Kỳ 4: Chiến lược diễn biến hòa bình kết hợp bạo loạn lật đổ của Mỹ ở Venezuela
Để giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ trên khắp thế giới, Mỹ không chỉ tiến hành các cuộc chiến tranh nóng nhằm vào những quốc gia thành viên của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Iraq, Libya đi theo đường lối chống Mỹ mà còn tiến hành chiến lược diễn biến hòa bình kết hợp bạo loạn lật đổ ở các quốc gia thành viên khác của OPEC như Venezuela.
Venezuela có vị thế rất quan trọng đối với chiến lược của Mỹ duy trì vị thế toàn cầu của đồng USD - dầu mỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, Venezuela chiếm tới gần 25% trữ lượng dầu mỏ của tất cả các nước thành viên của OPEC, lớn hơn trữ lượng của Arab Saudi (21,9%), Iran (12,8%), Iraq (12,1%) và Kuwait (8,4%). Trong khi đó, Trung Quốc và Nga - 2 đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ lại đang có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Venezuela. Trung Quốc hiện có nhiều dự án kinh tế lớn ở quốc gia này. Trong những năm 2007 - 2016, các ngân hàng của Trung Quốc dành cho Venezuela 17 khoản tín dụng với tổng giá trị lên tới 62,2 tỷ USD, nhiều hơn khoản tín dụng Bắc Kinh dành cho bất kỳ quốc gia Mỹ Latin nào khác. Các công ty của Trung Quốc đã đầu tư 19,15 tỷ USD vào các dự án tại Venezuela liên quan đến chế biến dầu thô, kỹ thuật năng lượng, khai khoáng, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp và hạ tầng cơ sở. Từ tháng 9-2018, Venezuela quyết định tăng nguồn dầu xuất sang Trung Quốc lên mức 1 triệu thùng/ngày, nghĩa là tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc trước đó.
Trong khi đó, Nga và Venezuela từ lâu đã có quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trước hết là cùng thăm dò và khai thác các mỏ dầu lớn nhất của Venezuela, thành lập liên doanh để thực hiện các dự án Nga - Venezuela trong lĩnh vực dầu mỏ. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án dầu mỏ Junin-6 tại lưu vực sông Orinoco ở Venezuela có thể lên tới 30 tỷ USD. Do đó, một trong những mục tiêu hướng tới của Mỹ ở Venezuela là dựng lên ở Caracas chính phủ để giúp Washington giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của quốc gia này.
Tuy nhiên, khác với mục tiêu hướng tới của Mỹ ở Iraq hay Libya, mục tiêu của họ ở Venezuela còn là chính trị. Theo đó, Mỹ không chấp nhận tư tưởng cách mạng Boliva, hay còn được gọi là “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” do cố Tổng thống Venezuela Hugo Chaves khởi xướng. Tư tưởng cách mạng Boliva là một học thuyết chính trị đang được hiện thực hóa ở Venezuela và một số nước Mỹ Latin. Kể từ khi lên cầm quyền ở Venezuela vào năm 1999, Hugo Chaves thiết lập liên minh mạnh mẽ với các chính phủ đi theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội của các nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro và Raul Castro, với các chính phủ xã hội của Evo Morales ở Bolivia, Rafael Correa ở Ecuador, Daniel Ortega ở Nicaragua. Vì thế, Washington không ngừng nỗ lực thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình kết hợp với bạo loạn lật đổ nhằm loại bỏ chính thể ở Venezuela để dựng lên một chính thể khác bảo vệ lợi ích của Mỹ ở quốc gia này. Để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình ở Venezuela kết hợp bạo loạn lật đổ để loại bỏ chính thể của cựu Tổng thống Hugo Chaves và tân Tổng thống Nicolas Maduro, từ năm 1999 tới nay Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như tạo cớ để can thiệp, chiến tranh thông tin - tâm lý, sử dụng các lực lượng đối lập, bạo loạn vũ trang, cấm vận kinh tế.
Biện pháp tạo cớ để can thiệp. Để tạo cớ can thiệp vào tình hình chính trị của Veneduela, bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ nhận được sự hưởng ứng của truyền thông nhiều nước đồng minh và đối tác không ngừng lên án chính thể của Tổng thống Hugo Chaves trước đây và Tổng thống Nicolas Maduro hiện nay là chế độ “độc tài”, “bất trị”, “tham nhũng” và “vi phạm nhân quyền”. Sau cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, Mỹ tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào bất cứ quốc gia nào nếu ở đó có biểu hiện “vi phạm nhân quyền”. Về sau, biện pháp này từng được Mỹ sử dụng để can thiệp vào nhiều quốc gia trên thế giới như như Gruzia, Ukraina, các nước trải qua “Mùa xuân Arab” như Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria và Iran.
