Kỳ 5: Bản cao không xa

PTĐT - Sinh Tàn, xã Thượng Cửu là bản cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn. Từng được đồn đoán là 'vùng đất hủi' ...

Ông Triệu Văn Lâm (người đứng giữa) – một trong những người đầu tiên đến dựng nhà, sinh sống ở đất Sinh Tàn bên căn nhà mới xây của gia đình có trị giá gần 600 triệu đồng.

Ông Triệu Văn Lâm (người đứng giữa) – một trong những người đầu tiên đến dựng nhà, sinh sống ở đất Sinh Tàn bên căn nhà mới xây của gia đình có trị giá gần 600 triệu đồng.

>>> Kỳ I: Xóm mới không còn... cũ !>>> Kỳ 2: Ngày mới ở Lóng>>> Kỳ 3: Đổi thay ở Sáu Khe>>> Kỳ 4: Khu Hon thay áo mớiPTĐT - Sinh Tàn, xã Thượng Cửu là bản cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn. Từng được đồn đoán là “vùng đất hủi” nhưng vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, Sinh Tàn giờ đây đang từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều ngôi nhà mới xây kiên cố đã được dựng lên, cuộc sống của bà con cũng ngày càng khởi sắc…

“Vùng đất hủi”
Ông Triệu Văn Lâm – năm nay đã 87 tuổi, một trong những người đầu tiên đến dựng nhà, sinh sống ở đất Sinh Tàn nhớ lại: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, Sinh Tàn chưa có người ở, được đồn đoán là nơi rừng thiêng nước độc, “vùng đất hủi” - có nhiều người mắc bệnh phong nên không ai dám đến. Do biết nghề thuốc chữa bệnh đồng thời muốn thử thách khả năng của bản thân nên tôi quyết định bỏ qua mọi lời ngăn cản để đi khai phá vùng đất mới. Khi đến thì thấy nơi đây rừng, đất tốt chứ không giống như lời đồn, tôi đã đưa cả vợ con đến cùng sinh sống. Trong thời gian này, một số hộ từ xã Tân Lập cũng xuống dựng nhà, lập bản rồi dần dần hình thành nên bản Sinh Tàn.Dù đã có người sinh sống nhưng Sinh Tàn gần như vẫn tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ trung tâm xã Thượng Cửu lên bản chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, ngoằn nghèo khúc khuỷu với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Con đường đất đỏ, hai bên giăng kín những gốc giang. Trời mưa, nước từ lá giang chảy xuống làm con đường càng trở nên trơn trượt, muốn đi lên đến bản, người dân hay cán bộ địa phương phải lấy dây thừng quấn vào xích xe hoặc chặt cành cây đập dập buộc vào phía sau bánh tạo lực cản, tăng độ bám mới đi được đến nơi…

Điểm trường Tiểu học Thượng Cửu tại khu Sinh Tàn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xe ô tô có thể đi vào tận nơi.

Điểm trường Tiểu học Thượng Cửu tại khu Sinh Tàn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xe ô tô có thể đi vào tận nơi.

Vì thế mà cuộc sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả bản ngày xưa chỉ đào được hai con ruộng, trồng lúa gié, năng suất thấp. Không chỉ vậy, muông thú nhiều thường xuống phá nương. Để giữ lương thực, bà con phải làm chòi, dựng lán ở ngay tại ruộng, buộc dây dừng vào ca táp (cây bương bổ đôi) kép dập vào nhau nhằm tạo tiếng động xua thú dữ…Ông Đinh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết: Bản Sinh Tàn có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây trước kia được gọi là “ốc đảo”, cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Sau này, ngoài làm nương, bà con trồng rừng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do vốn ít, không có tiền mua cây giống nên trước kia bà con chỉ trồng bồ đề là chủ yếu. Đây là giống cây có thời gian cho thu hoạch ngắn nhưng dễ bị sâu bệnh và phá, làm bạc màu đất nhanh. Vì vậy, dù vất vả nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bao vây lấy người dân nơi đây. Bên cạnh đó, do đường lên bản rất khó khăn, nông sản làm ra đều bị thương lái ép giá, hiệu quả kinh tế không cao trong khi muốn mua được nhu yếu phẩm từ bên ngoài bà con thường phải đi bộ khoảng 3 – 4 tiếng mới xuống đến khu trung tâm. Cả bản chưa có gia đình nào dựng được nhà xây, không có điện, sóng điện thoại cũng không... Ngày nắng thì có thể nhờ đưa công văn, giấy tờ lên bản còn ngày mưa thì Sinh Tàn lại gần như bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Đổi thay ở Sinh Tàn
Trước những khó khăn của bản Sinh Tàn, để giúp bà con dân bản an cư lạc nghiệp đồng thời thực hiện chủ trương xóa điểm trắng về đảng viên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm đến công tác tạo nguồn kết nạp Đảng tại đây.
Ông Bùi Quang Doanh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2002, Sinh Tàn chỉ có khoảng hơn bốn chục nóc nhà sinh sống, cả bản đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trong bản lúc đó trưởng khu Bàn Văn Chiêu là người có uy tín, luôn nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm với công việc. Nhận thấy đây là quần chúng ưu tú có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đảng ủy xã Thượng Cửu đã giao chi bộ khu Tu Chạn – Cảy bồi dưỡng, kết nạp trưởng khu Chiêu vào Đảng. Đến năm 2007, sau khi đủ điều kiện thì chi bộ khu Sinh Tàn – chi bộ thứ 11 trong tổng số 13 chi bộ thuộc Đảng bộ xã Thượng Cửu được thành lập. Đồng chí Bàn Văn Chiêu được bầu làm Bí thư chi bộ, đồng thời, Đảng ủy xã cũng điều đồng chí Hà Văn Đình – Đảng ủy viên và là xã Đội trưởng (nay gọi là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã) về sinh hoạt tại tại chi bộ.

