Kỳ án tranh chấp đất tại Kiên Giang: Tòa dân sự phúc thẩm không chấp nhận quan điểm của tòa hành chính
Nhiều căn cứ được HĐXX phiên tòa án hành chính tỉnh Kiên Giang đưa ra để tuyên án và bản án đã có hiệu lực trước đó không được HĐXX phiên tòa dân sự phúc thẩm tỉnh Kiên Giang sau này công nhận sau này – đây là điều đang xảy ra tại TAND tỉnh Kiên Giang.

Ngày 27/11/2020 TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Năm (SN 1958 trú tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và bên bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Theo hồ sơ vụ án, Bà Năm cho biết, bà có diện tích 5.295m2 đất tọa lạc tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Nguồn gốc đất của ông Võ Văn Kịch và bà Hứa Thị Năm khai khẩn sử dụng từ năm 1945 được sự cho phép của chính quyền địa phương, đến năm 1963 ông Kịch chết để lại cho bà Hứa Thị Năm tiếp tục sử dụng trồng lúa, khoai, cây hằng năm để sinh sống. Năm 1989 bà Hứa Thị Năm chết để lại cho con nuôi là bà Nguyễn Thị Năm sử dụng cho đến nay. Quá trình sử dụng đất được nhiều người dân sống trong khu vực xác nhận. Trong quá trình sử dụng bà Năm có kê khai tại sơ đồ 14, 15 và có xin đăng ký quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ giáp ranh có tranh chấp.
Ngày 27/11/2019, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định số 5502/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Nguyễn Thị Năm đã có hành vi chiếm đất với diện tích 4.169,85m2 do Nhà nước quản lý, loại đất là đất thương mại, dịch vụ để trồng cây và xây dựng nhà ở. Buộc bà Năm trả lại đất và di dời công trình xây dựng, cây trồng ra khỏi khu đất. Ngay sau đó bà Năm đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ra TAND tỉnh Kiên Giang yêu cầu hủy Quyết định trên.
Ngày 21/5/2020, Tòa thẩm định tại chỗ diện tích bà Năm, kết quả hiện trạng trên đất gồm có: Một miếu (Dinh) thờ cá Voi xây cất năm 1993, 1 căn nhà ở của bà Năm, 9 cây dừa 20 tuổi chết còn lại thân cây và 1 số công trình, cây trồng trên đất. Tòa án cũng tiến hành ghi lời khai của người dân địa phương xã nhận đó là đất của bà Năm sử dụng liên tục từ 1989 đến nay.
Cũng theo Tòa án Kiên Giang, ngày 13/10/2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc báo cáo kết quả xác minh đơn kiến nại của bà Năm. Kết quả kiểm tra xác minh thể hiện nguồn gốc 5.299m2 đất do ông Kịch cho cháu là bà Năm sử dụng. Tại Báo cáo số 321/BC-UBND tháng 8/2017 UBND huyện Phú Quốc cho biết, năm 2014, Phòng TNMT huyện đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc hướng dẫn bà Năm làm đơn kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi đến UBND xã Dương Tơ. Vẫn theo Báo cáo, năm 2014 và 2016 bà Năm có xin đăng ký quyền sử dụng đất nhưng khi đo đạc thì ông ông Nguyễn Quốc Thới là người có đất giáp ranh tranh chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời theo sơ đồ số 14, 15 sơ đồ địa chính thể hiện bà Năm đứng tên trên sơ đồ với diện tích 5.295m2 tại thửa đất 39,40.
“Từ những chứng cứ trên, có căn cứ để xác định diện tích đất bà Nguyễn Thị Năm đang sử dụng có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng ổn định, liên tục từ trước năm 1963 đến nay”, TAND tỉnh Kiên Giang khẳng định trong bản án và tuyên bà Năm là người thắng kiện.
Nhiều căn cứ quan trọng không xem xét
Sau khi thắng kiện, tháng 1/2021, bà Năm tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất của mình. Tuy nhiên, sự việc không được suôn sẻ, ông Nguyễn Quốc Thới là hộ giáp ranh cho rằng bà Năm chỉ trùng vào khu đất của ông Thới và xảy ra tranh chấp, mặc dù UBND xã Dương Tơ tổ chức hòa giải nhưng không thành. Do đó bà Năm tiếp tục tiến hành khởi kiện ông Thới ra tòa để giải quyết tranh chấp này.
Ngày 18/1/2024, TAND TP Phú Quốc mở phiên tòa dân sự nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Năm, bị đơn là ông Nguyễn Quốc Thới. Tại phiên tòa, TAND TP Phú Quốc nhận định, yêu cầu khởi kiện của bà Năm là có cơ sở chấp nhận, bởi lẽ: “Bản án hành chính sơ thẩm số 83/2020/HC-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án tỉnh Kiên Giang xác định nguồn gốc đất là của Nguyễn Thị Năm, căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, HĐXX xác nhận tình tiết trên là sự thật không phải chứng minh.
