Viên kim cương Koh-i-Noor (theo ngôn ngữ người Ba Tư có nghĩa là núi của ánh sáng) là một trong những viên đá quý bị đồn mang "lời nguyền" nghiệt ngã. Nặng 10 carat (21,6g), Koh-i-Noor được khai thác ở bang Andhra Pradesh ở Ấn Độ. Viên kim cương quý giá này từng thuộc về nhiều triều đại bao gồm: Kakatiyas, Rajputs, Mughal, Afsharid, các đế chế Durrani, Sikh và Anh.
Lời nguyền chết chóc của viên kim cương Koh-i-Noor được ghi lại trong một văn bản tiếng Hindu đề cập tới sự xuất hiện lần đầu tiên của nó vào năm 1306. Nội dung lời nguyền khiến nhiều người ớn lạnh: "Ai sở hữu viên kim cương này sẽ sở hữu cả thế giới, nhưng cũng sẽ nếm tất cả bất hạnh của nó. Chỉ có Thiên Chúa, hoặc một người phụ nữ, có thể sở hữu nó mà không bị trừng phạt".
Mặc dù các chuyên gia chưa thể xác định lời nguyền có thật hay không nhưng nhiều người từng sở hữu viên kim cương Koh-i-Noor đều gặp chuyện xui xẻo. Trong đó, nhà vua Humayun (thế kỷ 18) đã gặp không ít tồi tệ khi sở hữu Koh-i-Noor. Tiếp đến, Sher Shah Suri - người đánh bại vua Humayun, chết cháy vì pháo nổ.
Con của Humayun là Akbar sợ sẽ trở thành nạn nhân của lời nguyền nên không giữ viên kim cương này bên mình. Về sau, người kế vị Shah Jahan đã lấy viên kim cương Koh-i-Noor từ kho báu của hoàng gia nhưng nhanh chóng bị chính con trai mình lật đổ.
Viên kim cương Koh-i-Noor thuộc sở hữu của Nữ hoàng Victoria từ năm 1849 sau khi có Hiệp ước về việc sáp nhập Punjab vào Anh. Từ triều đại của Nữ hoàng Victoria, viên kim cương này luôn được trao cho vợ của người thừa kế ngai vàng nước Anh. Nhiều người cho rằng, Hoàng gia Anh làm như vậy vì lời nguyền chỉ ứng nghiệm lên những người đàn ông sở hữu viên kim cương.
Kim cương Black Orlov được tìm thấy ở Ấn Độ vào đầu những năm 1800. Một truyền thuyết kể rằng, viên kim cương nặng 195 carat trên bị một nhà sư đánh cắp từ mắt tượng thần Brahma - một trong 3 vị thần tối cao của đạo Hindu - tại một ngôi đền ở miền Nam Ấn Độ.
Sau đó, viên kim cương quý giá qua tay rất nhiều chủ nhân giàu có và được đồn thổi mang lời nguyền bí ẩn khiến người sở hữu gặp bất hạnh. Nạn nhân đầu tiên của lời nguyền được cho là công chúa nước Nga Nadia Vygin - Orlov. Nàng công chúa xinh đẹp này sở hữu viên kim cương từ năm 1912.
Công chúa Nadia đến Rome, Italy sau khi xảy ra cuộc cách mạng Nga năm 1917. Về sau, bà được phát hiện tử vong trong một ngôi nhà ở Rome. Nhiều người cho rằng bà đã tự sát.
Trùng hợp là một tháng trước khi công chúa Nadia qua đời, một thành viên hoàng tộc khác là công chúa Leonila Viktorovna-Bariatinsky được cho là đã nhảy lầu tự tử. Người ta phát hiện, trước khi chết, công chúa Leonila từng sở hữu viên kim cương Black Orlov.
Đến đầu năm 1932, ông J. W. Paris - nhà buôn giàu có đã đưa viên kim cương Black Orlov đến nước Mỹ đem bán. Vào ngày 7/4 năm đó, ông trèo lên nóc tòa nhà chọc trời trên Đại lộ 5 ở Manhattan, New York rồi nhảy xuống tự sát. Ba cái chết trên được cho là liên quan đến lời nguyền viên kim cương Black Orlov nhưng giới chuyên gia vẫn chưa tìm được bằng chứng xác thực để chứng minh đó là sự thật.
Mời độc giả xem video: Tận mục viên kim cương hồng “siêu to khổng lồ” đắt nhất thế giới.
Tâm Anh (theo Grunge)