Biện pháp chiến tranh thông tin - tâm lý. Để loại bỏ chính thể ở Venezuela, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thông tin - tâm lý trên quy mô quốc tế. Theo đó, dựa vào những khó khăn và khủng hoảng kinh tế tạm thời do tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài, Washington kích động người dân Venezuela xuống đường biểu tình đòi thay đổi lãnh đạo đất nước. Để đạt được hiệu quả cao của biện pháp chiến tranh thông tin - tâm lý, Mỹ sử dụng các tổ chức tình báo và mật vụ thao túng, lũng đoạn hoạt động nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của Venezuela, kết hợp với các biện pháp bao vây cấm vận kinh tế. Biện pháp này của Mỹ nhằm đánh vào tử huyệt của nền kinh tế của Venezuela chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Theo đó, trên cơ sở thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ, Venezuela nhập khẩu gần như toàn bộ hàng hóa và nhu yếu phẩm tiêu dùng. Nắm được điểm yếu này của Venezuela, Mỹ thao túng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của các nước có quan hệ với Venezuela tạo ra sự khan hiếm giả tạo, đẩy thị trường nhu yếu phẩm của Venezuela lâm vào khủng hoảng, từ đó kích động người dân xuống đường biểu tình chống chính phủ. Kịch bản này từng được được Mỹ sử dụng trong những năm Liên Xô tiến hành cái gọi là “công cuộc cải tổ”, trong đó Washington phối hợp với các lực lượng phản bội trong ban lãnh đạo Liên Xô tạo ra sự khan hiếm giả tạo về các nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân, còn bộ máy truyền thông ra sức tuyên truyền và xuyên tạc rằng tình trạng khủng hoảng thiếu này xuất phát từ sai lầm của mô hình chủ nghĩa xã hội.
Biện pháp sử dụng lực lượng đối lập. Một trong những khiếm khuyết rất quan trọng trong hệ thống chính trị của Venezuela là chấp nhận sự tồn tại của chế độ chính trị đa đảng. Ở Venezuela, ngoài Ðảng xã hội chủ nghĩa thống nhất là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Venezuela nắm cầm lãnh đạo đất nước, còn có nhiều đảng phái chính trị khác không chỉ được phép tồn tại mà còn có quyền tham gia ứng cử và đề cử vào quốc hội và bầu cử tổng thống như Đảng Công lý trước tiên, Đảng Ý nguyện nhân dân, Đảng Hành động dân chủ... Trong cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela ngày 6-12-2015, Đảng Ý nguyện của nhân dân chiếm được 14 trong số 164 ghế, đã liên minh với các đảng đối lập khác là để giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp. Sau cuộc bầu cử này, các đảng phái chính trị tham gia liên minh đối lập thống nhất với nhau sẽ luân phiên trao ghế Chủ tịch Quốc hội Venezuela cho lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau. Năm 2019 là thời điểm đến lượt Đảng Ý nguyện của nhân dân được trao ghế Chủ tịch Quốc hội Veneduela. Ngày 5-1-2019, thành viên của Đảng Ý nguyện của nhân dân là Juan Gerardo Guaido Hoan - một nhân vật thân Mỹ từng được Cục Tình báo trung ương Mỹ tuyển mộ và đào tạo - được trao quyền Chủ tịch Quốc hội Veneduela. Đây là cơ hội để Mỹ hành động. Theo kịch bản được soạn thảo ở Washington, ngày 23-1-2019, Juan Gerardo Guaido tự tuyên bố là “tổng thống lâm thời của Venezuela”. Ngay lập tức, Mỹ và nhiều nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu tuyên bố công nhận Juan Gerardo Guaido là “tổng thống hợp hiến duy nhất của Venezuela”, đồng thời không công nhận Nicolas Maduro là tổng thống mặc dù ông được người dân Venezuela bầu lên thông qua cơ chế dân chủ bỏ phiếu trực tiếp toàn dân và vừa tuyên thệ nhậm chức trước đó vài ngày. Hành động này của Mỹ không chỉ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc mà còn vi phạm Hiến pháp Venezuela.
