Kỳ 4: Xây Bảo tàng chờ…. Cổ vật!
Nằm dưới chân ngọn đồi thiêng Acropolis - 'trái tim của thành bang Athens', Bảo tàng New Acropolis được cắt băng khánh thành vào năm 2011, sau chục năm trời xây dựng với kinh phí đầu tư khổng lồ lên tới 180 triệu USD.
Nằm dưới chân ngọn đồi thiêng Acropolis - “trái tim của thành bang Athens”, Bảo tàng New Acropolis được cắt băng khánh thành vào năm 2011, sau chục năm trời xây dựng với kinh phí đầu tư khổng lồ lên tới 180 triệu USD.
Trong buổi lễ ra mắt hoành tráng tiêu tốn gần 3 triệu USD với sự tham dự của hơn 200 nhà lãnh đạo thuộc nhiều quốc gia, Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Antonis Samaras buồn rầu chia sẻ: “Sẽ không thể có một bảo tàng Acropolis trọn vẹn, khi phân nửa các tác phẩm điêu khắc cẩm thạch thuộc bộ sưu tập vô giá mang tên Elgin Marbles đã bị lấy đi hơn hai thế kỷ trước từ ngôi đền thiêng Parthenon hiện vẫn ở cách Athens tới bốn nghìn cây số”.
Điểm nhấn kiến trúc không thể bỏ qua
Nằm gọn trong quần thể Di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh từ năm 1986, Bảo tàng New Acropolis lưu giữ trong mình cả một dòng chảy cuồn cuộn, sục sôi, không ngừng nghỉ trong suốt dọc chiều dài lịch sử mấy nghìn năm phát triển cực thịnh của nền văn minh Hy Lạp. Được gọi bằng cái tên “ngôi nhà của di sản nhân loại”, công trình này trở thành phông nền thanh thoát để hơn 4000 cổ vật vô giá phô diễn vẻ đẹp tinh tế, được tạo tác từ đôi bàn tay tài khéo của những nghệ nhân sống cách chúng ta vài thiên niên kỷ.
Là tác phẩm tâm huyết của kiến trúc sư nổi tiếng người Thụy Sĩ gốc Pháp Bernard Tschumi, công trình trải rộng trên diện tích 14 nghìn m2 này được thiết kế theo phong cách góc cạnh đầy ấn tượng để khai thác triệt để và tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Kết cấu kiến trúc cực kỳ đơn giản, hình hộp ba cạnh với những cửa kính cực lớn được sắp đặt khéo léo giúp khách tham quan, ngay từ khi đứng ngoài đã có thể nhìn thấy hình hài quần thể đền đài từng một thời vàng son lộng lẫy trên đỉnh đồi thiêng, được phản chiếu rõ nét lên mọi cạnh góc vươn mình đầy phóng khoáng trong không gian rộng mênh mông của bảo tàng.
Tọa lạc trên một khu khảo cổ mênh mông dày đặc hiện vật và di chỉ phát lộ, trước khi bắt tay vào phác thảo hình hài đầu tiên cho công trình, vị kiến trúc sư tài ba đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, khảo sát tỉ mỉ từng cổ vật, từng mảng phù điêu cũng như từng pho tượng cổ đang nằm im lìm trong nhà kho của khu bảo tàng cũ để đề xuất những không gian trưng bày phù hợp. Và để giúp từng hố sâu, tảng đá, chân cột có thể rì rầm kể lại cho muôn đời hậu thế những câu chuyện vàng son quá khứ, Tschumi tạo điểm nhấn nội thất từ sảnh vào bên trong bằng một không gian lớn với mặt sàn lát toàn bộ kính trắng chịu lực khá dày.
Chậm rãi bước trên sàn kính trong suốt, chăm chú ngắm nhìn từng di vật quá khứ vẫn nằm nguyên giữa các lớp đất đen là một trải nghiệm riêng biệt và duy nhất. Cả một thế giới cổ đại ngổn ngang ngay dưới chân bạn, một thế giới xưa cũ được trình bày lớp lang và ráp nối qua những di vật để kết nối thành những câu chuyện xuyên suốt. Những hố móng cùng hệ thống thoát nước tinh vi. Những phòng tắm với bể ngâm nước nóng tròn xoe. Những sàn khảm cùng chân cột gãy đổ lổng chổng… Sống động, tươi mới, như chưa hề bị ngăn cách bởi nhiều thế kỷ biến động khôn lường.
