Kỳ án chủ nợ thành bị cáo: Tòa cấp cao 'tuýt còi' cả 2 bản án
Theo Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM nhận định, chưa đủ cơ sở để kết tội 'Cố ý gây thương tích' đối với bị cáo Nguyễn Văn Thanh (SN 1975, ngụ P.Thạnh Lộc, Q12, TPHCM). Từ đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án hình sự phúc thẩm của TAND TPHCM và sơ thẩm của TAND Q5; chuyển hồ sơ cho Viện KSND Cấp cao tại TPHCM điều tra lại...
Sơ thẩm kêu oan, phúc thẩm y án…
Liên quan đến vụ án này, Báo CATP (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã có bài phản ánh, chỉ rõ Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2020/HS-ST ngày 27-5-2020 của TAND Q5, TPHCM (Bản án số 53) có nhiều "lỗ hổng".
Theo cáo trạng, ông Thanh và ông Trần Trung Trinh (SN 1972, ngụ Q1, TPHCM) quen biết nhau năm 2016, sau đó phát sinh mâu thuẫn về nợ tiền. Sáng 06-4-2018, ông Thanh đi công việc thì gặp ông Trinh tại quán cà phê ở chung cư Nguyễn Trãi, P8, Q5, liền yêu cầu trả 400 triệu đồng. Ông Trinh không đồng ý, cho rằng không còn nợ Thanh, dẫn đến 2 bên cự cãi, đánh nhau. Công an P8 đã mời 2 người về trụ sở làm việc.
Ngày 10-4-2018, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có giấy chứng nhận, xác định: Ông Trinh vào viện 14 giờ ngày 06-4-2018, ra viện 1 tiếng sau đó. Bệnh nhân bị "đứt bán phần" dây chằng chéo trước gối phải, tổn thương phần mềm ngón V tay phải.
Ngày 15-6-2018, Trung tâm Pháp y (thuộc Sở Y tế TPHCM) ra Bản kết luận giám định pháp y (KLGĐPY) số 441/TgT.18, xác định: Ông Trinh bị "đứt dây chằng chéo" trước gối phải, tổn thương 13%; chấn thương phần mềm ngón V bàn tay phải 3%. Cộng chung, ông Trinh bị tổn thương cơ thể 16%.
Xuyên suốt quá trình tố tụng, ông Thanh một mực kêu oan. Bị can thừa nhận có nắm cổ áo ông Trinh; trong lúc giằng co, ông Trinh đã dùng chân đạp vào người nên ông né tránh, ông Trinh bị mất thăng bằng, tự té ngã xuống đường.
Vụ án không có gì phức tạp, nhưng từ tháng 4-2019 đến tháng 01-2020, TAND Q5 đã 5 lần mở phiên tòa rồi hoãn xét xử để điều tra bổ sung, thậm chí thay cả thẩm phán chủ tọa.
Phiên tòa lần thứ 6 được mở ngày 27-5-2020, với HĐXX do thẩm phán Vũ Kim Liên ngồi ghế chủ tọa. Trong khi một loạt vấn đề chưa làm rõ, nhất là việc giám định lại thương tật của bị hại (xác định ông Trinh bị "đứt bán phần" hay "đứt toàn phần" dây chằng?), HĐXX tuyên Bản án số 53, xử phạt bị cáo Thanh 2 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích".
Với niềm tin vào công lý, ông Thanh tin tưởng lần này TAND Q5 sẽ xem xét toàn diện vụ án, đặc biệt là Quyết định GĐT số 19/2022/HS-GĐT của TAND Cấp cao tại TPHCM, nhằm tránh oan sai.
Không chỉ kháng cáo kêu oan, ông Thanh gửi đơn đến Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, tố cáo thẩm phán ra bản án "4 không", trái pháp luật. Bản án số 53 hiện ra nhiều "lỗ hổng". Thế nhưng thật bất ngờ, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-9-2020, TAND TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán Phan Thanh Nguyễn (chủ tọa), Vũ Văn Lệ và Phan Nguyên Nguyên, tuyên Bản án phúc thẩm số 468/2020/HS-PT (Bản án số 468), bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với bị cáo Thanh.
Cần xem xét khách quan, công tâm
Xem xét đơn kêu oan của người bị kết án, ngày 21-5-2021, Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM ký Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (GĐT), hủy cả 2 Bản án số 53 và 468. TAND Cấp cao tại TPHCM với Ủy ban thẩm phán gồm 10 thành viên đã mở phiên GĐT ngày 14-02-2022. Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nêu quan điểm: Đề nghị Hội đồng GĐT chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM.
Xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, Hội đồng GĐT nhận định: Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ lời khai của bị hại Trinh, lời khai của 2 nhân chứng Trần Tuấn Vinh và Nguyễn Thị Tuyết Nhung; các biên bản đối chất giữa bị cáo với bị hại, nhân chứng; Bản KLGĐPY số 441/TgT.18 ngày 15-6-2018 của Trung tâm Pháp y TPHCM, xác định bị cáo Thanh dùng chân đạp vào bụng bị hại Trinh làm bị hại té ngã ngửa xuống đường, gây ra thương tích là chưa có cơ sở.
Thứ nhất, theo lời khai của bị hại, bị cáo Thanh dùng chân phải đạp vào bụng làm ông té ngã ngửa xuống đường, dẫn đến thương tích ở đầu gối phải và phần mềm ngón V bàn tay phải. Vấn đề đặt ra: Đạp vào bụng, sẽ gây ra thương tích nào trên người bị hại? Đạp vào bụng có khả năng gây đứt dây chằng chéo trước gối phải và chấn thương phần mềm ngón V bàn tay phải của bị hại hay không? Nếu có, tỉ lệ gây ra chấn thương là bao nhiêu %?
Thứ hai, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-8-2020, giám định viên Mai Quang Trường giải thích: "Tư thế ngã ngửa không thể gây ra chấn thương của bị hại Trinh". Giám định viên xác định thương tích của bị hại là do cơ chế "vặn xoắn". Theo lời khai của bị cáo Thanh, bị hại đạp về phía người Thanh nhưng bị cáo tránh được nên ông Trinh bị mất thăng bằng (do đạp hụt) dẫn đến té ngã ngửa xuống đường. Trường hợp này, bị hại có khả năng ngã "vặn xoắn" gối phải và chấn thương ngón V bàn tay phải hay không?
Hội đồng GĐT nhấn mạnh: Việc xác định nguyên nhân gây ra thương tích cho ông Trinh là cần thiết. Trong khi các lời khai mâu thuẫn chưa được điều tra làm rõ đâu là sự thật khách quan nhưng cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử, kết án bị cáo Thanh là chưa có cơ sở.
Thứ ba, Bản KLGĐPY số 441/TgT.18 xác định thương tích ngón V bàn tay phải của bị hại có tỉ lệ 3% là "chấn thương phần mềm", nhưng lại áp dụng tỉ lệ tổn thương "viêm khớp ngón tay". Việc áp dụng này cần phải được Trung tâm pháp y TPHCM giải thích có phù hợp hay không?
Những mâu thuẫn và thiếu sót nêu trên cần được điều tra lại để làm rõ. Từ đó, HĐXX ra Quyết định GĐT số 19/2022/HS-GĐT, tuyên: Hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 468 của TAND TPHCM và Bản án sơ thẩm số 53 của TAND Q5, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Cấp cao tại TPHCM điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 22-9-2022, Viện trưởng Viện KSND Q5 ký cáo trạng, giữ nguyên quan điểm truy tố ông Thanh về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS 2015, bổ sung năm 2017, với mức án từ 2 - 6 năm tù. Đáng chú ý, bản cáo trạng mới này, Viện KSND Q5 tiếp tục sử dụng Bản KLGĐPY số 441/TgT.18.
Ông Thanh tiếp tục kêu oan. Trong đơn mới nhất gửi các cơ quan chức năng và báo chí, bị can trình bày bức xúc: "Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM với 10 thành viên đã xem xét tận tường, chỉ rõ nhiều "lỗ hổng" của vụ án, trong đó, mấu chốt chính là Bản KLGĐPY số 441/TgT.18. Cả 2 cấp tòa trước đó đã sử dụng chứng cứ này để kết án tôi nhưng đã bị Hội đồng GĐT khẳng định chưa có cơ sở. Do đó, thương tật của bị hại nhất thiết phải được giám định lại mới có đủ căn cứ xử lý triệt để vụ án. Trong khi chưa đưa được ông Trinh đi giám định lại, nhằm đảm bảo tính khách quan thì Viện trưởng Viện KSND Q5 tiếp tục truy tố tôi bằng Bản KLGĐPY số 441/TgT.18 ngày 15-6-2018".