Biện pháp bạo loạn vũ trang. Năm 2012, Mỹ vận dụng kịch bản can thiệp quân sự vào Libya tiêu diệt nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Venezuela để loại bỏ Tổng thống Hugo Chaves. Từ bên ngoài, Mỹ tổ chức một số tàu ngầm đột nhập vào vùng biển của Venezuela, vừa làm nhiệm vụ trinh sát thăm dò, vừa khiêu khích hải quân nước này để tạo cơ can thiệp quân sự. Bên trong Venezuela, Mỹ kích động các lực lượng đối lập nổi loạn buộc Chính phủ Venezuela đáp trả. Từ đó, bộ máy truyền thông Mỹ tung tin cáo buộc Tổng thống Hugo Chaves “đàn áp người dân”, tạo tiền đề thành lập chính phủ lâm thời và kêu gọi Mỹ can thiệp. Với tinh thần cảnh giác cao độ, Chính phủ Venezuela đã làm phá sản kịch bản này.
Năm 2019, Mỹ lại áp dụng biện pháp bạo loạn do các lực lượng đối lập đứng đầu là Juan Guaido áp dụng. Lần này, Mỹ sử dụng một nhóm lực lượng đối lập có vũ trang cùng một số phần tử phản động đào ngũ từ quân đội nước này làm nòng cốt để tạo nên hình ảnh một lực lượng hậu thuẫn hùng hậu nhằm kích động người dân xuống đường biểu tình lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Để thực hiện kịch bản này, thủ lĩnh các lực lượng đối lập Juan Guaido dựng sẵn băng ghi hình mô tả hình ảnh của ông nhận được “sự ủng hộ của Quân đội Venezuela” sẵn sàng lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Đồng thời, bộ máy truyền thông tung tin “Nicolas Maduro đã bỏ chạy sang Cuba trên một chuyến bay đặc biệt”. Kịch bản này lặp lại y nguyên kịch bản đảo chính ở Ukraina năm 2014. Sau khi thủ đoạn này không lôi kéo được người dân xuống đường biểu tình chống chính phủ, các phần tử đối lập có vũ trang chủ động bắn vào các lực lượng ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro, buộc quân đội và lực lượng an ninh của Venezuela phải nổ súng để châm ngòi cho một cuộc nội chiến đẫm máu. Từ đó, “tổng thống lâm thời” Juan Guaido sẽ kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự. Tuy nhiên, do tinh thần cảnh giác cao độ, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro đã làm thất bại hoàn toàn kịch bản này.
Biện pháp “cách mạng màu”. Ngày 5-3-2013, đúng 5 tháng sau khi tái đắc cử, Tổng thống Hugo Chaves qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng. Trong khi đó, Mỹ đã chuẩn bị kịch bản “cách mạng màu” với toan tính đưa thủ lĩnh của các lực lượng đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống trước ứng cử viên là Phó Tổng thống Nicolas Maduro. Theo kịch bản này, Mỹ hỗ trợ toàn diện cho ứng cử viên đối lập Henrique Capriles, đồng thời sử dụng các lực lượng đối lập tiến hành nhiều hoạt động chống phá Venezuela nhằm gây bất ổn về chính trị. Chỉ vài giờ sau khi có tin Tổng thống Hugo Chaves qua đời, bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây đưa tin thất thiệt về cái gọi là “thất bại của cuộc cách mạng Boliva ở Venezuela”. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2013, quyền Tổng thống Nicolas Maduro đã đắc cử tổng thống, tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của Hugo Chaves.
Biện pháp cấm vận kinh tế. Ngày 28-1-2019, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên tập đoàn dầu khí quốc doanh của Venezuela (PDVSA) và đóng băng 7 tỷ USD trong tài sản của công ty này ở Mỹ. Lệnh trừng phạt này là biện pháp chống phá mạnh mẽ của Mỹ nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Ngày 25-3-2019, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật “Chống lại mối đe dọa của Nga và Venezuela”. Theo dự luật này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ngăn chặn sự hợp tác giữa Nga và Venezuela, kể cả hợp tác quân sự. Tuy nhiên, biện pháp này của Mỹ đã thất bại do quyết tâm của Nga tiếp tục ủng hộ mọi mặt cho Venezuela.