Kỳ 4: Giành giật quyền nuôi con để thỏa mãn cái tôi ích kỷ

Những đứa trẻ bị bạo hành, xâm hại trong chính ngôi nhà của mình sau cánh cửa ly hôn nguyên do bởi sự vô cảm, tàn nhẫn của người thân… Nhưng trước đó, khi những câu chuyện đau lòng ấy xảy ra, người ta đã từng chứng kiến chính những ông bố, bà mẹ ấy bằng mọi cách giành lại quyền nuôi con.

Đằng sau những lời ru chia đôi

Việc giành quyền nuôi con chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân chứ thật sự không thương yêu con trẻ

Việc giành quyền nuôi con chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân chứ thật sự không thương yêu con trẻ

Giành quyền nuôi con do thù tức nhà nội

Bao gia đình tan vỡ sau sóng gió hôn nhân nối dài. Nhiều người cứ quay quắt với nỗi đau của riêng mình, có người vội vàng chìm đắm vào những mối tình chắp vá mới mà vô tình bỏ mặc con cái - đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất.

Người ta lao vào giành giật quyền nuôi con để thỏa mãn cái tôi ích kỷ, dùng lời nói và hành động làm đau con trẻ chỉ để trả thù nửa kia hoặc để mặc người tình ra tay tàn nhẫn với núm ruột của mình...

Tháng 12/2022, bé K (SN 2016) tử vong tại BVĐK huyện Quốc Oai trong tình trạng ngừng tim, môi tím, đồng tử giãn hai bên, ngưng tuần hoàn, có nhiều vết thương tích trên mặt và người. Thấy bất thường, Cơ quan CSĐT CA huyện Quốc Oai đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tra vụ việc.

Theo điều tra, năm 2011, Nguyễn Thanh Thi (SN 1985, trú tại Thái Nguyên) và anh N.V.M. (SN 1987, trú tại Thái Nguyên) kết hôn và sinh được 2 con chung là N.M.Q (SN 2012) và N.M.K (SN 2016).

Đến tháng 9/2019, anh M và Thi ly hôn. Anh M được quyền nuôi cháu Q, còn Thi được quyền nuôi cháu K. Tuy nhiên, gia đình anh M không đồng ý việc này nên anh M đã nuôi cả 2 con.

Đầu năm 2020, Thi đăng ký kết hôn với anh L.Đ.Q (SN 1982, Hà Nội) và thuê trọ ở thôn Đồng Bụt (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Hai vợ chồng đã có một con chung và Thi tiếp tục mang thai đứa thứ 2.

Mặc dù đã kết hôn, nhưng Thi vẫn liên tiếp gửi đơn đến cơ quan chức năng để giành được quyền nuôi cháu K. Từ tháng 8/2022, Thi đón cháu K về huyện Quốc Oai nuôi dưỡng. Trong thời gian này, Thi nhiều lần đánh đập con vì cho rằng K không nghe lời, lười học và có hành động tự xé sách vở.

Đầu tháng 12, do bức xúc việc cháu K nhiều lần đi vệ sinh ra quần, giường ngủ và nền nhà nên Thi dùng một chiếc muôi múc canh dài khoảng 25 cm có sẵn tại nhà trọ đánh vào đầu con. Đến khoảng 18 giờ ngày 9/12, Thi phát hiện cháu K có biểu hiện yếu, toàn thân tím tái nên đã cùng anh Q đưa đi cấp cứu tại BVĐK huyện Quốc Oai nhưng K không qua khỏi.

Cảm thán câu chuyện này, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại cho biết, anh đã về Thái Nguyên để gặp gỡ và tiếp xúc với ông bà nội bà bố cháu bé. Anh cho biết, kể chuyện với anh bà nội cháu nói cháu bé đã sống cùng bố và ông bà từ nhỏ cho đến ngày phải giao cháu bé cho mẹ theo bản án ly hôn năm 2019.

Gia đình cũng cho biết, người mẹ đã có mâu thuẫn với ông bà nội và trước khi đưa bé về đã có những lời lẽ xúc phạm, coi thường. Theo quan điểm của luật sư, việc đối tượng muốn đưa cháu bé 6 tuổi về không loại trừ khả năng do thù tức với nhà nội.

Không đủ bao dung, không đủ yêu thương và càng không xót thương núm ruột của mình sinh ra, chỉ bởi thỏa mãn những toan tính cá nhân, ích kỷ, Thi đã tự tay tước đi sinh mạng con mình. Thi giành giật quyền nuôi con, nhưng không có nghĩa Thi dành cho con mình sự sống.

