Kỳ 8: Cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường khí đốt ở châu Âu

Nếu dầu mỏ được ví là 'vàng đen' thì khí đốt được coi là 'vàng xanh' và cả 2 loại năng lượng này đều được mua bán trên thị trường thế giới bằng USD. Do đó, để duy trì vị thế toàn cầu của USD, Mỹ không chỉ theo đuổi sử dụng chiến tranh để giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ mà còn cả tài nguyên khí đốt.

Đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức_Ảnh: AFP

Đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức_Ảnh: AFP

Từ thời Chiến tranh lạnh tới nay, khí đốt tự nhiên được ví như một thứ “vàng xanh” đối với các nước châu Âu, là “tử huyệt” đối với nền công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trong cuộc sống hằng ngày của các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới ở lục địa già. Các cơ sở cung ứng khí đốt của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay sang châu Âu được thiết lập dựa trên các thỏa thuận từ những năm 60 của thế kỷ XX, sau đó được mở rộng hơn nữa vào những năm 70 và 80 trên cơ sở “Chính sách hướng Đông”, còn được gọi là “Ostpolitik” do Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Willy Brandt đề xuất vào cuối những năm 60. Đức và Italia là 2 quốc gia khởi đầu sự liên kết về dầu mỏ và khí đốt giữa Liên Xô trước đây và Nga hiện nay với châu Âu.

Sau Chiến tranh lạnh, đa số các nước châu Âu là bạn hàng khí đốt của Nga, trong đó tỷ lệ nhập khẩu “vàng xanh” từ Nga trong tổng nhu cầu năng lượng của mỗi nước vẫn rất lớn: các nước Latvia, Litvia, Macedonia, Estonia và Phần Lan là 100%, Belarus (98%), Slovakia (98%), Bulgaria (92%), Serbia và Montenegro (87%), Cộng hòa Séc (77%), Hy Lạp (76%), Ukraina (66%), Thổ Nhĩ Kỳ (64%)... Trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraina vào năm 2014, Nga kiểm soát các tuyến đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu qua Ukraina, tuyến Dòng chảy phương Bắc đi từ Nga sang Đức, tuyến Dòng chảy phương Nam từ Nga đi qua Biển Đen tới Bungaria và tuyến Dòng chảy xanh từ Nga đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraina. Tuyến đường ống này tồn tại từ thời Chiến tranh lạnh, trong đó Liên Xô chưa bao giờ sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí đối với các nước châu Âu và dòng “vàng xanh” vẫn luôn được cung cấp không ngừng nghỉ và rất an toàn, với giá thấp, cho các bạn hàng trên châu lục này. Sau Chiến tranh lạnh, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu, trong đó có 25% trong số 80% nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga được trung chuyển qua Ukraina. Vì thế, Ukraina có vị thế rất ưu việt trong việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Sau cuộc đảo chính do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành trong tháng 2-2014 và dựng lên ở Kiev chính quyền do Washington kiểm soát, vị thế này của Ukraina bị suy giảm do các mâu thuẫn chính trị phát sinh với Nga và do khủng hoảng kinh tế. Trong điều kiện đó, EU phải “vét hầu bao” của họ để cung cấp cho Ukraina nhiều gói tín dụng nhằm tạo điều kiện cho Kiev thanh toán nợ khí đốt của Nga.

Tuyến Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). Tuyến đường ống này bao gồm 2 nhánh Dòng chảy phương Bắc-1 và Dòng chảy phương Bắc-2. Nhánh Dòng chảy phương Bắc-1 chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu xuất phát từ thị trấn Babayevo thuộc tỉnh Vologda của Nga đi qua biển Baltic tới Greifswald của Đức, từng đi vào hoạt động từ năm 2011. Tham gia xây dựng đường ống này có các công ty của Nga, Đức, Hà Lan và Pháp và là dự án liên doanh quốc tế của Tập đoàn Gazprom của Nga (chiếm 51% cổ phần), Công ty Wintershall Dea của Đức (15,5%), Công ty E.ON của Đức (15,5%), Công ty NV Nederlandse Gasunie của Hà Lan (9%) và Công ty Engie của Pháp (9%). Nhánh Dòng chảy phương Bắc-2 đã hoàn thành lắp đặt vào năm 2021 nhưng chưa đi vào hoạt động do các đối tác của Nga ở châu Âu bị Mỹ khống chế với lý do Nga sử dụng khí đốt làm “vũ khí địa - chính trị”.

