Từ ngày 23/8 - 16/9, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thực hiện một cuộc thám hiểm không người lái dọc đáy đại dương. Sứ mệnh này được phát trực tuyến trên Internet. Trong khuôn khổ sứ mệnh này, NOAA phát hiện " quả trứng vàng" bí ẩn vào ngày 30/8.
Theo NOAA, "quả trứng vàng" được phát hiện nằm dưới đáy biển ngoài khơi Alaska. Các chuyên gia cho hay vật thể này sáng bóng, có màu vàng và rất mỏng manh khi chạm vào giống như các mô trên da người.
Hiện các chuyên gia của NOAA chưa thể xác định nguồn gốc của "quả trứng vàng" dưới đáy biển ngoài khơi Alaska. Tuy nhiên, họ cho rằng nó có thể là vỏ trứng hoặc phần còn lại của bọt biển.
Để tìm hiểu "quả trứng vàng" thực chất là gì, tàu lặn thăm dò của NOAA đã triển khai một cánh tay robot điều khiển từ xa để chạm nhẹ vật thể và tách nó ra khỏi tảng đá.
Kế đến, "quả trứng vàng" được đưa lên mặt biển rồi chuyển tới phòng nghiên cứu. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra, xét nghiệm ADN trong phòng thí nghiệm với hy vọng sẽ sớm tìm ra lời giải.
Qua quan sát, các chuyên gia phát hiện một lỗ hổng ở phía trước của "quả trứng vàng". Họ suy đoán lỗ hổng này có thể là kết quả của sự va chạm giữa nó với một sinh vật biển khác.
“Trong 20 năm khám phá biển sâu, tôi chưa từng thấy điều gì như vậy”, Giáo sư sinh thái biển sâu Kerry Howell của Đại học Plymouth nói về việc tìm thấy "quả trứng vàng" dưới đáy biển.
Theo Giáo sư Kerry Howell, nhiều loài chưa được khám phá ở các vùng biển sâu trên thế giới. Do đó, "quả trứng vàng" có thể liên quan đến một loài mới.
Giáo sư Howell cho biết thêm, lỗ hổng trên "quả trứng vàng" có thể là nơi sinh vật hít vào và thở ra nếu nó là miếng bọt biển hoặc là nơi sinh vật nở ra nếu nó là vỏ của một quả trứng.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh xác tàu Titanic dưới đáy biển sâu 4.000m.
Tâm Anh (theo ATI)