“Bắt” con từ nhà chồng cũ nhưng lại để người tình bạo hành

Tháng 8/2021, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, sau đó sự việc được cơ quan chức năng xác định đã diễn ra tại Bình Chuẩn, Bình Dương. Trong video dài khoảng 4 phút, người đàn ông liên tục đánh một bé trai khoảng 3 - 4 tuổi trong tình trạng em bé không mặc quần áo. Mặc dù em bé liên tục kêu khóc nhưng người đàn ông này không hề dừng tay mà còn đánh mạnh hơn.

Liên tục tát, dùng chân đạp, thậm chí người đàn ông này còn nhấc bổng em bé lên cao và đập xuống nệm, đuổi em ra khỏi nhà.

Mặc dù có một người phụ nữ xuất hiện trong video được em bé gọi là mẹ, nhưng khi em bé bị người đàn ông đánh suốt nhiều phút, người mẹ không can thiệp mà đứng nép về phía nhà vệ sinh.

Sau khi đoạn video được đăng tải, anh Bùi Hữu Huy (Bình Dương) đã điện đến Pháp luật & Xã hội và cho biết, cậu bé bị bạo hành trong video là con đẻ của mình, còn người bạo hành cậu bé là người tình của mẹ bé. Theo đó, anh và chị N.H.T (trú tại Định Quán, Đồng Nai, mẹ đẻ của cháu B.N.P.A, cậu bé trong video) cưới nhau năm 2015 và năm 2016, cháu B.N.P.A ra đời.

Năm 2020, hai vợ chồng thuận tình li hôn, cháu P.A được tòa giao cho chị T nuôi dưỡng.

“Sau khi li dị, chị T ôm bé P.A đi thuê nhà tại một căn hộ chung cư tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tôi vẫn chu cấp cho mặc dù T luôn ngăn cản cho bố con tôi gặp nhau. Cho đến tầm tháng 4/2021, T. có đem cháu P.A về trọ ngay tại tổ 6, khu phố Miễu, ngay sát nhà tôi. Lúc này đã thấy xuất hiện anh Lê Hoài Nam bên cạnh cô ấy. Hai người sinh sống như vợ chồng” – anh Huy kể.

Tháng 6/2021, anh Huy được bà ngoại cháu P.A điện và cho biết cháu P.A bị Nam đánh đập rất dã man. Ngay lập tức anh Huy đã đến đón cháu Nam đưa về nhà mình làm đơn trình báo với CA sở tại. “Thời điểm ấy, CA đã có mặt mời chị T., anh Nam lên phường làm việc và có lập biên bản, bắt viết cam kết không tái phạm” – anh Huy cho biết.

Sau đó, anh Huy đón cháu P.A về nhà mình chăm sóc. Tuy nhiên chị T không tiếp thu mà thậm chí còn tỏ thái độ gằn hắt, cho rằng đó là việc riêng của chị ấy, là việc chị ấy dạy con.

Sau gần 1 tháng về với bố, T đã “trộm” bế cháu P.A đi và mang con thẳng vào Bình Dương mà không để cho anh Huy biết.

Anh Huy đã rất nhiều lần liên lạc nhưng không được gặp con, do cả T và Nam cấm cản. Và rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam đều thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, anh Huy càng không có cơ hội đến đón con. Cho đến khi anh nhận được thông tin và clip bé P.A bị bạo hành. “Khi xem được clip đó, tôi rụng rời chân tay. Con ruột của tôi bị người đàn ông khác bạo hành ngay trước mắt mẹ đẻ của nó. Tôi không biết cháu có lỗi gì, nhưng có lẽ lúc ấy, nó mong lắm được chính người sinh ra nó che chở, bao bọc” – anh Huy xúc động nói.

Khi những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân chuyển thành sự căm ghét, hận thù nhau, không ít người không muốn cho đối phương được gần con, muốn tước quyền nuôi con, thăm nom con, cắt đứt mọi quan hệ với cha/mẹ của đứa con. Họ gần như bỏ mặc những đứa trẻ bên lề cuộc đời, với những tổn thương sâu sắc. Đôi khi việc giành quyền nuôi con chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân chứ thật sự không thương yêu con trẻ. Những vụ tranh chấp nuôi con kiểu này, những đứa trẻ luôn là người thiệt thòi nhất và chúng cũng là những đối tượng dễ bị tổn hại nhất…

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-gianh-giat-quyen-nuoi-con-de-thoa-man-cai-toi-ich-ky-340276.html