Kỳ Anh đưa chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch hàng năm
Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, khắc phục được các tồn tại hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm, lãnh đạo huyện Kỳ Anh cùng với lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Hội LHPN, đoàn viên thanh niên của 20 xã; các trường tiểu học, trường mầm non, các nhà hàng trên địa bàn toàn huyện đã trao đổi, phổ biến và giải đáp các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Các đại biểu đã tiếp thu một số nội dung về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y dành cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp cho địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam đã chia sẻ những lợi ích trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, cũng như những tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam mong muốn cán bộ lãnh đạo và Nhân dân huyện Kỳ Anh bàn bạc, thống nhất và sớm triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, bởi nó không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà điều quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.
Tổng kết tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành đề nghị: thời gian tới, các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ và Nhân dân thay đổi nhận thức từ tập quán sản xuất vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững; tuyên truyền về giá trị, lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đưa nội dung phát triển nông nghiệp hữu cơ vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của huyện, của xã.
Quan tâm đào tạo, tập huấn cho cán bộ và hội viên, nông dân nhằm phổ biến kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường; tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ đã thực hiện thành công, trong đó tập trung hướng tới sản xuất quy mô nông hộ đến quy mô vừa.
Tiếp tục nhân rộng việc đưa công nghệ vi sinh vào xử lý các phế phẩm trong trồng trọt như rơm rạ, chất thải hữu cơ; ủ thức ăn, xử lý chất thải trong chăn nuôi; xử lý chất thải trong chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất để thay thế các hóa chất, phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc kháng sinh và các loại kích thích có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.