Tuyến Dòng chảy phương Nam (South Stream). Đây là tuyến đường ống dẫn khí đốt do Nga đề xuất hợp tác với các nước châu Âu, được khởi công xây dựng từ năm 2012 để vận chuyển khí đốt từ Nga sang nhiều nước Trung - Đông Âu và Tây Âu, vòng tránh lãnh thổ Ukraina bởi Moscow đã dự báo trước tình hình chính trị bất ổn ở Kiev. Các chủ đầu tư chính của dự án Dòng chảy phương Nam là Tập đoàn Gazprom của Nga (chiếm 50% cổ phần), Tập đoàn dầu khí Italia ENI (20%) và Công ty Wintershall của Đức. Tuyến Dòng chảy phương Nam xuất phát từ Nga đi qua thềm lục địa ở Biển Đen tới cảng Varna của Bungaria, rồi từ đó chia thành 4 nhánh đến các nước Trung - Đông Âu và Tây Âu. Theo dự kiến, tuyến này sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2015. Bằng cách tiến hành cuộc đảo chính ở Kiev trong tháng 2-2014 và dựng lên chính quyền mới của Ukraina do Washington kiểm soát, Mỹ đã lôi kéo các nước châu Âu cô lập và cấm vận Nga, đồng thời gây sức ép và buộc Bungaria từ chối tham gia dự án Dòng chảy phương Nam. Do Bungaria là nơi tiếp nhận khí đốt của Nga để từ đó phân phối cho các nước châu Âu nên một khi họ không tham gia thì dự án này bị phá sản hoàn toàn toàn.

Dự án Dòng chảy xanh (Blue Stream). Sau khi dự án tuyến Dòng chảy phương Nam lâm vào tình trạng bế tắc này, ngày 1-12-2014, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga V. Putin đã phải đưa ra quyết định dừng dự án Dòng chảy phương Nam và chuyển sang đầu tư và nâng cấp dự án Dòng chảy xanh là tuyến đường ống đi từ Nga đi qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó chuyển khí đốt sang châu Âu. Tuyến Dòng chảy xanh có chiều dài 1.213km, gồm 3 đoạn. Đoạn 1 đi qua lãnh thổ Nga tới Biển Đen dài 373km. Đoạn 2 đi từ Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ dài 396km. Đoạn 3 đi qua trên đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ dài 444 km. Dự án được xây dựng theo thỏa thuận ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1997. Đến năm 2010, tuyến đường ống này đã đi vào hoạt động. Theo quyết định của Tổng thống Nga V. Putin, dự án Dòng chảy xanh sẽ được nâng cấp và phát triển thành Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Từ tháng 10-2014, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất tăng công suất tới 19 tỷ mét khối/năm. Ngày 7-4-2015, các nước Hy Lạp, Serbia, Macedonia, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tham gia dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thầu chính của dự án này là Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, các đối tác châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Macedonia là quốc gia không chỉ phản đối các biện pháp cấm vận Nga của Mỹ và EU nhằm vào Nga mà còn quyết định tham gia dự án tuyến Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lý do nặng ký khiến Mỹ áp dụng kịch bản Maidan ở Kiev để loại bỏ chính phủ cầm quyền ở Macedonia như họ từng loại bỏ chính thể của Tổng thống Yanukovych ở Ukraina.

Tuyến đường ống Nabuco. Đây là dự án của EU và Mỹ, được khởi công từ năm 2009, với việc xây dựng tuyến đường ống xuất phát từ bờ biển Caspi ở Trung Á, vòng tránh lãnh thổ Nga và Ukraina, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới 3 nước châu Âu là Bungaria, Romania, Hungary và Austria. Dự án này được coi là đối thủ cạnh tranh với dự án Dòng chảy phương Nam do Nga đứng đầu. Mục tiêu của dự án Nabucco là hạn chế sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, tiến tới đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên, đến nay dự án Nabuco đã bị dừng lại vì EU gặp khó khăn về kinh tế và chưa tiếp cận được với các nguồn khí đốt ở Trung Á do không thể cạnh tranh được với Trung Quốc và Nga trong việc kiểm soát nguồn khí đốt ở Trung Á. Để cứu dự án Nabucco khỏi bị phá sản, Mỹ quyết định “cài đặt lại” quan hệ với Iran, theo đó chấp nhập cho Teheran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình theo thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với Iran đạt được ngày 2-4-2015. Đổi lại, Mỹ sẽ lôi kéo Iran tham gia dự án Nabucco để đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt ở châu Âu bởi Iran sở hữu nguồn khí đốt lớn thứ 2 thế giới, sau Nga. Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump quyết định đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 và quyết định cấm vận Iran, cũng đồng nghĩa với việc cáo chung dự án Nabuco.