Ba vật liệu chính tạo nên kết cấu tổng thể cho bảo tàng là những khối bê-tông vững chắc, kính cường lực dày và đá cẩm thạch sang trọng. Với độ trong suốt đặc biệt, những tấm kính cửa khổ lớn dễ dàng lọc ánh sáng mặt trời qua những tấm màn lụa sắc màu trang nhã. Đá cẩm thạch dùng để trang trí và lát nền, với hai tông màu chủ đạo: tối cho đường đi, sáng cho khu vực trưng bày.
Đặc biệt, tầng trên cùng được mô phỏng theo hình dáng bay bổng và thanh thoát của ngôi đền Parthenon - công trình nguyên gốc từng sở hữu trọn vẹn Elgin Marbles hiện đã chịu cảnh tha hương hơn hai thế kỷ. Đứng từ đây, cảnh quan trù phú, yên bình của Athens trải ra bát ngát, với những sắc độ rực rỡ của xanh non cây lá, đỏ thẫm mái nhà. Quần thể đền đài từng một thời ngạo nghễ vươn cao hiện diện ngay trước mắt, như thể chỉ cần chìa tay ra là có thể chạm vào.
Theo kế hoạch ban đầu, “ngôi nhà của di sản” sẽ hoàn tất và mở cửa đón khách cùng thời điểm quê hương của phong trào Olympic tổ chức Thế vận hội 2004. Nhờ sự chậm trễ nằm ngoài dự kiến, Acropolis có cơ hội đón nhận thêm những phiến đá hoa cương dùng để trang trí cho ngôi đền thờ nữ thần Athena vào năm 2009, nhờ đó tăng thêm giá trị cùng vẻ nguy nga, tráng lệ cho bảo tàng.
Nếu dư giả thời gian, bạn có thể thưởng thức những bộ phim tài liệu công phu, hấp dẫn tái hiện những trang sử vàng Acropolis tại phòng chiếu phim hiện đại. Còn nếu muốn rành rẽ những câu chuyện ẩn sau từng hiện vật, mua một cuốn catalog được in ấn kỳ công rồi nhẩn nha tra cứu từng cổ vật là cách thức mà phần đa du khách Âu - Mỹ chọn lựa.
Bảo tàng mở cửa đón khách từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần - trừ thứ ba, với giá vé vào cửa 10 Euro mỗi người. Sau vài giờ lang thang khám phá những không gian trưng bày bắt mắt, du khách có thể nhâm nhi ly cà phê hay thưởng thức những tinh hoa ẩm thực Hy Lạp trong khuôn viên nhà hàng sang trọng sở hữu tầm nhìn đẹp nhất Athens. Đây cũng là điểm ngắm bình minh hay hoàng hôn được du khách quốc tế ưa chuộng bậc nhất tại miền đất của những vị thần, theo bình chọn của ấn phẩm du lịch nổi tiếng Lonely Planet.
Mòn mỏi đợi chờ “châu về hợp phố”
Lần trong những trang sử Anh quốc, Huân tước Elgin - Đại sứ Anh tại Constantinople, thủ phủ của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã nảy ra ý định nâng cao vốn hiểu viết về nghệ thuật cổ đại bằng cách chuyển về nước những mảng phù điêu của những đền đài nổi tiếng Hy Lạp. Huy động một nhóm kiến trúc sư - họa sĩ - thợ đúc khuôn, ý tưởng được triển khai tại Athens vào năm 1800.
“Bùa hộ mệnh” của Lord Elgin chính là một sắc chỉ từ chính quyền Ottoman cho phép “lấy đi bất kỳ mảnh đấ có ký tự và hình vẽ nào” từ Hy Lạp - lúc đó đang thuộc quyền cai trị của đế quốc hùng mạnh này. Kết quả là sau đó hai năm, 16 thùng lớn chứa đầy “những mảnh đá”, chủ yếu có nguồn gốc từ ngôi đền cổ Parthenon, đền Propylaia và đền Erechtheion đã được chất lên con tàu Mentor để chuyển về thủ đô London. Không may thuyền chìm, một chiến dịch trục vớt quy mô và tốn kém đã cứu được trọn vẹn số di vật này để rồi đến băm 1816, chúng chính thức được bán toàn bộ cho Bảo tàng Anh vì chủ nhân rơi vào cảnh phá sản.
Đáng tiếc là do thiếu kiến thức bảo tồn, từ 1930 đến 1940, các bức tượng cùng mảng phù điêu cẩm thạch từ những ngôi đền vĩ đại đã được làm sạch bằng bàn chải và acid gây phá hủy vĩnh viễn lớp bề mặt nguyên gốc của từng tác phẩm. Dù vậy, sự hiện diện đầy thu hút của kho báu nghệ thuật vĩ đại này tại phòng trưng bày Duveen đã giúp nâng tầm và định vị Bảo tàng Anh như một trong những địa chỉ văn hóa lớn nhất và bề thế bậc nhất thế giới. Chúng cũng góp phần làm giàu có cho kho tàng kỳ vĩ mà bảo tàng này sở hữu, với xấp xỉ tám triệu hiện vật được thu thập khắp thế giới trong thời kỳ Đế quốc Anh khuếch trương tầm ảnh hưởng.
