Kỳ 3: Thủ phạm xả rác là ai?
Như tình thế mặc nhiên, hằng ngày các kênh, rạch trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận thêm vô số rác và nước thải chưa qua xử lý. Dù những năm qua, thành phố phải tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, chỉnh trang nhiều kênh, rạch, nhưng nhiều đoạn, tuyến vừa chuyển mình trở nên đẹp đẽ, nên thơ thì lại tái ô nhiễm vì rác và nước thải bẩn. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân bị bắt quả tang, xử lý về hành vi xả thải trái pháp luật chưa nhiều. Do đó, chưa đủ sức răn đe những đối tượng cố tình gây ô nhiễm môi trường.
Rạch Bà Tiếng nối liền 3 phường An Lạc, An Lạc A và Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân) hiện đang bị "bức tử" bởi đủ loại rác và nước thải bẩn. Mỗi năm, cơ quan chức năng tổ chức vớt rác liên tục, nhưng vừa vớt xong được vài ngày thì mặt kênh lại đầy rác.
Rác ngập ngụa, nhưng... không biết ai xả rác!
Đứng trên đường Tên Lửa nhìn dọc rạch Bà Tiếng chạy thẳng vào khu dân cư (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) sẽ thấy dòng nước đen ngòm, ngập ngụa rác, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Lắc đầu ngao ngán nhìn dòng nước đen sì, anh Trần Hữu Thịnh (37 tuổi) cho biết: "Tôi ở đây đã 10 năm, nhưng không thể nhớ được có ngày nào không khí ở đây trong lành. Sáng mở cửa ra là mùi hôi xộc thẳng vào mũi, đến nỗi ăn cũng muốn bịt khẩu trang. Những ngày mưa, rạch có nước thì đỡ hơn, còn ngày nắng thì mọi người đều than trời".
Cũng ngụ tại khu vực này, bà Trần Thị Hòa (65 tuổi) kể, trước kia hai bên con rạch Bà Tiếng thưa thớt người nên không ô nhiễm nhiều. Đến khi người dân tập trung về sinh sống đông đúc, nước rạch bắt đầu đen dần, rác xả tràn lan xuống hai bờ đến lòng kênh. "Mỗi năm, cơ quan chức năng có vớt và đóng cừ gỗ hai bên dòng kênh. Nhưng vớt xong đâu được một tuần thì rác lại ngập ngụa. Mùi hôi bốc lên dữ quá, khiến nhiều người quanh đây bị viêm xoang và các bệnh đường hô hấp. Khu vực này cũng có rất nhiều muỗi, không biết bao nhiêu người đã phải nhập viện vì sốt xuất huyết rồi" - Bà Hòa than thở.
Điều đáng nói, nhiều hộ dân sống hai bên rạch này đều phủ nhận có xả rác xuống kênh và không thể lý giải được rác từ đâu mà xuất hiện nhiều đến vậy. Cũng chính vì suy nghĩ "chỉ xả một ít rác thì không sao", với hàng trăm ngôi nhà, mỗi nhà từ 2 - 6 nhân khẩu, giờ đây rạch Bà Tiếng đang "thoi thóp", thiếu sức sống. Chính những người dân cũng phải gánh hậu quả do mình gây ra, khi mỗi ngày mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi, không thể tránh được. Đời sống và sinh hoạt của người dân dọc theo rạch Bà Tiếng cũng bị ảnh hưởng không ít.
Ngập rác trên dòng kênh ngàn tỷ
Từ đường Võ Văn Kiệt vào đường Tân Hóa giữa trưa nắng tháng 6-2020, phóng viên ghi nhận ven bờ kênh là hai hàng cây xanh mát và có rất nhiều ghế ngồi cùng dụng cụ tập thể dục được lắp đặt để phục vụ người dân trong khu vực. Dọc tuyến kênh, không thiếu những pano, bảng hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường, yêu cầu người dân không xả rác.
Tuy nhiên, dưới lòng kênh lại là hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Rác thải, bao nylon, hộp nhựa, mút xốp vứt bừa bãi, phủ đầy mặt kênh rộng lớn. Có mặt tại đây khi thủy triều xuống thấp, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân sống hai bên bờ kênh. Dù kênh này đã được đầu tư cải tạo với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn là dòng nước đen xì, bốc mùi hôi rất khó chịu. Khi trời mưa, rác từ các cống ngầm phun ra nổi lềnh bềnh trên mặt kênh. Nước kênh luôn trong tình trạng đậm đặc hóa chất nên cá, tôm không thể sống nổi.
Tuyến đường Tân Hóa được mở rộng cùng với hành lang vỉa hè hai bên bờ kênh thênh thang, môi trường thoáng mát, cũng là lúc nơi đây xuất hiện nhiều hàng quán. Từ những hàng quán này, cộng với ý thức kém, nhiều người không ngần ngại vứt rác bừa bãi xuống kênh. Tình trạng này kéo dài, khiến lượng rác thải tồn dư nhiều không kể xiết.
Trong những ngày này, đi dọc tuyến kênh trên sẽ thấy nhiều công nhân đang thu gom rác. Dù Công ty Môi trường đô thị TPHCM huy động cả trăm công nhân cùng nhiều máy móc hiện đại tham gia thu gom, nhưng chỉ vài tiếng sau, rác lại dạt tới, khiến dòng kênh như một bãi rác kéo dài bất tận. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những loại rác thông thường, các công nhân còn vớt được giường, tủ, bàn, ghế sôpha... trôi trên kênh. Trung bình mỗi ngày, công nhân ở đây thu gom được khoảng 2 - 3 tấn rác.
