vị chuyên gia Việt kiều này đã và đang hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao TPHCM về nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực…
Thành quả rõ ràng nhất là TS. Bân đã tư vấn thành lập và hiện phụ trách Trung tâm Đào tạo Việt - Nhật, với mục tiêu đưa trung tâm này thành trung tâm đào tạo hàng đầu về lĩnh vực robot ở Việt Nam và khu vực.
Phát triển sản phẩm công nghệ mới
Nói về đóng góp của các chuyên gia theo chương trình thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của TPHCM, TS. Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D thuộc SHTP cho rằng trong vài năm trở lại đây, Trung tâm đã nắm bắt rất nhanh những công nghệ tiên tiến và phát triển được những ứng dụng thiết thực mà chưa nơi nào trong nước làm được để ứng dụng vào triển khai Đề án Đô thị thông minh của Thành phố. Ví dụ như chế tạo linh kiện cảm biến đánh giá độ ngập nước chuẩn bị đưa vào thực tế do GS. Susumu Sugiyama hướng dẫn phát triển.
Thứ hai, thông qua các chuyên gia, Trung tâm hình thành mạng lưới kết nối hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến về công nghệ. Ví dụ, TS. Hoàng Thế Bân là người kết nối với mạng lưới các vườn ươm quốc tế. Thông qua đó, ông Hoàng Thế Bân tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang được ươm tạo tại Vườn ươm của SHTP về lĩnh vực nano qua mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm và thương mại hóa đổi mới sản phẩm sáng tạo.
Còn GS. Susumu Sugiyama với tầm ảnh hưởng của mình đã kêu gọi được nhiều học trò của ông cùng cộng tác với SHTP. Trên góc độ này, SHTP dần trở thành trung tâm kết nối để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.
Hiệu quả lớn khác là hình thành được đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao. Trong vài năm trở lại đây, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, chỉ riêng lĩnh vực vi cơ điện tử của Trung tâm R&D thuộc SHTP đã có gần 20 nghiên cứu sinh được đào tạo chuyển giao, làm chủ công nghệ tiên tiến, vận hành được những thiết bị hiện đại của Trung tâm, tiếp cận công nghệ mới để nhanh chóng phát triển những sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu hình thành Smart City của Thành phố.
Giữ chân người tài bằng sự cầu thị
Có nhiều ý kiến cho rằng các chương trình thu hút chuyên gia khoa học của TPHCM chưa bền vững, kêu gọi được người tài nhưng chưa giữ chân được họ để họ gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, thực tế tại Khu Công nghệ cao TPHCM cho thấy nơi đây đã hình thành môi trường lý tưởng cho các nhà khoa học quốc tế phát huy trí tuệ.
PGS. Lê Hoài Quốc cho hay kể từ khi ông tiếp nhận vị trí người đứng đầu SHTP, chưa có một chuyên gia nào vì bất mãn cơ chế mà rời bỏ hợp tác. Chỉ có 1 chuyên gia người Nhật và 1 chuyên gia người Hàn buộc phải tạm ngưng chương trình hợp tác do nhu cầu trở về nước giải quyết việc riêng. Hiện nay, 2 chuyên gia này mong muốn trở lại Việt Nam và đã ứng cử vào các vị trí “cầu hiền” mà TPHCM vừa công bố cuối năm 2020.
Ngoài ra, khi nhận lời mời hợp tác với SHTP, các chuyên gia khoa học không đưa yếu tố lương bổng lên làm tiêu chí ưu tiên mà họ đề cao thái độ trọng dụng nhân tài và khả năng đáp ứng môi trường làm việc. Ví dụ như TS. Hoàng Thế Bân đã chủ động đề xuất chỉ nhận khoảng một nửa mức thu nhập theo chương trình “chiêu hiền” mà Thành phố đã ban hành.
Chính những trải nghiệm trong quá trình làm việc tại Việt Nam, khi gặp những khó khăn, trở ngại và được đơn vị sử dụng tích cực giải quyết là những ấn tượng tốt đẹp khiến các chuyên gia quay trở lại hợp tác lâu dài. “Khi chuyên gia nói rằng đang trục trặc việc cấp phép visa và mình nhanh chóng xử lý trong thời gian ngắn nhất thì họ mới yên tâm làm việc. Vị giáo sư người Nhật nhận lời hợp tác với SHTP khi ông đã ngoài 70 tuổi, trong khi TS. Hoàng Thế Bân đã có gia đình, sự nghiệp vững vàng tại Nhật Bản nhưng vẫn đến Việt Nam làm việc. Đó là vì các chuyên gia khoa học nhận thấy sự cầu thị, trọng dụng người tài của mình”, PGS.TS Lê Hoài Quốc nêu kinh nghiệm.