Elgin trở thành cái tên gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Trong con mắt dân Hy Lạp, ông là kẻ tội đồ, là kẻ trộm cổ vật. Với nhà thơ nổi tiếng Byron, hành động của Elgin xếp vào loại phá hoại, cướp bóc. Còn với số đông người Anh, ông trở thành công thần với nỗ lực giải cứu và gìn giữ kho tàng cho muôn đời sau còn cơ hội thưởng lãm.
New Acropolis là bảo tàng mới, thế thay cho công trình cũ kém hiện đại và khiêm tốn về quy mô trước đây. Đầu tư khoản kinh phí xây dựng khổng lồ lên tới 130 triệu Euro (khoảng 180 triệu USD) và thời gian hoàn thành dự án kéo dài tới 10 năm, công trình này không chỉ hướng tới mục đích tôn vinh di sản văn hóa mang tầm vóc nhân loại mà còn nhằm yêu cầu chính phủ Anh phải trao trả lại bộ sưu tập Elgin Marbles.
Được coi là niềm tự hào của cả quốc gia, người Hy Lạp đã kiên trì mở rất nhiều chiến dịch nhằm gây sức ép buộc Bảo tàng Anh quốc phải trao trả, để những tác phẩm điêu khắc cẩm thạch đỉnh cao này được tỏa sáng ở chính nơi chúng sinh ra và thuộc về, kể từ năm 1983. Thế nhưng nỗ lực không ngừng nghỉ ấy vẫn chẳng thể lay chuyển quan điểm cứng rắn của các nhà chức trách, rằng chúng nghiễm nhiên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của nước Anh.
Một lý do đầy sức nặng mà họ luôn đưa ra, đó là Athens thiếu một không gian trưng bày thích hợp để bảo tồn và gìn giữ những di vật giá trị này. Cực chẳng đã, một bảo tàng mới - hiện đại, lộng lẫy, rộng mênh mông được chính phủ Hy Lạp quyết định xây dựng, với những bức tường tầng ba luôn sẵn sàng chờ đón “châu về hợp phố”.
Mâu thuẫn giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng tới mức UNESCO đã phải đứng ra đề nghị hai bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa giải. Nhưng nỗ lực này đã thất bại, với lý do “tổ chức quốc tế này làm việc với các cơ quan chính phủ chứ không phải đơn vị được bảo tàng ủy thác” được Bảo tàng Anh đưa ra để phủ quyết.
Hiện tại, New Acropolis đang sở hữu 50m của 115 khối điêu khắc. Khoảng 80m hiện diện tại British Museum. Tám bảo tàng khác nằm rải rác khắp châu Âu chia nhau lưu giữ những phần còn lại. Cuộc chiến đòi lại những cổ vật của chính phủ Hy Lạp vẫn đang tiếp diễn.
Thủ tướng K. Mitsotakis khẳng định: “Acropolis không chỉ thuộc về Hy Lạp, bởi nó là tượng đài của di sản văn hóa toàn cầu. Nhưng để chiêm ngưỡng tượng đài trong sự toàn vẹn của nó, bạn phải xem các tác phẩm điêu khác Parthenon, đó là lý do mà tất cả phải hợp nhất tại một nơi”.
Nhưng thay vì nằng nặc đòi phía Anh phải đơn phương trao trả, một phương án mềm mại hơn, có lợi đôi bên cũng đã được Thủ tướng đưa ra. Trong đó, Hy Lạp sẵn sàng cho phép những kho báu chưa từng xuất hiện ở nước ngoài có cơ hội triển lãm ở London, để Elgin Marbles được hồi hương vào năm 2021.
Lạc trong không gian Bảo tàng New Acropolis, nghe như tiếng nghìn xưa vọng về, rất khẽ. Cũng phải thú nhận, với đôi phần xấu hổ đi kèm, rằng những tấm hình được gửi đến độc giả đều nhờ vào những tiểu xảo mà tôi đã dụng công bày vẽ, để chụp trộm mà không bị mấy ông bảo vệ “lượn như đèn cù, mắt như cú vọ” phát hiện ra. Mục đích tốt đủ sức biện minh cho hành động tồi, cũng đành nghĩ vậy cho lương tâm đỡ cắn rứt!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/hanh-trinh-kham-pha/ky-4-xay-bao-tang-cho-co-vat--620745/