Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ
Trước thực trạng nguồn tài nguyên nước mặt ở tỉnh Gia Lai đang bị ô nhiễm cục bộ, ngành chức năng và các địa phương đã đưa ra một số giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại như thế nào thì cần phải có thời gian kiểm chứng, đồng thời phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Nói về công tác bảo vệ nguồn nước mặt trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn có các vị trí nước mặt như: Biển Hồ, suối Hội Phú, suối Gia Linh và một số kênh mương, suối nhỏ. Để quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; quan tâm thu gom rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của doanh nghiệp và cộng đồng trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt.
“Đối với khu vực Biển Hồ, thành phố khuyến khích các hộ có diện tích sản xuất gần kề chuyển sang canh tác nông nghiệp sạch nhằm hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường trồng cây xanh, không cho kinh doanh dịch vụ và khi xây dựng hệ thống nhà vệ sinh sẽ chọn lắp khu vệ sinh bán tự hoại để thu gom và mang đi nơi khác xử lý chứ ko xử lý tại chỗ gây ảnh hưởng nguồn nước. Riêng đối với khu vực suối Hội Phú, thành phố đang cải tạo, xây dựng bờ kè và đây là điều kiện để góp phần cải thiện vấn đề ô nhiễm nguồn nước nhờ hạn chế được sự tù đọng nước thải. Đồng thời, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xử lý nước thải sinh hoạt, trong đó có sự hỗ trợ từ Chính phủ Phần Lan và từ nguồn vốn ODA. Đến thời điểm này, thành phố đã được Chính phủ Phần Lan chấp nhận hỗ trợ Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Pleiku và Dự án từ nguồn vốn ODA đang chờ các bộ ngành trình Chính phủ xem xét. Nếu cả 2 dự án này được triển khai sẽ giải quyết được vấn đề thoát nước, xử lý nước thải của thành phố và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm suối Hội Phú”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin.
Tại huyện Ia Grai, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Thái Anh Tuấn cho hay: Trên địa bàn huyện có hệ thống sông Sê San, 2 hệ thống suối chính là Ia Plan, Ia Grăng (đổ ra sông Sê San) và một số suối nhỏ, 12 ao hồ thủy lợi với lưu lượng nguồn nước khá dồi dào. Nguồn nước này giúp cho địa phương khai thác, sử dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. “Hiện nay, chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm và đảm bảo phục vụ cho tưới, sinh hoạt (nếu có phương án xử lý phù hợp) và các hoạt động sản xuất khác. Hàng năm, huyện đều kiểm tra để gia cố các bờ đập; tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt, khơi thông dòng chảy các kênh rạch dẫn nước ra sông để tránh bị tù đọng. Cùng với đó, huyện tuyên truyền, vận động người dân bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa (toàn huyện đã xây dựng được gần 390 bể chứa) để hạn chế tình trạng vứt bừa bãi bao bì tại các đồng ruộng, kênh rạch gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện, có 3 doanh nghiệp chế biến mủ cao su có sử dụng nguồn nước và xả thải nước thải ra môi trường nước mặt. Huyện sẽ phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra việc xử lý nước thải của các cơ sở này đảm bảo đạt chuẩn rồi mới cho thải ra môi trường”-ông Tuấn cho hay.
Tương tự, huyện Krông Pa cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt. Ông Nguyễn Trí Quang-Trưởng phòng TN-MT huyện-thông tin: Trên địa bàn huyện có khoảng 3.599 ha nước mặt, chủ yếu là nước thuộc lưu vực sông Ba, sông Krông Năng và các con suối lớn như: Ia Mlah, Ia Rsai, suối Uar. Huyện đã đầu tư xây dựng 390 bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và vận động người dân bỏ rác đúng quy định để hạn chế tình trạng chất thải nguy hại vứt bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở các nhà máy quan tâm xử lý tốt các nguồn thải. “Tới đây, Phòng tiếp tục lấy mẫu nước tại các điểm tiếp nhận nguồn thải gần các nhà máy để phân tích chất lượng nguồn nước và kịp thời kiểm soát các nguồn ô nhiễm. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thu gom, xử lý nước thải; khuyến khích người dân trồng cây trên diện tích đất trống đồi trọc đoạn gần sông Ba và các nhánh sông để tránh xói mòn. Huyện khuyến cáo người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường nào về chất lượng nguồn nước các lưu vực sông, suối thì kịp thời báo cho ngành chức năng nhằm tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý”-ông Quang cho hay.
Trong khi đó, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Trưởng phòng TN-MT thị xã An Khê-nêu giải pháp: Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải của các nhà máy, thị xã tiếp tục lấy mẫu nước phân tích tại các điểm tiếp nhận nước thải của các nhà máy; vận động doanh nghiệp, người dân thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại bỏ đúng nơi quy định; tiếp tục xây dựng các bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Thị xã cũng đã đề xuất Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nhằm hạn chế gây ảnh hưởng môi trường nước mặt trên địa bàn.
Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở TN-MT-cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là đối với hành vi xả nước thải sản xuất ra môi trường, gây ảnh hưởng đến nguồn nước mặt không qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh việc quan trắc môi trường nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt. Đối với các cơ sở xả nước thải ra môi trường với lưu lượng lớn, yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền số liệu về Sở, Bộ TN-MT để giám sát, theo dõi. Ngoài ra, Sở cũng sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó chú trọng đến thẩm định công nghệ xử lý nước thải do nhà đầu tư đề xuất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường nước mặt nói riêng; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với người dân, doanh nghiệp.