Đồng quan điểm về yếu tố cầu thị, trọng dụng nhân tài, TS. Ngô Võ Kế Thành cho rằng để giữ chân được các chuyên gia khoa học gắn bó lâu dài thì cần duy trì được “lửa cống hiến”. Các chương trình thu hút chuyên gia của Thành phố có đưa ra khung, bậc lương nhưng vẫn còn quá nhiều ràng buộc về thủ tục hành chính như cách thức giống như đang quản lý công chức, gây phức tạp, khó hiểu cho các chuyên gia. TS. Thành cũng cho rằng, với các nhà khoa học, lương bổng chỉ là phần phụ, cái họ muốn nhìn thấy là trí tuệ của bản thân được ghi nhận.
“Tôi cho rằng việc này lãnh đạo Thành phố còn bỏ ngỏ. Hằng năm nên có sự vinh danh trao kỷ niệm chương hoặc huy hiệu Thành phố cho các chuyên gia khoa học. Đó không phải là giá trị đo đếm bằng tiền bạc mà là giá trị tinh thần. Khi đó, chính các chuyên gia trở thành đại sứ, họ trở về quê hương và lan tỏa trong giới khoa học về sự trọng dụng nhân tài của TPHCM. Hiện nay các đơn vị chủ yếu mời gọi và hợp tác dựa trên sự quý mến giữa chuyên gia khoa học và đơn vị sử dụng. Trong khi việc vinh danh không tốn kém, không phức tạp nhưng có thể giúp hình thành thương hiệu của Thành phố trong việc trọng dụng người tài trên khắp thế giới”. TS. Thành gợi ý và cho biết hiện đã có hơn chục hồ sơ của các chuyên gia khoa quốc tế gửi sang ứng cử vào các vị trí làm việc tại SHTP theo chương trình tìm kiếm 14 chuyên gia mà TPHCM công bố cuối năm 2020. Trong số đó có nhiều chuyên gia hàng đầu Nhật Bản thuộc lĩnh vực vật liệu tiên tiến.
Ông Thành cho rằng đây là hiệu quả lan tỏa thiết thực nhất từ chương trình thu hút chuyên gia khoa học của TPHCM. Tuy nhiên hiện nay các chương trình thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của TPHCM chưa áp dụng với chuyên gia trong nước. Còn theo PGS.TS. Lê Hoài Quốc, đây cũng là điều đáng tiếc khi nguồn lực tại chỗ dồi dào và thuận lợi hơn so với thu hút chuyên gia quốc tế.
Đánh giá về các chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học của TPHCM, GS. Đặng Lương Mô, một nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới đã sớm trở về TPHCM làm việc từ năm 2002, cho rằng, chính sách thu hút những chuyên gia quốc tế, trong đó có Việt kiều vào một số vị trí của TPHCM là rất hay và đúng chủ trương như đã được thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004.
“Thu hút mới chỉ là bước đầu. Rồi đây, cần sự đãi ngộ xứng đáng và môi trường hoạt động thích hợp, thuận lợi, tôi rất mong quyết định này được nhân rộng ra toàn quốc, mọi lĩnh vực”, GS. Đặng Lương Mô kỳ vọng.
Tháng 11/2020, UBND TPHCM ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với 14 vị trí bằng mức hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng/người cũng như các ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở... theo Quyết định 17/2019.
Theo Quyết định 17/2019, chuyên gia và nhà khoa học được chi trả lương hằng tháng theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp, đối với giáo sư, phó giáo sư được hưởng hệ số 9,4, các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8. Về nhà ở, TPHCM hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà không quá 7 triệu đồng/tháng và phương tiện đi lại tùy theo khả năng của cơ quan, đơn vị tuyển dụng.
TPHCM thực hiện thu hút chuyên gia cho 14 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư (1 vị trí); Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (3 vị trí); Ban Quản lý Khu công nghệ cao (5 vị trí); Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (5 vị trí).
Băng Tâm
Kỳ 4: Thu hút và trọng dụng nhân tài - Câu chuyện từ Đà Nẵng