Kỳ 4: Nuôi dúi – mang con ở rừng về nhà

PTĐT- Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thuần hóa, nuôi dưỡng thành công một số loài động vật sống trong tự nhiên  có giá trị kinh tế cao và đem lại hiệu quả khá lạc quan. Trong đó, nuôi dúi được xem là mô hình kinh tế độc đáo, mang lại lợi nhuận cao.

Anh Trần Công Nguyên, xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê đang cho dúi con ăn.

Anh Trần Công Nguyên, xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê đang cho dúi con ăn.

>>> Kỳ 1: Nuôi giun – Nghề biến rác thải thành tiền!>>> Kỳ 2: Buôn tóc thoát nghèo>>> Kỳ 3: Nuôi dế - Hướng làm giàu mới

Khởi nghiệp từ 10 đôi dúi
Gia đình anh Nguyễn Hải Nam, ở xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng là một trong những hộ đã nuôi thành công loài dúi. Nam biết đến con dúi từ một người bạn khi theo học tại trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội. Ngay từ thời sinh viên, anh đã bắt đầu tìm hiểu về con dúi, chính vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, anh bắt 10 đôi dúi về nuôi thử. Mặc dù đã nhận được sự hướng dẫn của người bạn học nhưng thời gian đầu nuôi do chưa có kinh nghiệm nên nhiều con dúi giống bị chết. Sau khi tham quan một số mô hình nuôi dúi ở các tỉnh để lấy kinh nghiệm và đọc thêm các tài liệu từ Internet, đàn dúi của Nam sinh trưởng tốt và tỷ lệ hao hụt đàn được hạn chế tối đa.Anh Nam cho biết: Nuôi dúi không tốn nhiều diện tích chuồng trại, thức ăn chủ yếu là tre, nứa, mía, ngô vừa rẻ lại dễ tìm, ít bệnh tật đặc biệt là không gây ô nhiễm, đầu ra nhiều nên đã chọn con dúi để làm mô hình chăn nuôi.Từ những cặp dúi ban đầu, đến nay trại nuôi dúi của Nam đang có 300 con, trong đó có 120 cặp dúi sinh sản. Cứ 3 đến 4 tháng là dúi mẹ đẻ một lần, mỗi lần đẻ từ 2 đến 4 con, cá biệt có con đẻ 5-6 con. Sau 8-10 tháng, dúi con đã đạt trọng lượng từ 1,2kg – 1,5kg và bắt đầu xuất bán dúi thịt.Sau hơn 6 năm, mô hình nuôi dúi đã mang lại cho gia đình Nam một nguồn thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng/tháng. Tính ra tiền lãi thu về mỗi năm lên tới gần 150 triệu đồng.

Chuồng nuôi được xây bằng gạch, lát sàn vững chắc, có kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm.

Chuồng nuôi được xây bằng gạch, lát sàn vững chắc, có kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm.

Thuần dưỡng thành công dúi rừng hoang dãKhác với anh Nam, cái duyên đến với con dúi của anh Trần Công Nguyên, xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê lại khá bất ngờ. Từ những con dúi giống hoang dã trên rừng núi, chẳng nghĩ đến việc thuần dưỡng, nuôi nhốt, thế nhưng qua quá trình chăm sóc, thấy dúi sinh trưởng tốt, ít bệnh tật, ít công chăm sóc, hơn nữa việc nuôi dúi có thể mở ra cách làm kinh tế mới, hiệu quả. Qua tìm hiểu, Nguyên biết dúi là loại thức ăn đặc sản, ngon, mát, giàu đạm. Do đó, đã tìm đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng bệnh cho dúi.Nói về kỹ thuật nuôi dúi, Nguyên chia sẻ: Dúi vốn là động vật gặm nhấm nên răng chúng mọc dài liên tục, nếu không mài bớt răng, răng sẽ dài và không ăn uống được, vì vậy, thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng mài răng. Hơn nữa, khả năng đào hang của dúi rất tốt nên chuồng nuôi phải xây bằng gạch, lát sàn vững chắc theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6 đến 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm. Mỗi năm đàn dúi nhà anh sinh sản 4 lứa, mỗi lứa dúi mẹ đẻ từ 2 đến 5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt từ 3 đến 5 lạng; dúi thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, đạt trọng lượng 1,5 kg. Giá bán dao động khoảng 700.000 đồng một cặp dúi giống con, 3 triệu đồng một cặp dúi bố mẹ, 500.000 đồng/kg dúi thịt. Đến nay, anh có khoảng 300 cặp giống bố mẹ, mỗi tháng xuất bán gần 20 cặp dúi giống con và một số dúi thịt, sau khi trừ chi phí cho thu nhập đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Dúi là động vật gặm nhấm nên thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng làm mới răng.

Dúi là động vật gặm nhấm nên thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng làm mới răng.

Có thể nói, nhờ làm tốt việc thuần dưỡng và chăm sóc, mô hình nuôi dúi đã mở ra một hướng mới trong chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, các cấp, ngành cần phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình chăn nuôi dúi. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và cho các hộ chăn nuôi dúi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa với nhiều địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Nhóm PV điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202102/nuoi-dui-mang-con-o-rung-ve-nha-175619