Kỳ cuối: Chung tay giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng
Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện để người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống, trở thành công dân tốt.
Chuẩn bị “hành trang” cho phạm nhân được đặc xá
Trung tá Phan Thế Bảo- Phân trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, để chuẩn bị hành trang ngày trở về, tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, đơn vị đã tổ chức giáo dục cho phạm nhân nắm và hiểu rõ quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, tái phạm, điều kiện xóa án tích, nội dung cơ bản của Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chính sách về vay vốn sản xuất kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm… Đồng thời, giáo dục đạo đức, quy tắc ứng xử, kỹ năng sống, tư vấn về tâm lý để phạm nhân tự tin, xóa bỏ mặc cảm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân T.M.L (ngụ thị trấn huyện Bến Cầu) vui mừng và hồi hộp chờ đợi đến ngày chính thức nhận được quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Một phút lỡ lầm trong quá khứ, L phạm tội và phải trả giá với mức án 3 năm tù giam. Ăn năn, hối cải với những lỗi lầm của mình, trong thời gian chấp hành án tại Trại tạm giam, phạm nhân T.M.L đã nỗ lực cải tạo, phấn đấu tốt, mong muốn được làm lại cuộc đời.
“Khi biết mình đã được xét đề nghị, chờ quyết định của Chủ tịch nước để được đặc xá trong dịp lễ 2.9 năm nay, tôi rất hồi hộp, mong đợi trở về đoàn tụ với gia đình. Tôi trông ngóng từng ngày, từng giờ và cảm thấy biết ơn cán bộ quản giáo đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ trong suốt thời gian chấp hành án tại trại, giúp tôi nhận biết lỗi lầm, ăn năn, phấn đấu cải tạo tốt”- phạm nhân T.M.L chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, phạm nhân N.T.H.A (ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Biên, phạm tội tham ô tài sản) không giấu được xúc động khi ngày chị được về với gia đình đã cận kề. “Trong quá trình chấp hành án, tôi rất cố gắng cải tạo, chấp hành tốt nội quy của trại. Từ ngày biết mình được đề nghị đặc xá, tôi mừng lắm, trằn trọc không đêm nào ngủ được. Khi về với cộng đồng, tôi sẽ phấn đấu làm ăn lương thiện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội”- phạm nhân H.A nói.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an về việc triển khai cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho người được đặc xá năm 2022, ngày 25.8, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã đến Trại tạm giam Công an tỉnh thu nhận dữ liệu, hồ sơ CCCD theo quy định. Trung tá Phan Thế Bảo- Phân trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân cho biết thêm, việc thu nhận dữ liệu, cấp CCCD cho người được đặc xá là một trong những công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân, để họ trở về nhà có đầy đủ giấy tờ sử dụng trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Tái hòa nhập cộng đồng - “con đường sáng” cho những người lầm lỡ
Thời gian qua, các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá được Công an địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện để họ quay về cuộc sống đời thường. Người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá khi về địa phương được đưa vào áp dụng mô hình 4+1 để quản lý, giáo dục, giúp đỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa tái phạm.
Mô hình 4+1 với sự tham gia của Công an, đoàn thể, tổ tự quản hoặc tuần tra nhân dân, người có uy tín tại địa phương cùng quản lý, giáo dục, giúp đỡ một trường hợp cần hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Tùy từng lứa tuổi, giới tính để chọn những tổ chức, đoàn thể phù hợp theo dõi, động viên và giáo dục.
Trung tá Nguyễn Ninh Giang- Trưởng Công an xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho biết, tính đến ngày 5.8.2022, Công an xã đang quản lý 46 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, trong đó có 2 trường hợp đặc xá. Riêng mô hình 4+1, Công an xã đang quản lý 9 người. Công tác phân công và thực hiện nhiệm vụ của Ban điều hành mô hình đạt được sự thống nhất và hiệu quả cao.
Cán bộ được phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ thường xuyên gặp gỡ, động viên và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các mối quan hệ của đối tượng được giao quản lý, kịp thời báo cáo Ban điều hành mô hình và đề xuất UBND cấp xã đề ra biện pháp quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua thực hiện mô hình góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tình trạng tái phạm đối với người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá nói riêng.
Điển hình như trường hợp của anh T.H.T (sinh năm 1999, ngụ ấp Bình Hòa, xã Thái Bình) là người được đặc xá năm 2021. Trở về địa phương, được sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương và gia đình, anh T dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti.
Quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá, anh T mạnh dạn vay tiền bạn bè, người thân đầu tư 10 triệu đồng mua cá giống (cá tra, diêu hồng, cá chép). “Hiện cá nuôi được khoảng 2 tháng; bình quân, cá nuôi sau 8 tháng có thể thu hoạch. Nếu đầu ra ổn định thì hiệu quả mang lại khả quan, giúp tôi ổn định cuộc sống”- anh T chia sẻ.
Trung tá Tống Hồng Thanh- Trưởng Công an xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, đối với những người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương, Công an xã tiếp nhận và lập hồ sơ quản lý, nắm tình hình, hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của từng trường hợp để phân công người quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp.
Hiện số đối tượng mà Công an xã đang quản lý theo mô hình 4+1 là 12 người. Hằng tháng, thành viên Ban điều hành mô hình tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng ít nhất 2 lần nhằm động viên, giúp đỡ, giáo dục và tuyên truyền pháp luật. Qua đó, các đối tượng đều chấp hành tốt pháp luật, quy định của địa phương và hiện có việc làm ổn định.
Những thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí chịu sự kỳ thị của những người xung quanh. Đại diện Tỉnh đoàn chia sẻ, bên cạnh tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt thanh niên hoàn lương để động viên, khích lệ, giới thiệu việc làm, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống mới. Mặt khác, duy trì đội hình Thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin tại các xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng; khích lệ họ tham gia vào các tổ chức Đoàn, Hội và tham gia phong trào, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hằng năm, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương nhằm giúp cho những phạm nhân có ý thức sống tốt hơn, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Chương trình bao gồm các hoạt động: giao lưu văn hóa văn nghệ, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện cho người lầm lỡ bày tỏ tâm tư; thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình có phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, giúp phạm nhân tiếp tục cải tạo tốt, sớm tái hòa nhập với cộng đồng…
Anh Nguyễn Tuấn Hằng Hải Sơn- Bí thư Xã đoàn Thái Bình chia sẻ, để giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên sau cai nghiện, Đội thanh niên tình nguyện Thắp sáng niềm tin của xã tham mưu Ban Chấp hành Đoàn và Công an xã đề ra kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan rà soát, nắm số lượng thanh niên cụ thể và tập hợp, quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Tổ chức các phong trào, hoạt động cho thanh niên chậm tiến, thanh niên sau cai nghiện tham gia. Hằng quý, Đội sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tuyên truyền pháp luật cho thanh niên chậm tiến, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; đề nghị ngành chức năng hỗ trợ cho thanh niên chậm tiến được vay vốn, hỗ trợ giải quyết việc làm.