Vào năm 1901, trong lúc trục vớt kho báu từ tàu buôn gặp nạn ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp, các thợ lặn đã tìm thấy cỗ máy Antikythera. Con tàu này bị đắm trong một trận bão ở thế kỷ 1 trước Công nguyên khi đi qua giữa Crete và Peloponnese trong hành trình tới Rome.
Theo các chuyên gia, cỗ máy Antikythera có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi do người Hy Lạp tạo ra. Cỗ máy này được xem là thành tựu kỹ thuật phức tạp nhất còn tồn tại từ thời cổ đại đến nay. Việc giải mã cơ chế hoạt động của Antikythera là nhiệm vụ khó khăn đối với giới khoa học.
Vào thời điểm phát hiện, cỗ máy Antikythera là một khối đồng bị nước biển ăn mòn và chỉ còn 1/3 số chi tiết sau sau khoảng 2.000 năm bị "ngủ vùi" dưới đáy đại dương. Nó được đặt trong hộp gỗ có kích thước 340x180x 90 mm.
Ban đầu, Antikythera được tìm thấy dưới dạng một khối sau đó được chia thành 3 mảnh chính. Hiện cỗ máy bí ẩn này được giới khoa học chia thành 82 mảnh riêng biệt.
Đến những năm 1950, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ tia X-quang để tìm ra manh mối để giải mã bí ẩn 30 bánh răng bằng đồng nối với các mặt đồng hồ và con trỏ của cỗ máy Antikythera.
Đến năm 2005, giới nghiên quét các tia X có độ phân giải cao phức tạp hơn lên hơn 80 mảnh vỡ của cỗ máy Antikythera. Nhờ vậy, họ phát hiện bên trong các bánh răng có những ký tự Hy Lạp cổ đại.
Nhà sử học Alexander Jones cho biết có hơn 3.500 ký tự ẩn trong cỗ máy Antikythera. Ông cho rằng, những ký tự này không phải hướng dẫn sử dụng mà giống như tấm bảng giới thiệu đặt bên cạnh mỗi hiện vật ở bảo tàng.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã áp dụng những công nghệ hiện đại để tìm ra cách thức vận hành của cỗ máy Antikythera.
Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho rằng, cỗ máy Antikythera có thể hiển thị chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ trên các vòng đồng tâm.
Theo các chuyên gia UCLA, người Hy Lạp thời cổ đại có thể tạo ra cỗ máy Antikythera dùng làm một loại thước trắc tinh hoặc cung thiên văn. Nó dùng cho dự báo các sự kiện thiên văn và nhật thực cho các mục đích về lịch và chiêm tinh. Dù vậy, đây chỉ là giả định. Vậy nên, giới khoa học vẫn nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra cơ chế hoạt động cũng như mục đích sử dụng của Antikythera.
Mời độc giả xem video: Bí ẩn vũ khí hủy diệt đáng sợ của người Hy Lạp cổ đại.
Tâm Anh (theo LS)