Đảng viên đầu tiên của khu Sinh Tàn – ông Bàn Văn Chiêu

Đảng viên đầu tiên của khu Sinh Tàn – ông Bàn Văn Chiêu

Với quyết tâm đưa kinh tế của khu đi lên, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy xã, Bí thư chi bộ Bàn Văn Chiêu cùng các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc chung, tích cực học hỏi, nắm vững các chủ trương, đường lối chính sách Đảng và Nhà nước để tuyên truyền cho người dân cùng thực hiện, làm theo. Trước tiên là vận động bà con không di canh di cư mà tập trung phát triển chăn nuôi tại gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao. Tiếp đó là khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được đến trường, được học cái chữ để nắm bắt các tri thức mới…

Ông Bàn Văn Chiêu (đứng giữa) thường xuyên tìm hiểu và tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân trong khu.

Ông Bàn Văn Chiêu (đứng giữa) thường xuyên tìm hiểu và tuyên truyền về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân trong khu.

Đặc biệt, sau nhiều lần phá núi, mở đường, từ con đường đất đỏ, dốc cao thẳng đứng, thường xuyên bị sạt lở sau mưa lũ, đến năm 2012, được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tuyến đường bê tông từ xã lên khu đã được hình thành. Từ đó, Sinh Tàn thay đổi rất nhiều từ nhận thức đến đời sống của người dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng khu luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Trước đây, trong khu nhiều hộ muốn xin vào hộ nghèo để được nhận các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì nay các hộ đó lại chủ động xin thoát nghèo. Thậm chí, nhiều hộ vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi như hộ ông Triệu Văn Quang, Triệu Văn Phú, Đặng Văn Hà… nhờ trồng rừng, nông sản kết hợp chăn nuôi mỗi năm một hộ cũng thu được khoảng trên 100 triệu đồng… Số hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ có nhà xây kiên cố tăng cao. Khu hiện có 73 hộ thì chỉ còn 14 hộ nghèo, gần 20% số hộ có nhà xây kiên cố.

Công trình điểm trường Mầm non Sinh Tàn đang được triển khai xây dựng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng đem lại thuận lợi cho học sinh và người dân trong khu.

Công trình điểm trường Mầm non Sinh Tàn đang được triển khai xây dựng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng đem lại thuận lợi cho học sinh và người dân trong khu.

Đồng chí Đặng Thế Mão – Bí thư chi bộ khu Sinh Tàn cho biết: Tôi được bầu làm Bí thư chi bộ khu từ năm 2013. Được sự ủng hộ, tín nhiệm của bà con nên các chương trình, hoạt động của chi bộ, khu dân cư đều được triển khai rất thuận lợi. Tiêu biểu như mới đây, trong khu có hộ ông Lê Văn Thân đã hiến gần 1.000m2 đất để làm đường điện cao thế. Nhờ đó, khu đã chính thức có điện lưới vào tháng 1/2021. Hiện nay, khu tiếp tục được đầu tư xây dựng điểm trường Mầm non với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng thay thế cho hệ thống nhà lớp học cũ đã xuống cấp. Bà con trong khu đều rất phấn khởi, vui mừng…

Cô và trò điểm trường Tiểu học Thượng Cửu tại khu Sinh Tàn trong niềm vui đến lớp.

Cô và trò điểm trường Tiểu học Thượng Cửu tại khu Sinh Tàn trong niềm vui đến lớp.

Chia tay Sinh Tàn trong một buổi chiều tháng 4 nhiều nắng, khi hoa trẩu nở trắng khắp các vạt rừng tôi vẫn nhớ như in những khuân mặt, nụ cười của bà con dân bản. Tôi đặc biệt nhớ câu nói của ông Triệu Văn Lâm – một trong những người đầu tiên đến bản: Đến nay, gia đình tôi đã có 4 đời sinh sống ở bản Sinh Tàn. Từ hai bàn tay trắng, giờ tôi đang được ở trong căn nhà xây kiên cố có trị giá khoảng 600 triệu đồng. Nhà có 5 người con, thì cả năm người đều có cuộc sống và có công việc ổn định. Tuổi già, tôi không còn phải lo nghĩ nhiều nữa…Niềm vui của ông Lâm cũng là niềm vui của nhiều người dân trong bản Sinh Tàn. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của bà con nhân dân, Sinh Tàn sẽ ngày càng trở nên giàu đẹp và bản vùng cao sẽ không còn xa trong chặng đường phát triển chung của huyện Thanh Sơn cũng như của tỉnh nhà…

Nhóm PV phòng Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202104/ban-cao-khong-xa-176720