Kỳ án 'Giao cấu với trẻ em' tại Quận 3: Hủy án sơ thẩm để xét xử lại
Kỳ án 'Giao cấu với trẻ em' tại Quận 3, TP.HCM với hàng loạt những uẩn khúc kêu oan của bị cáo đã được làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm. Những vi phạm tố tụng của điều tra viên đã được phơi bày, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung…
Bị cáo khẩn thiết kêu oan
Như Báo Công lý đã đưa tin, các cơ quan tố tụng Quận 3 xác định trong khoảng thời gian từ ngày 24/02/2013 đến ngày 26/4/2013, bị cáo Nguyễn Đức A. M. đã 5 lần thực hiện hành vi giao cấu với bị hại P.N.P.M tại hai địa điểm là quán cà phê Say số 540/2 Cách Mạng Tháng 8, phường 11, Quận 3 và tại nhà số 443/45F Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3 khi M. chưa đủ 16 tuổi.
Bản án sơ thẩm của TAND Quận 3 không tuyên bố Nguyễn Đức A.M phạm tội nhưng vẫn tuyên phạt bị cáo 4 năm tù. Sau hơn 1 tháng, thẩm phán chủ tọa Vương Xuân Đức ký thông báo sửa chữa, bổ sung mới tuyên bố bị cáo phạm tội “Giao cấu với trẻ em”. Nguyễn Đức A.M tiếp tục khẩn thiết kêu oan, đề nghị TAND TP.HCM làm rõ các uẩn khúc trong vụ án, minh oan cho bị cáo…
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/8/2019, Nguyễn Đức A.M xác định có quen P.M khoảng cuối năm 2012 đến giữa 2013, có mời P.M đến quán cà phê Say uống nước, đánh đàn nhưng không quan hệ tình dục; chưa bao giờ mời P.M về nhà riêng chơi. Quá trình điều tra, điều tra viên Nguyễn Xuân Thọ, Công an Quận 3 đã đe dọa bức cung bị cáo nhận tội. Ngày 2/4/2014, ông Thọ dọa giam chung bị cáo với người nhiễm HIV, dọa báo nhà trường đuổi học, câu lưu bị cáo từ sáng đến 19 giờ tối nên A.M lo sợ, mệt mỏi nên đã khai và viết bản tường trình theo hướng dẫn của ông Thọ. Tại cấp sơ thẩm, các luật sư cũng đã làm rõ việc bức cung này của điều tra viên. Bị cáo mong cấp phúc thẩm xem xét toàn diện vụ án, tuyên bị cáo không phạm tội.
Bà Hồ Thị Thanh Xuân, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng tuy bị cáo không nhận tội nhưng lời khai bị hại, kết quả giám định âm thanh và các tài liệu khác cho thấy đủ căn cứ kết luận A.M phạm tội “Giao cấu với trẻ em”. Bị cáo không cung cấp được tình tiết nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
Tranh luận với vị đại diện VKS, luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu rõ: Quá trình điều tra, CQĐT tiến hành khám nghiệm hiện trường, không có Kiểm sát viên tham gia và Biên bản lấy lời khai của người bị tình nghi có Viện kiểm sát ký vào là vi phạm tố tụng; Kết luận giám định pháp y không xác lập được ADN; CQĐT thu mẫu giám định âm thanh không đúng quy trình, phương thức; Kết luận giám định về âm thanh có nhiều mâu thuẫn; Kết quả xác minh tại Công ty Viễn thông về cuộc gọi của bố bị hại đến bị cáo A.M mâu thuẫn nhau về thời gian, nên nó không có giá trị chứng minh. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Nhiều vi phạm gây bất lợi cho bị cáo
Qua tranh tụng, HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tọa phiên tòa nhận định: CQĐT, VKSND Quận 3 và Tòa án cấp sơ thẩm kết luận bị cáo giao cấu với bị hại 05 lần, trong đó có 02 lần tại nhà của bị cáo nhưng không có chứng cứ nào để chứng minh lần giao cấu thứ 2 tại nhà, ngoài lời khai của bị hại.
Ngày 31/10/2013, CQĐT Công an Quận 3 tiến hành khám nghiệm hiện trường tại nhà số 443/45F Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3 nhưng không có Viện kiểm sát tham gia là vi phạm vào khoản 2, Điều 150 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Bởi, tại khoản 2 Điều này qui định: “...Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường”
Xét kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Đức Tài và bà Nguyễn Huế Xuân (cha mẹ bị cáo A.M) về việc đòi lại 200 triệu đồng đã bồi thường thiệt hại cho bị hại, HĐXX phúc thẩm thấy rằng: Cấp sơ thẩm đã bỏ sót, không giải quyết yêu cầu của ông Tài và bà Xuân. Theo quy định của pháp luật, yêu cầu đó phải được giải quyết trong cùng vụ án mới khách quan, toàn diện và đầy đủ. Về vấn đề này, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Tài, bà Xuân xác định bị đe dọa tống tiền, do lo sợ an nguy tính mạng cho con nên mới bồi thường khoản tiền trên. Do đó, ông bà đề nghị cấp phúc thẩm buộc cha mẹ bị hại phải trả lại tiền.
HĐXX nhận định: Những vi phạm như đã nêu trên đã gây bất lợi cho bị cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Tài và bà Xuân nên cần phải hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại mới đảm bảo quyền lợi của bị cáo, bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 16/2019/HS-ST; Giao hồ sơ về cho TAND Quận 3 để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung, với thành phần HĐXX khác.
Sau phiên tòa, ông Nguyễn Đức Tài bày tỏ: “Suốt hơn 6 năm qua, gia đình chúng tôi lao đao trước những vi phạm pháp luật tố tụng đặc biệt nghiêm trọng từ Điều tra viên, Kiểm sát viên Quận 3. Bản án phúc thẩm đã phân tích cặn kẽ, chỉ rõ nhiều sai phạm của những cán bộ làm sai lệch bản chất vụ án. Đặc biệt là việc ông Thọ bức cung ngày 2/4/2014, đẩy con tôi vào vòng lao lý. Bên cạnh việc giải quyết lại vụ án, cần xử lý thật nghiêm những người thi hành pháp luật nhưng lại cố ý làm trái. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ sớm được thực thi”.