Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị: Tòa bác đơn kiện Tổng Cục trưởng Hải quan của doanh nghiệp

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã xét xử phiên sơ thẩm vụ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (gọi tắt là Công ty Ngọc Hưng, có trụ sở tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vì quyết định tịch thu lô gỗ trắc của doanh nghiệp này. Chủ tọa phiên tòa là nữ thẩm phán Nguyễn Thị Hà.

Trước đó, tháng 12/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ trắc gần 535,8m3 từ Lào về để xuất khẩu lại sang Trung Quốc. Sau khi đã mở tờ khai hải quan ở cửa khẩu Lao Bảo và đóng thuế cho nhà nước thì bị cơ quan chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan tạm giữ tại Đà Nẵng rồi chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Năm 2014, lô gỗ trắc vật chứng bị cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) bán với giá hơn 63,8 tỷ đồng trong khi vụ án chưa đưa ra xét xử (theo Công ty Ngọc Hưng, lô gỗ này thời điểm đó giá thị trường là 315 tỷ đồng).

Quang cảnh phiên tòa Công ty Ngọc Hưng kiện Tổng cục trưởng Hải quan (ảnh: Xuân Dũng)

Quang cảnh phiên tòa Công ty Ngọc Hưng kiện Tổng cục trưởng Hải quan (ảnh: Xuân Dũng)

Sau hai phiên tòa hình sự sơ thẩm (TAND TP Đà Nẵng năm 2016) và phúc thẩm (Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng năm 2019), Công ty Ngọc Hưng bị tuyên án với tội danh "Buôn lậu" gỗ trắc và gỗ giáng hương với số lượng 78,8 m3 gỗ trong tổng số lô gỗ 535,8m3 nói trên. Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng là ông Trương Huy Liệu (sinh năm 1959) phải thi hành án 7 năm tù. Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng cũng tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền hơn 4,1 tỷ đồng là trị giá của 78,8 m3 gỗ bị kết tội buôn lậu; số tiền còn lại gần 59,7 tỷ đồng do không có căn cứ xem đó là hàng lậu nên tòa phúc thẩm đã tuyên đưa sang cho Tổng cục Hải quan xử lý hành vi vi phạm hành chính do công ty khai sai thực tế với tên hàng.

Bị đơn đại diện Tổng cục Hải quan phát biểu tại tòa (Ảnh: Xuân Dũng)

Bị đơn đại diện Tổng cục Hải quan phát biểu tại tòa (Ảnh: Xuân Dũng)

Tuy nhiên, năm 2020 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan lại ra quyết định hành chính tịch thu tang vật được tính là 59,7 tỷ đồng vì cho rằng Công ty Ngọc Hưng “không có đủ chứng từ hợp pháp”. Dẫn đến việc Công ty Ngọc Hưng đã khởi kiện quyết định hành chính này của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Cuối chiều ngày 7/9 tòa hành chính sơ thẩm TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên bác khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyết định hành chính của Tổng cục Hải quan là đúng pháp luật.

Kỳ án gỗ trắc thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận tỉnh Quảng Trị cũng như các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương (Ảnh: Xuân Dũng)

Kỳ án gỗ trắc thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận tỉnh Quảng Trị cũng như các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương (Ảnh: Xuân Dũng)

Đây là vụ “kỳ án gỗ trắc” kéo dài suốt hàng chục năm trời, được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị theo sát từ đầu và đã hàng chục lần đăng đàn chất vấn tại Quốc hội về những dấu hiệu oan sai trong vụ án này.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (người đeo kính, hàng ghế thứ 2 bên phải) tham gia theo dõi, giám sát phiên tòa (Ảnh: Xuân Dũng)

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (người đeo kính, hàng ghế thứ 2 bên phải) tham gia theo dõi, giám sát phiên tòa (Ảnh: Xuân Dũng)

Liên quan đến việc bán tang vật vụ án này, tháng 9/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao lần lượt ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự. Theo đó, ông Phan Văn Vĩnh - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44, Bộ Công an thời điểm đó) đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-an-go-trac-o-quang-tri-toa-bac-don-kien-tong-cuc-truong-hai-quan-cua-doanh-nghiep-post1567272.tpo