Bên cạnh đó TAND TP Phú Quốc nhận định, yêu cầu phản tố của ông Thới đề nghị Tòa công nhận cho ông được sử dụng toàn bộ diện tích là không có cơ sở xem xét, bởi lẽ: Việc ông Thới cho rằng từ năm 1975 ông được thụ hưởng phần đất trên, do ông bà để lại và sinh sống ổn định cho đến nay với diện tích khoảng 27.000m2, năm 1994 UBND huyện Phú Quốc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông với diện tích 23.560m2, phần còn lại ông vẫn quản lý sử dụng nhưng không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh phần diện tích đất tranh chấp 5.292m2 với bà Năm là có nguồn gốc của gia đình ông. Hơn nữa các lần UBND xã Dương Tơ và UBND huyện giải quyết phần đất với bà Năm lấn chiếm của nhà nước quản lý, nhưng không thấy ông Thới tham gia khiếu nại gì, khi bà Năm cho người cất Am thờ cá ông năm 1994 ông Thới cũng không có ý kiến.
Không những thế, theo Tòa TP Phú Quốc, ông Thới có đơn đề nghị Tòa án xác minh người làm chứng, nhưng người này đều xác định không có phần đất hiện tranh chấp có nguồn gốc của gia đình ông Thới. “Do đó lời khai nại của ông Thới là không phù hơp”.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên: Giao cho bà Nguyễn Thị Năm tạm thời tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất 5.269,7m2 có vị trí và các điểm theo Tờ trích đo địa chính thửa đất tranh chấp số TĐ 246/2022 ngày 19/4/2022 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Phú Quốc. Buộc ông Nguyễn Quốc Thới, bà Trần Thị Thu Vân chấm dứt hành vi cản trở bà Nguyễn Thị Năm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Tuy nhiên, tại phiên tòa dân sự phúc thẩm ngày 18/10/2024, HĐXX lại đánh giá, nhìn nhận sự việc khác, trái ngược và bác bỏ nhiều căn cứ mà HĐXX phiên hành chính và HĐXX phiên sơ thẩm trước đó thông qua nên tuyên bác yêu cầu của bà Năm.
Cụ thể, thứ nhất, HĐXX bản án phúc thẩm cho rằng, “Căn cứ theo lời khai của bà Năm thì khoảng năm 1985 bà Năm bỏ đi và không sử dụng” trái ngược với những Bản án của của cả vụ án hành chính và vụ án dân sự sơ thẩm trước đó, cho rằng bà Năm đều khai bà Năm là người quản lý, sử dụng ổn định thửa đất này từ năm 1963 đến nay.
Thứ hai, tại sơ đồ số 14 năm 1993 và sơ đồ số 15 năm 2007 do UBND xã Dương Tơ cung cấp thông tin cho Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang (trong quá trình giải quyết vụ án hành chính) và Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc (trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm) đều thể hiện nội dung: “Theo sơ đồ 14, 15 sơ đồ địa chính thể hiện bà Nguyễn Thị Năm đứng tên trên sơ đồ với diện tích 5.295m2 tại thửa 39, 40 tọa lạc tại cấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”. Tuy nhiên, trong HĐXX vụ án dân sự phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang lại đưa ra nhận định trái ngược hoàn toàn với thực tế và dữ liệu quản lý đất đai tại địa phương, cụ thể: “Trên sơ đồ 14 thì bà Năm... không có tên tại vị trí đất tranh chấp ...”.
Thứ ba, “Về nguồn gốc đất thì gia đình ông Thới có khai khẩn và đã được cấp GCNQSDĐ, còn phần đất giáp ranh gồm đất bào nước và phần đất Gò cát biển thì ông Thới có yêu cầu cơ quan quản lý đất đai tại địa phương xem xét cấp đổi trên giấy chứng nhận để ông Thới được quyền sử dụng toàn bộ phần đất, nhưng không được cơ quan quản lý đất đai tại địa phương chấp thuận, sự việc này được ông Thới khiếu nại và được UBND xã Dương Tơ trả lời khiếu nại từ 2013. Trên sơ đồ 14 thì bà Năm và ông Thới đều không có tên tại vị trí đất tranh chấp, nhưng theo biên bản làm việc ngày 25/03/2009 của UBND xã Dương Tơ cho biết thửa đất số 14 của ông Thới sử dụng có sai lệch so với sơ đồ 14, đồng thời ông Thới có tranh chấp và khiếu nại đối với phần đất bào nước do không được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, có cơ sở để chứng minh ông Thới là người khai thác, sử dụng phần đất bào nước trước bà Năm khởi kiện vụ án hành chính”. Điều này cũng trái với xác nhận của chính quyền địa phương, lời khai của các nhân chứng mà Tòa án đã thu thập được trong vụ án hành chính đều thể hiện rằng nguồn gốc đất thửa đất trên trước năm 1977 là đất do ông Võ Văn Kịch khai phá, sử dụng.
Thứ tư, theo bản án phúc thẩm có thể hiện “bản án hành chính sơ thẩm chỉ tuyên hủy quyết định hành chính, trong phần quyết định của tòa án không tuyên về nguồn gốc cũng như không công nhận quyền sử dụng đất. Do đó, xét thấy bản án hành chính sơ thẩm không phải là bằng chứng để công nhận quyền sử dụng đất của bà Năm” như vậy đã bỏ qua nhận định được chính TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra tại bản án hành chính về nguồn gốc của thửa đất của bà Năm/.