Tuyến ống dẫn khí xuyên biển Adriatic. Đây là dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua biển Adriatic (TAP) được EU chủ trương xây dựng để chuyển tải khí đốt từ biển Caspi (Azerbaijan) và Trung Đông tới thị trường châu Âu, khởi đầu từ Hy Lạp, qua Albania và biển Adriatic tới Italia và các nước khác ở Tây Âu. TAP do 3 công ty EGL của Thụy Sĩ, Statoil của Na Uy và E.ON Ruhrgas của Đức xây dựng. Dự án này thất bại do không thể cạnh tranh về giá cả và hiệu quả với các dự án khác.

Tuyến Dòng chảy trắng (White Stream). Đây là dự án của Ukraina nhằm chuyển tải khí đốt từ Gruzia, qua đáy Biển Đen tới Ukraina và đi sang châu Âu, vòng tránh lãnh thổ Nga. Dự án này cạnh tranh với dự án Nabucco nhưng đã bị phá sản do tình hình bất ổn ở Ukraina.

Dự án của Mỹ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Mỹ theo đuổi tham vọng lớn kiểm soát toàn bộ thị trường khí đốt châu lục này bằng 3 nguồn. Một nguồn từ Mỹ, nguồn thứ hai là phát triển công nghệ chế biến dầu và khí đốt từ các mỏ đá phiến của chính các nước châu Âu, nguồn thứ ba là đưa khí đốt từ các nước Trung Đông do Mỹ kiểm soát tới châu Âu. Trong chuyến thăm châu Âu năm 2014 khi cuộc khủng hoảng Ukraina lên tới đỉnh điểm, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cam kết với các nước châu lục này là Washington sẽ bảo đảm cung cấp khí đốt thay thế khí đốt của Nga. Một trong những mục tiêu mà Mỹ đặt ra khi cùng với Pháp, Đức và Ukraina xóa bỏ Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua về giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraina và dồn Nga vào thế “chân tường”, buộc Tổng thống Nga V. Putin phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24-2-2022 là mượn cớ đó cắt đứt tất các các tuyến đường ống dẫn khí đốt và dầu mỏ của Nga sang châu Âu.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ lôi kéo các nước châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga với bảo đảm rằng Washington sẽ thay thế Nga trên thị trường năng lượng của châu Âu. Theo hướng đó, Mỹ đã gây ra vụ nổ phá hoại tuyến Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Mặc dù Washington tuyên bố Mỹ không có liên quan tới vụ phá hoại này, nhưng nhà báo điều tra kỳ cựu Seymour Hersh -người từng điều tra về vụ lính Mỹ gây ra vụ thảm sát ở Sơn Mỹ của Việt Nam - cho biết, căn cứ vào những thông tin chính thức mà ông có, chính Mỹ là thủ phạm gây ra vụ nổ phá hoại tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc-2. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo tại cuộc họp báo vào ngày 7-2-2022: “nếu Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraina thì sẽ không còn đường ống Nord Stream-2 nữa. Chúng tôi sẽ kết liễu nó”.

Theo nhà báo Seymour Hersh, những người ban đầu được yêu cầu thực hiện vụ phá hoại đường ống Nord Stream-2 đã được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan liên hệ từ cuối năm 2021. Ngày 15-2-2023, phái đoàn của Nga tại Liên hợp quốc cho biết, nước này triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để thảo luận về việc tổ chức cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc-2. Tuy nhiến, kết quả điều tra vẫn chưa được công bố và có lẽ sẽ không bao giờ được công bố do phía Nga - bên bị thiệt hại nhiều nhất - lại không được tham gia cuộc điều tra này.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-8-cuoc-chien-gianh-quyen-kiem-soat-thi-truong-khi-dot-o-chau-au-692511.html