Lau những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, công nhân Nguyễn Văn Hùng cho biết, mỗi ngày anh phải thu gom rác trên toàn tuyến 4 lần, nhưng rác ở đâu vẫn tiếp tục dạt về. Sau những trận mưa lớn kéo dài, rác từ các đường cống hộp chảy ra nhiều vô kể, công sức anh vừa bỏ ra trở thành... công cốc.
Nhìn những người công nhân môi trường làm việc hăng say trong điều kiện cái nắng trên 38 độ C mới thấy hết sự vất vả của họ. Chia sẻ về công việc của mình, anh Hùng nói với vẻ tự hào: "Thu gom rác, làm sạch dòng kênh là công việc hàng ngày của chúng tôi. Dù có lúc mưa dầm, nắng gắt, nhưng khi nhìn thấy những đàn cá bơi lượn tung tăng thì mình vui lắm! Bởi những lúc như thế, mình càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của công việc này".
Kênh thối vẫn nặng mùi
Kênh 19-5 chảy qua địa bàn P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) dù được cơ quan chức năng ra quân vớt rác thường xuyên, nhưng vẫn không thể xóa được tình trạng ô nhiễm. Đi dọc kênh này, không khó để chứng kiến cảnh rác thải chất đầy, nổi dày đặc mặt kênh, còn dòng nước đen ngòm. Những hộ dân có nhà dọc hai bên kênh cũng phải sống chung với mùi hôi thối nhiều năm qua. Lúc nào họ cũng khổ sở vì nạn ruồi, muỗi tấn công. Bà con than thở, không biết phải "sống chung với ô nhiễm" cho đến bao giờ.
Theo cơ quan chức năng, việc dòng kênh chảy qua địa bàn bị ô nhiễm phần lớn là do người dân thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi xuống kênh. Chính quyền phường Bình Hưng Hòa đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức vớt rác nổi trên kênh. Còn lượng bùn dưới đáy kênh quá dày, không thể nạo vét hết được. Tuyến kênh do thành phố quản lý, việc nạo vét dòng kênh đối với địa phương cũng khó vì kinh phí lớn. Phường đã nhiều lần kiến nghị với quận và gửi ý kiến lên UBND TPHCM, mong tìm hướng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Kênh 19-5 chảy qua địa bàn P.Bình Hưng Hòa hiện vẫn bị bao phủ bởi rác. Người dân sinh sống tại đây bất lực và cam chịu hàng chục năm nay. Dọc hai bên bờ kênh chảy qua các quận Bình Tân và Tân Phú, cỏ mọc um tùm. Dưới kênh nước đen ngòm, đủ loại rác nổi lềnh bềnh. Có trường hợp cây xanh ngã chắn ngang dòng chảy, nhưng vẫn không được cơ quan chức năng xử lý. Mực nước trên kênh 19-5 những ngày qua luôn cạn nên rác không thể trôi đi mà tụ lại thành từng đống. Dọc hai bờ kênh cũng xuất hiện chợ tự phát hoạt động lộn xộn, rác thải vứt bừa bãi là một trong những nguyên nhân khiến dòng kênh luôn đầy rác.
Cơ quan chức năng cho biết, dù các hộ dân trong khu vực đóng tiền thu gom rác đầy đủ, nhưng vì không muốn để trước nhà ô nhiễm, nhiều người vứt rác trực tiếp xuống kênh. Mới đây, UBND P.Bình Hưng Hòa cho lắp đặt camera dọc kênh 19-5 để theo dõi việc xả rác bừa bãi của người dân, nhưng chưa hiệu quả, kênh vẫn đầy rác. Khu chợ tự phát trên Đường 26-3 dọc hai bên bờ kênh có nhiều người buôn bán cá và gia cầm, xả nước thải thẳng xuống kênh, làm cho dòng nước ngày càng hôi thối hơn.
(Còn tiếp)
Chất lượng nước mặt được cải thiện, nhưng...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chất lượng nước mặt tại các khu vực kênh, rạch có các công trình nạo vét, cải tạo, chỉnh trang đô thị, như: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé... hiện đã chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, các kênh, rạch trên địa bàn thành phố vẫn đang phải tiếp nhận hàng trăm ngàn tấn rác thải và lượng lớn nước thải chưa qua xử lý. Cùng với tình trạng san lấp, lấn chiếm vô tội vạ..., nhiều tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm nặng nề, nhiều tuyến khác có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Có thể kể đến rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) rác thải khá nhiều, nước luôn có màu đen, gần đây lại xuất hiện nhiều lục bình. Hầu như mọi rác thải, nước thải của người dân sống quanh khu vực này đều xả thẳng ra kênh. Hay kênh 19-5 nối dài (chảy qua 3 quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân) cũng bị ô nhiễm nhiều năm qua, với nhiều cống xả thải của các nhà máy, nhà dân trong khu vực này liên tục đổ dồn về. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại kênh Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), vì nhiều nguồn thải từ các hộ kinh doanh dịch vụ rửa xe, sản xuất kim loại, giặt ủi, nhà hàng, ăn uống...
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ky-3-thu-pham-xa-rac-la-ai_95580.html